Tuyên bố này quy định hai nước khôi phục quan hệ bang giao sau Thế chiến II và Liên Xô (sau này là Nga) trao trả 2 đảo Shikotan, Habomai (thuộc quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc mà Nga-Nhật đang tranh chấp) cho Tokyo.
Kyodo News ngày 14/10 đưa tin, Moscow đang kỳ vọng cải thiện quan hệ với Nhật, trong bối cảnh xung đột Nga-Mỹ leo thang nhanh chóng trong vài tuần qua liên quan đến vấn đề Syria, bên cạnh đó là các lệnh cấm vận của Mỹ/phương Tây với Nga do khủng hoảng Ukraine vẫn duy trì.
Theo Kyodo, Tổng thống Nga Vladimir Putin rất coi trọng Tuyên bố 1956 và hy vọng dùng cách thức được nêu trong Tuyên bố, tức trao trả 2 đảo cho Nhật, để từng bước đi đến thỏa hiệp và giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
Buộc phải xích lại gần Trung Quốc do sức ép từ Mỹ và đồng minh, song Moscow không quên bài học xung đột trong thập niên 1960 và luôn cảnh giác với thực lực người láng giềng, lúc này đã bỏ xa Nga trong lĩnh vực kinh tế và nhiều phương diện khác.
Đối với Nga, cải thiện quan hệ với Nhật là biện pháp tối ưu để phản đòn Âu-Mỹ, đồng thời duy trì được thế cân bằng về ngoại giao, quân sự, địa chính trị với Trung Quốc. Nói cách khác, Nhật là "nút thắt chiến lược" mà Moscow cần xử lý khéo léo để đảm bảo lợi ích ở cả phương Tây và phương Đông.
Vào năm 2001, tân Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên xác nhận bằng văn bản về hiệu lực pháp lý của Tuyên bố chung 1956. Lập trường của Nga là nếu Moscow đã nhượng bộ thì Tokyo cũng phải có động thái thỏa hiệp tương xứng.
Trong quá khứ, Liên Xô bất mãn với Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ sửa đổi năm 1960 nên đã đơn phương thông báo điều kiện trao trả 2 đảo là "rút hết quân đội nước ngoài khỏi lãnh thổ Nhật", khiến Tuyên bố 1956 gần như mất đi giá trị thực tế.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nỗ lực thúc đẩy phương án hợp tác kinh tế quy mô lớn với Nga, nhằm thúc giục Moscow nhượng bộ thêm trong vấn đề trao trả cả 4 đảo thuộc quần đảo tranh chấp, tuy nhiên phía Nga giữ lập trường coi Tuyên bố 1956 là "văn kiện hữu hiệu duy nhất".
Tuy nhiên, với "tư duy mới" mà Abe đề xuất để giải quyết tranh chấp, Tổng thống Putin hồi tháng 9 vừa qua đã thừa nhận hợp tác kinh tế "sẽ tạo ra điều kiện để giải quyết mâu thuẫn chính trị".
Kyodo cho hay, kế hoạch công du Nhật Bản của ông Putin dự kiến diễn ra tháng 12 năm nay đã làm gia tăng kỳ vọng về tiến triển đàm phán song phương trong dư luận Nhật.
Tuy nhiên, nhiều khả năng tân Tổng thống Mỹ sẽ ngăn chặn Nga-Nhật xích lại sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017.