Đó là lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, giữa có ngôi sao vàng - lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), Quân giải phóng miền Nam (QGP), cũng là lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) sau này.
Ra đời trong khói lửa chiến tranh giải phóng
Năm 1954, Hiệp định Geneve dẫn đến Việt Nam tạm thời bị phân chia thành hai miền Phía Bắc vĩ tuyến 17 là nơi tập kết của Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn phía Nam vĩ tuyến 17 là nơi tập kết của Quân đội Pháp cùng quân đội Quốc gia Việt Nam.
Tại miền Nam, với sự hậu thuẫn của người Mỹ, Thủ tướng Ngô Đình Diệm của chính phủ Quốc gia Việt Nam đã gian lận trong cuộc trưng cầu dân ý để phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính thể Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Tháng 1.1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố tẩy chay bầu cử Hiệp định Geneve. Ngược lại, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhiều lần đã cố gắng đề nghị VNCH đàm phán "các cuộc bầu cử tự do chung và tự do hóa quan hệ Bắc-Nam nói chung. Chính phủ VNCH hoặc từ chối, hoặc im lặng.
Trong tháng 6.1956, Ngô Đình Diệm hủy bỏ cuộc bầu cử hội đồng làng, có vẻ như vì lo ngại rằng một số lượng lớn Việt Minh có thể giành chiến thắng, thay vào đó là các quan chức Chính phủ bổ nhiệm, là người miền Bắc, Công giáo hoặc thân cận.
Năm 1956, Chính phủ VNCH tiết lộ rằng khoảng 15.000-20.000 người cộng sản đã bị giam giữ trong các "trại tập trung chính trị", trong khi các nguồn tin khác đưa ra con số 50.000 người.
Tháng 3.1958, chính phủ Ngô Đình Diệm đóng cửa các tờ báo lớn nhất ở Sài Gòn. Năm 1959, ban hành Luật 10/59 đàn áp dã man những người được gọi là Việt Cộng - Cộng sản nằm vùng, đồng thời áp dụng chính quyền quân sự với gần 100% tỉnh trưởng là sĩ quan quân đội.
Binh sĩ VNCH không thể chống cự trước sức tiến công như vũ bão của Quân giải phóng.
Mùa xuân năm 1960, một nhóm các nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa không cộng sản đến với nhau - ban hành Tuyên ngôn Caravelle, một cuộc biểu tình bất bình chống chế độ Ngô Đình Diệm nổ ra.
Người Mỹ cũng nhận thức được sự yếu kém của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Theo họ, đã có sự vỡ mộng "đặc biệt là ở các tầng lớp có học", sự "bất mãn trong các sĩ quan quân đội",... Mỹ thấy cần ủng hộ việc thành lập một chính phủ mới ở miền Nam Việt Nam, không phân biệt thành phần.
Hội đồng an ninh quốc gia của Mỹ đưa ra quan điểm "Hỗ trợ miễn phí Việt Nam để phát triển một chính phủ mạnh mẽ, ổn định, và hiến pháp để cho phép Việt Nam Tự Do, để khẳng định một sự tương phản ngày càng hấp dẫn đối với các điều kiện trong vùng Cộng sản hiện nay".
Tuy nhiên can thiệp của Mỹ ngày càng tăng vào chính phủ Việt Nam Cộng hòa dẫn đến việc Tổng thống Ngô Đình Diệm lên tiếng phản đối và bất đồng ngày một gia tăng.
VNCH ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Chính sách của họ tuy có ưu điểm khuyến khích kinh tế phát triển nhưng hố sâu phân hóa xã hội lớn, cùng với việc chia lại ruộng đất, mà phần lớn đã được chính quyền Việt Minh tại miền Nam chia cho các nông dân nghèo, nay lại tập trung lại cho các địa chủ cũ.
Trong khi đó, những người cộng sản đã tham gia đấu tranh giành độc lập, uy tín có được từ thời tiền cách mạng, Cách mạng Tháng Tám và Kháng chiến chống Pháp. Điều này đã hướng nhiều người dân tin tưởng vào người cộng sản.
Ngoài ra thì sự phân chia đất nước khiến cho nhiều gia đình phân ly, những người có tinh thần dân tộc cũng bất bình. Do vậy, những người cách mạng ở miền Nam đã ủng hộ cho giải pháp khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau khi Hội nghị Trung ương 15 của Đảng Lao động Việt Nam tháng 1.1959 tán thành khởi nghĩa ở miền Nam, phong trào cách mạng có biến chuyển. Vấn đề cấp bách là cần có một lực lượng có chính sách độc lập chống Mỹ và VNCH. Từ nhu cầu đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.
Lá cờ "Giải phóng".
MTDTGPMNVN được chính thức thành lập vào ngày 20.12.1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), tỉnh Tây Ninh với thành phần chủ chốt là lực lượng Việt Minh hoạt động bí mật ở miền Nam.
Lãnh đạo ban đầu của Mặt trận là Võ Chí Công, Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát. Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng thành lập lực lượng vũ trang của mình. Đó là QGP miền Nam, trong đó nòng cốt là những người từng tham gia Việt Minh đồng thời bao gồm cả một số người từng là thành viên Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên.
Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận khai mạc ngày 16.2.1962 tại Tân Biên (Tây Ninh) bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch: Phùng Văn Cung, Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát, Ybih Aleo, Đại đức Sơn Vọng, Trần Nam Trung, và Nguyễn Văn Hiếu là Tổng thư ký Mặt trận.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch gồm có: Trần Bạch Đằng, Phan Văn Đáng, Nguyễn Hữu Thế, Trần Bửu Kiếm, bà Nguyễn Thị Định, Hòa thượng Thích Thượng Hào, Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi, Lê Quang Thành, ông Đặng Trần Thi.
Mặt trận đã ra "Tuyên ngôn" và "Chương trình hành động 10 điểm" với mục tiêu đại diện cho quyền lợi của nhân dân miền Nam Việt Nam đấu tranh nhằm đánh Mỹ và chính quyền VNCH, tiến tới thống nhất đất nước.
Mặt trận cũng quyết định lấy lá cờ nửa đỏ, nửa xanh có ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho khát vọng thống nhất và hòa bình cùng bài hát "Giải phóng miền Nam" làm lá cờ và bài hát chính thức của Mặt trận. Từ đó, lá cờ này được gọi là cờ Giải phóng".
Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong ngày chiến thắng
Dẫn dắt cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác
Sau khi MTDTGPMNVN ra đời, phong trào đấu tranh đòi độc lập, thống nhất đất nước liên tục được đẩy mạnh. QGP cũng ngày càng lớn mạnh và đã có nhiều chiến thắng lớn trước quân đội Mỹ và chư hầu- bao gồm cả quân đội Sài Gòn, mở ra những cơ hội mới.
Tháng 6.1969, MTDTGPMNVN cùng với Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, đã lập ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CPCMLT) Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đối chọi với chính phủ VNCH.
CPCMLT do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, và Hội đồng cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. CPLT cũng quyết định chọn lá cờ "Giải phóng" làm quốc kỳ.
Ngay sau khi thành lập đã có 23 nước công nhận CPCMLTCHMNVN, trong đó có 21 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tới cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao.
Với sự chính danh của mình, CPCMLTCHMNVN đã lãnh đạo cách mạng miền Nam liên tục giành thắng lợi, trở thành 1 trong 4 bên tham gia Hội nghị Pa-ri, ký kết Hiệp định Pa-ri buộc Hoa Kỳ rút quân về nước.
Mùa Xuân năm 1975, cuộc Tổng tiến công nổi dậy đã giành thắng lợi. Trưa 30.4.1975, lá cờ nửa đỏ, nửa xanh giữa có ngôi sao vàng đã phấp phới tung bay trên nóc dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn mở ra một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Hoàn thành sứ mệnh đấu tranh giành thống nhất, từ ngày 15 đến 21.11.1975, hội nghị hiệp thương chính trị được tổ chức để tiến tới thống nhất về mặt nhà nước.
Tại hội nghị này, Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Trường Chinh đứng đầu, đoàn CPCMLTCHMNVN do ông Phạm Hùng đứng đầu. Hội nghị đã tán thành tổ chức bầu cử Quốc hội thống nhất.
Ngày 25.4.1976 tổng tuyển cử trong cả nước được tổ chức, bầu ra 492 đại biểu của Quốc hội Việt Nam thống nhất. Từ ngày 24.6 đến ngày 2.7.1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, đặt tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, xác định Thủ đô, bầu chính phủ v.v...
Lá cờ "Giải phóng" tung bay trên những chiếc xe tăng của QGP tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975.
Từ đây, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chính thức hợp nhất với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ra đời chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của một quốc gia Việt Nam thống nhất.
Sau khi hợp nhất về mặt nhà nước, các đoàn thể khác cũng tiếp tục hợp nhất. Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất bắt đầu ngày 31.1.1977 đã tuyên bố hợp nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Miền Nam Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quá trình thống nhất đất nước thực hiện hoàn toàn, lá cờ nửa đỏ nửa xanh giữa có ngôi sao vàng - lá cờ "Giải phóng" đã đi vào lịch sử song nó còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.