Lại bàn việc đánh thuế người giàu Việt Nam

Minh Nguyệt |

Chuyên gia nước ngoài cho rằng cần thực hiện nhiều biện pháp đánh thuế người giàu hơn, ví dụ như áp thuế tài sản.

Chiều 25/1, ông Max Lawson, Trưởng Ban Chính sách, Oxfam quốc tế, tác giả bản báo cáo được công bố bên thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tại Davos, Thụy Sỹ có những giải thích cụ thể về vấn đề bất bình đẳng xã hội.

Những kiến giải này được thể hiện trong khuôn khổ buổi tọa đàm chia sẻ báo cáo "Lợi ích công hay tài sản tư" tại trụ sở Oxfam Việt Nam .

Chuyên gia quốc tế của Oxfam nêu những con số đáng chú ý. Năm 2018, 26 người giàu sở hữu lượng tài sản bằng với tài sản của một nửa dân số thế giới (3,8 tỷ người). So với con số 43 người của năm 2017 có thể thấy khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nhanh chóng.

Theo đó, cứ hai ngày thế giới lại có thêm một tỷ phú trong khi tài sản của một nừa dân số nghèo nhất nhất nhân loại giảm 11%.

Theo tài liệu tổng quan của Oxfam về dịch vụ công, nghèo đói và bất bình đẳng ở Việt Nam thì bất bình đẳng ở Việt Nam đang tăng theo mọi thước đo và người giàu được hưởng lợi nhiều hơn từ các chính sách tăng trưởng kinh tế theo mọi khía cạnh.

Lại bàn việc đánh thuế người giàu Việt Nam - Ảnh 1.

Chuyên gia Max Lawson trong buổi tọa đàm

Bất bình đẳng tại Việt Nam đang xói mòn những thành tựu về tăng trưởng, khiến nhiều nhóm yếu thế bị bỏ lại phía sau, nó cũng khiến niềm tin xã hội bị lung lay, Oxfam nhận định.

Đáng chú ý, phân tích của Oxfam cho thấy hệ thống thuế của Việt Nam đang giúp người giàu ngày càng đóng thuế ít hơn, hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình tăng trưởng. Trong khi đó, người nghèo và các nhóm yếu thế không được tiếp cận các dịch vụ công đầy đủ do thiếu đầu tư hợp lý cho giáo dục và y tế.

Hiện nay, ngân sách Việt Nam dựa chủ yếu vào thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, trong đó thuế giá trị gia tăng đóng góp lớn nhất cho ngân sách (trung bình 25% thu ngân sách và một phần ba thuế giai đoạn 2010 – 2016).

Theo phân tích, thuế giá trị gia tăng là thuế luỹ thoái và việc sử dụng thuế này như một nguồn thu chính cho ngân sách đã tạo gánh nặng lớn cho những người nghèo nhất.

Ngoài ra, theo Oxfam việc mở rộng chính sách ưu đãi thuế là một trong những nguyên nhân làm giảm thu ngân sách nhà nước của Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam đang đối mặt với bội chi ngân sách nhà nước tiếp tục có xu hướng tăng và người dân chịu gánh nặng chi tiêu về y tế và giáo dục cao.

Chuyên gia của Oxfam cho rằng, cần thực hiện nhiều biện pháp hơn nhằm đánh thuế người giàu ở Việt Nam. Thuế tài sản đang được đề xuất là một biện pháp.

Nếu được thiết kế một cách phù hợp, loại thuế này sẽ tạo nên một hệ thống thuế công bằng hơn. Phân tích từ Oxfam và Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách cho thấy, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình.

Tuy nhiên, nếu giá nhà tính thuế bắt đầu tư hai tỷ trở lên, thuế này không ảnh hưởng tới thu nhập của người nghèo mà chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu.

Lại bàn việc đánh thuế người giàu Việt Nam - Ảnh 2.

Khi đó, bất bình đẳng giảm chủ yếu do thu nhập người giàu ít đi và chưa chắc do thu nhập người nghèo được cải thiện. Vì vậy nếu thu ngân sách từ thuế tài sản được phân bổ cho các dịch vụ công nhằm nâng cao thu nhập và năng suất toàn xã hội thì đây là một sắc thuế rất hiệu quả.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề đánh thuế vào nhóm người giàu ở Việt Nam được nhắc đến. Từng nhận định về vấn đề này, TS Lê Quang Cường, Bộ môn thuế, Khoa tài chính công, Đại học Kinh tế TPHCM khẳng định các quốc gia khác trên thế giới đã thực hiện việc đánh thuế này từ lâu.

Và với Việt Nam, việc áp thuế này dù là muộn nhưng sẽ rất cần thiết với tình hình trong nước. Ông Cường phân tích, việc đánh thuế vào tài sản sẽ làm giảm vấn đề đầu cơ bất động sản, vốn là nguyên nhân chủ yếu sinh ra bong bóng trong loại hình này.

TS Lê Quang Cường còn cho rằng, việc đánh thuế tài sản sẽ góp phần phát hiện tài sản có giá trị lớn không rõ nguồn gốc. Và kết hợp với các nỗ lực chống tham nhũng hiện nay, sẽ rất hiệu quả cho cả hai mục đích: tăng nguồn thu cho ngân sách và phát hiện, triệt tiêu tham nhũng.

TS Đỗ Thị Thìn, chuyên gia thuế cũng đồng tình về việc đánh thuế tài sản người giàu. "Tài sản ở đây bao gồm động sản và bất động sản. Bất động sản chủ yếu là nhà đất.

Ngoài ra có thể tính đến chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu. Những tài sản này thường thu mỗi năm một lần. Việc xây dựng một chế tài về thuế với những tài sản này không quá khó".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại