Báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần vừa cập nhật của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân của công ty chứng khoán SSI cho biết, trong tuần đến ngày 7/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục bơm ròng 14.349 tỷ đồng thông qua tín phiếu đáo hạn, lượng tín phiếu lưu hành giảm về 70.450 tỷ đồng; kênh OMO không phát sinh giao dịch và duy trì số dư bằng 0.
Lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng từ đầu tuần và gần như đi ngang trong tuần, hiện ở mức 3,15%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,28% với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất qua đêm của VND-USD là 0,7%.
Ở thị trường 1 - tức là thị trường huy động vốn từ dân cư và các tổ chức - lãi suất huy động ổn định ở mức 4,1%-5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Gần đây, một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất hấp dẫn lên tới 8,5-8,7%/năm - mức rất cao so với mặt bằng chung, song cũng không dễ dàng gì đạt được bởi kèm theo điều kiện phải gửi từ 24-36 tháng hoặc với số tiền gửi khá lớn, tới 500 tỷ đồng.
Theo nhóm phân tích của SSI, đối tượng khách hàng đủ điều kiện hưởng mức lãi suất này không nhiều và cũng không mang tính đại diện cho thị trường.
Thực tế khảo sát của chúng tôi cho thấy, lãi suất hiện nay vẫn chia làm 3 nhóm khá rõ ràng. Nhóm thứ nhất đang chiếm hơn một nửa tổng nguồn huy động vốn từ thị trường đó là 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, cùng với Techcombank lãi suất cao nhất chỉ quanh mức 7%/năm.
Ở nhóm thứ 2 là các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn, có hệ thống mạng lưới giao dịch rộng rãi như Sacombank, HDBank, ACB, MB hoặc các ngân hàng nhỏ hiếm khi gia nhập cuộc đua lãi suất cao như Kienlongbank, MSB và nhóm "0 đồng" là OceanBank, GPBank, CBBank thì lãi suất cao nhất cũng chỉ tới 7,7 - 7,8%/năm.
Nhóm thứ ba là các ngân hàng lớn thường xuất hiện trong cuộc đua lãi suất cao như Eximbank, VPBank, SCB... và các ngân hàng nhỏ khác có lãi suất cao hơn cả, hiện cao nhất phổ biến trên 8%/năm, có trường hợp tới 8,7%/năm.
Dẫu vậy, như đã đề cập ở trên, các mức lãi suất cao chót vót ở các ngân hàng này cũng không phải dành cho các đối tượng khách hàng thông thường, mà là nhóm người gửi tiền "nhà giàu" có chục tỷ, trăm tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, với số tiền ít hơn, tất nhiên cũng từ 500 triệu trở lên, các khách hàng đến gửi tiền ở nhóm ngân hàng này, thường không khó khăn để thoả thuận được các mức lãi suất cao hơn so với niêm yết.