Các bồn chứa dầu và khí đốt tại một kho chứa dầu ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, dù vậy dự án đến nay vẫn chưa được hoàn thiện vì hai bên còn "một số chi tiết cần giải quyết".
Nga đã đề xuất dự án này từ nhiều năm trước nhưng kế hoạch càng trở nên cấp bách khi Moscow kỳ vọng Bắc Kinh sẽ thay thế châu Âu trở thành khách hàng khí đốt lớn của mình.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ không cần thêm nguồn cung cấp khí đốt cho đến sau năm 2030.
Nga rất ít lựa chọn thay thế
Từng là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, xuất khẩu khí đốt của Nga đã giảm mạnh vào năm 2022 sau một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Khi châu Âu tìm kiếm các nhà cung cấp khác, Moscow đã chuyển sang những khách hàng mới thay thế, bao gồm Trung Quốc - vốn đang có sẵn giao dịch từ đường ống Sức mạnh Siberia hiện tại.
Vào năm 2022, Trung Quốc đã vượt qua Đức để trở thành khách hàng mua năng lượng hàng đầu của Nga.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki, Trung Quốc đã thanh toán tổng cộng 12,2 tỷ USD để mua than, khí đốt và dầu từ Nga.
Tàu chở khí đốt từ dự án Yamal LNG của Nga tới Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Vận chuyển khí đốt của Nga tới Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia đã đạt mức kỷ lục 15,5 tỷ m3 vào năm ngoái.
Nhưng doanh số bán sang châu Á không đáng kể so với 155 tỷ m3 khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu trước xung đột.
Chia sẻ với AFP, ông Philip Andrews-Speed, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: " Nga đang mong muốn vận chuyển càng nhiều khí đốt về phía đông càng tốt khi châu Âu cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga ".
Ông Jaime Concha, chuyên gia thị trường khí đốt tại công ty phân tích ngành Energy Intelligence, cho hay thỏa thuận khí đốt Sức mạnh Siberia 2 sẽ củng cố vai trò thị trường dài hạn của Trung Quốc.
Chuyên gia này nhận định, cơ sở hạ tầng đường ống hiện tại của Nga "hầu hết được thiết kế để phục vụ cho thị trường châu Âu, việc xây dựng một mạng lưới tương đương ở châu Á sẽ rất tốn kém và mất thời gian, cho thấy Nga có rất ít lựa chọn thay thế".
"Bài học từ châu Âu"
Trong khi đó, Trung Quốc luôn tìm cách đảm bảo đa dạng các nguồn cung cấp năng lượng.
Bắc Kinh đã ký một loạt hợp đồng khí đốt dài hạn trên khắp thế giới trong những năm gần đây.
Trung Quốc đang đàm phán về một đường ống mới - Đường ống dẫn khí đốt Trung Á - cung cấp 25 tỷ m3 khí đốt hàng năm trong 30 năm từ Turkmenistan qua Tajikistan và Kyrgyzstan đến Trung Quốc.
Ngoài ra, Bắc Kinh có hợp đồng dài hạn với Qatar, Mỹ và các công ty dầu mỏ lớn trên toàn cầu về nguồn cung cấp LNG. Nước này đã nhập khẩu 63,4 triệu tấn nhiên liệu lạnh vào năm ngoái.
" Mục tiêu ban đầu là Trung Quốc nhập khẩu 38 tỷ m3 khí đốt của Nga vào năm 2025. Bây giờ Nga nói rằng con số này sẽ đạt 98 tỷ m3 vào năm 2030. Đó là một bước nhảy rất lớn ", Wang Yuanda, nhà phân tích khí đốt Trung Quốc tại ICIS, nói rằng Trung Quốc sẽ cảnh giác tránh rơi vào tình thế tương tự như châu Âu nếu nước này trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Nga.
Yan Qin, nhà phân tích carbon hàng đầu tại Refinitiv, đồng quan điểm nhấn mạnh: " Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng quan sát thấy bài học từ châu Âu về sự phụ thuộc quá mức vào năng lượng nhập khẩu của Nga ".