Là một người yêu thiên nhiên, anh Minh Nhựt (31 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) thường xuyên tìm hiểu về nhiều loài động vật. Vào năm 2019, anh tình cờ tìm được một tổ kiến ở gốc cây rồi mang về nhà để vào bể thủy sinh cho chúng tự sinh sản. Sau đó anh Nhựt vô tình phát hiện thấy tổ kiến có rất nhiều trứng và con non và quyết định giữ lại. Lên mạng tìm hiểu cách giữ kiến thì anh bất ngờ khi biết có hẳn một cộng đồng nuôi kiến cảnh ở Việt Nam và trên thế giới.
Anh Nhựt chia sẻ: “Trước khi bắt một loài kiến về, người chơi phải tìm hiểu tập tính, lối sống của loài kiến đó để thiết kế bể nuôi cho phù hợp. Một bể có hai phần chính: phần tổ bên dưới làm từ một loại xi măng xây dựng và phần mô phỏng không gian săn mồi của kiến, bao bọc bởi các lớp mica trong suốt. Ngoài ra, tổ kiến còn có hai hộc nhỏ bên hông: hộc bên dưới là nơi kiến gom rác, thức ăn thừa để làm sạch tổ, hộc bên trên là nơi để thức ăn”.
Phần tổ bằng xi măng bên dưới được anh Nhựt sử dụng khoan để thiết kế. Nơi đây là chỗ để kiến chúa ở và sinh sản. Một chiếc bể nuôi kiến chuẩn phải đảm bảo yếu tố kín, khít để tránh xổng kiến hoặc kiến bên ngoài tự nhiên xâm nhập vào phá đàn kiến nuôi. “Có lần dưỡng kiến chúa, tôi tò mò mà mở chuồng ra xem. Theo tập tính, điều này khiến chúng cảm thấy không an toàn dẫn đến việc khi sinh xong, chúng sẽ ăn trứng cả chục lần”, anh Nhựt chia sẻ.
Anh Nhựt thiết kế bể nuôi kiến từ những nguyên vật liệu có sẵn như thau, hộp cũ. Về tiểu cảnh, anh sử dụng cỏ cây nhựa.“Tập tính một số loài kiến thích đào bới, nếu cho vật liệu tự nhiên như đất đá vào thì chúng sẽ đào. Khi thấy có môi trường thích hợp, chúng sẽ chui xuống đất, xây tổ bên dưới. Điều này khiến người chơi không còn nhìn thấy đàn kiến, giá trị của thú vui này cũng không còn”, anh chia sẻ.
Anh thường cho kiến ăn nước đường, mật ong, và côn trùng để bổ sung protein giúp kiến chúa sinh sản tốt. Ngoài ra, anh còn nhỏ các giọt nước đường trên lá, nhụy hoa, hoặc để một bình nước đường lớn ở phần mô phỏng không gian săn mồi, để cho kiến tự tìm đến ăn. Với loài kiến ăn thịt, anh cho ăn hai ngày một lần. Vì kiến có kích thước nhỏ tiêu thụ lượng thức ăn rất ít. Mỗi tháng, anh chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền mua thức ăn cho kiến.
Ngoài ra, trong bộ dụng cụ nuôi kiến cảnh của anh còn có “ống dưỡng queen” (ống dưỡng kiến chúa), gồm phần ống màu hồng chính giữa để cho kiến chúa trú ngụ, đẻ trứng, phần hộp đựng thức ăn cho kiến và phần dùng để châm nước, tạo độ ẩm.
“Khi để kiến ở ngoài tự nhiên, chúng sẽ bị đe dọa bởi cái loài côn trùng lớn khác, 10 kiến chúa thì có thể chỉ còn 1 con. Tôi thường mang kiến chúa về để dưỡng, cho chúng sinh sản, thông qua đó có thể đảm bảo được số lượng loài”, anh Nhựt chia sẻ. Trong ảnh là những ống dưỡng kiến chúa sinh sản.
Nhiều loại kiến như Harpegnathos venator với chiếc càng bự và vẻ ngoài “hầm hố” rất nhạy cảm với ánh sáng nên anh Nhựt phải dùng một tấm màn đen che tổ lại để chúng không bị stress. Khi kiến chúa stress, chúng sẽ tự động ăn trứng của chính mình.
Trong tương lai, anh Nhựt tiếp tục sáng tạo và phát triển các loại bể nuôi phù hợp để kiến sinh trưởng tốt hơn, lan tỏa thú vui nuôi kiến cảnh. Ngoài kiểu bể có các mặt đều được gắn nam châm, anh còn đang phát triển loại có thể ghép nối, thông nhau bằng một lỗ nhỏ. Kiến sẽ chui qua đó và mở rộng nơi ở mà không cần thay chuồng nuôi lớn hơn.
Ngoài cửa hàng bán đồ thủy sinh, anh cũng đã có thêm thu nhập từ hoạt động mua bán bể nuôi, kiến giống. “Tôi mong rằng bản thân có thể phát triển những loại bể nuôi kiến phù hợp, ưu việt hơn cho cộng đồng nuôi kiến. Ngoài ra, nếu ai hứng thú với loài côn trùng nhỏ bé này, tôi luôn sẵn sàng để họ đến tham quan cửa hàng của mình”, anh Nhựt nói.