Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
"Lá chắn" của Moscow
Business Insider phân tích, việc Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc tích cực mua năng lượng từ Nga cho thấy Moscow vẫn đang nắm giữ lá chắn có thể bảo vệ nền kinh tế của mình trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Hồi tháng 6/2022, trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF), Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: "Cuộc đọ sức kinh tế với Nga không bao giờ có bất cứ cơ hội thành công nào."
Ông cũng cho rằng: "Những dự đoán u ám về tương lai của nền kinh tế Nga đã không thành hiện thực."
Sau sự kiện ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ đã ban hành các lệnh trừng phạt lớn đối với các doanh nghiệp và thực thể của Nga, đồng thời tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin bày tỏ quan điểm rằng, ông không cảm thấy các lệnh trừng phạt này tác động nhiều tới nền kinh tế của Nga như kì vọng của phương Tây bởi năng lượng giá rẻ của Nga vẫn là một mặt hàng đáng chú ý trên thị trường.
Động thái của Brazil
Hôm 12/7, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Carlos Franca cho biết, nước này muốn mua càng nhiều dầu diesel của Nga càng tốt để hỗ trợ cho ngành công nghiệp cũng như cho những người lái xe của họ, hãng tin Reuters cho biết.
"Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào phân bón xuất khẩu từ Nga và cả Belarus. Và tất nhiên, Nga là một nhà cung cấp dầu và khí đốt tuyệt vời," Franca cho hay. Các quốc gia phương Tây cũng tìm cách áp đặt trừng phạt lên Belarus.
Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Carlos Franca
Ông Carlos Franca không cho biết thêm chi tiết về các giao dịch và không rõ liệu việc mua bán của Brazil có tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây hay không.
Brazil là quốc gia mới nhất đang tận dụng lợi thế từ hàng xuất khẩu giá rẻ của Nga vào thời điểm giá năng lượng đang tăng trên toàn thế giới.
Trong những tuần gần đây, Nga trở thành nguồn cung cấp dầu lớn thứ 2 của Ấn Độ cho dù trong lịch sử, hai nước hầu như không phụ thuộc nhau về lĩnh vực năng lượng, BBC đưa tin.
Trong khi đó, Nga đã vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc. Nga đã cung cấp 2,02 triệu thùng mỗi ngày cho Trung Quốc trong tháng 5, tăng từ 1,31 triệu thùng trong tháng trước, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.
Hướng đi của Nga
Wei Cheong Ho, phó chủ tịch phụ trách hạ nguồn của công ty Rystad Energy, trả lời hãng tin AP rằng: “Những kỳ vọng rằng dầu thô của Nga sẽ không xuất hiện trên thị trường quốc tế đã không xảy ra. Thay vào đó, việc giá dầu thô của Nga giảm mạnh đã khiến mặt hàng này chuyển hướng tới các thị trường thay thế."
Ông này cũng cho rằng: "Trong khi nhiều chi phí đã tăng lên đáng kể do hệ thống tài chính phương Tây bị đóng băng, thì khoản chiết khấu đối với dầu thô của Nga là quá hấp dẫn và một số nhà máy lọc dầu rất khó để có thể bỏ qua."
Kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow, Tổng thống Putin đã ưu tiên các hoạt động thương mại với khối BRICS - khối gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây được coi là một thị trường mới nổi, mạnh mẽ, có thể thay thế cho phương Tây.
Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo BRICS
Ông Putin đã gặp các nhà lãnh đạo BRICS vào tháng trước và cho biết, thương mại với các nước này đã tăng 38% từ tháng 1 đến tháng 3. Trong khi đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho một số nước châu Âu do họ từ chối đáp ứng nhu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Các nước châu Âu, trước đây phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga, hiện đang cố gắng dần thoát khỏi sự phụ thuộc này.