Năm 2020, ngoài việc con người phải đối mặt với những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, thì còn phải chịu đựng những hiện tượng thời tiết cực đoan, gây thiệt hại nhiều về người và của. Theo các nhà khí tượng học, năm nay, Trái Đất còn chứng kiến hiện tượng La Nina, khiến mùa mưa lũ trở nên nghiêm trọng hơn.
Mưa lũ hoành hành tại Australia (Nguồn: SBS News)
La Nina là hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường. Nó trái ngược hoàn toàn với hiện tượng El Nino (nước biển nóng lên) nhưng lại thường sẽ xảy ra ngay sau khi hiện tượng El Nino kết thúc. Và sau 2019 - năm hiện tượng El Nino diễn ra khiến nhiệt độ nhiều nơi trên Trái Đất cao kỷ lục - thì giờ sang năm 2020, Trái Đất hứng chịu La Nina.
Hiện tượng La Nina được cảnh báo có thể gây mưa lũ tại nhiều nơi trên thế giới
Hiện tượng La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng Hai năm sau đó. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, La Nina năm nay tại Bắc bán cầu sẽ hình thành vào khoảng tháng 8 đến tháng 10, và dự kiến sẽ kéo dài tới năm 2021. Lần gần đây nhất La Nina xảy ra là vào cuối năm 2017 đến đầu năm 2018.
Theo dự báo, tại Đông Nam Á, Nam Á và nhiều nơi ở Australia có khả năng xuất hiện mưa lớn hơn bình thường. Các trận bão cũng có khả năng xuất hiện nhiều hơn về số lượng và mạnh hơn về cường độ.
Lũ lụt phá huỷ mùa màng
Những hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của La Nina khiến nhiều quốc gia lo ngại về ngành nông nghiệp. Như tại Australia, các chuyên gia dự đoán: khí hậu bất thường sẽ ảnh hưởng tới sản xuất ngũ cốc, lúa gạo.
Trong khi đó, nguồn cung gạo nội địa tại quốc gia này được dự báo là sẽ cạn vào tháng 12 tới. Trước đó, do lượng mưa thấp, thời tiết khô hạn và tình trạng tích trữ lương thực dưới tác động của COVID-19 đã khiến nguồn cung gạo nội địa của Australia giảm dần.
Lũ lụt tại Australia năm 2019 (Nguồn: SBS News)
Mặc dù La Nina xảy ra sẽ gây ra tác động giảm nhiệt, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục cao hơn bình thường.
"Ngay cả khi La Nina diễn ra, tác động làm lạnh khí hậu của hiện tượng này cũng không đủ để bù lại tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, làm khí hậu nóng lên" - ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo.