Nước biển đen ngòm ai cũng sợ...
Từ lâu, Đà Nẵng xác định du lịch là hướng đi mũi nhọn và biển là điểm nhấn của ngành công nghiệp không khói. Do vậy, giữ sạch môi trường biển luôn được ưu tiên hàng đầu.
Anh Đinh Đức (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) trong năm 2017 rất đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng những dòng nước đen ngòm từ cống xả đổ ra biển Đà Nẵng. Anh Đức cũng là tác giả clip đăng trên trang cá nhân về tình trạng ô nhiễm biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) khi biển đen đặc một vùng rộng lớn do nước từ các cống xả thải đổ ra gây xôn xao dư luận vào tháng 8/2017.
"Tôi lớn lên ở đây nên rất đau lòng khi thấy những hình ảnh như vậy. Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống và biển là lợi thế lớn nhất để phát triển du lịch. Nếu biển Đà Nẵng ô nhiễm thì ngành kinh tế này sẽ bị hủy hoại.
Tôi mong năm 2018, những dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải được công bố trong các kỳ họp HĐND sẽ được thực hiện.
Các quan chức đã nói thành phố sẽ ngăn ngừa tất cả nguy cơ ô nhiễm từ nay đến năm 2020. Một giọt nước chảy xuống biển Đà Nẵng cũng phải sạch thì nên thực hiện chứ đừng để quá muộn", anh Đức nói.
Tình trạng sạt lở bờ biển Đà Nẵng khiến nhiều người lo lắng.
Đừng để biển Đà Nẵng thành Cửa Đại thứ 2
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Khoa môi trường và công nghệ hóa – Trường Đại học Duy Tân, vô cùng lo lắng về tình trạng sạt lở ở bờ biển Đà Nẵng. Tiến sĩ Phương có nghiên cứu đầy đủ và đưa ra nhận định việc sạt lở không phải do tự nhiên và vì tác động từ con người.
Theo đó, bà Phương cho rằng chính những công trình cao tầng ven biển cùng việc khai thác nước ngầm vô tội vạ để xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm mất cân bằng nguồn nước.
"Những vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất là từ giao lộ Nguyễn Văn Thoại – Võ Nguyên Giáp đến giao lộ Ngô Thì Sĩ – Võ Nguyên Giáp. Chạy dọc theo đoạn đường này là rất, rất nhiều công trình xây dựng đang được thi công mọc san sát nhau.
Những công trình cách bờ biển chưa đến 100m. Việc thi công các tòa nhà cao tầng phải đào móng sâu và bơm nước ngầm lên quá nhiều.
Việc bơm nước dẫn đến yếu tầng nền và tạo điều kiện cho nước biển (phía đối diện con đường) xâm thực. Đây là nguyên nhân chính và kết hợp với các yếu tố tự nhiên dẫn đến sạt lở nghiêm trọng", bà Phương nhận định.
Các nhà khoa học mong muốn tìm ra nguyên nhân gây sạt lở bờ biển.
Tiến sĩ Phương mong muốn Bí thư Trương Quang Nghĩa với tư cách người đứng đầu thành phố thật sự lắng nghe ý kiến của bà. Việc sạt lở sẽ không dừng lại nếu không giải quyết triệt để.
"Nếu không giải quyết ngay, biển Đà Nẵng sẽ có nguy cơ thành biển Cửa Đại thứ 2, sạt lở hoàn toàn.
Chính quyền cần làm rất nhiều việc như quản lý khai thác nước ngầm, theo dõi việc thi công các tòa nhà cao tầng và dừng đổ lỗi việc sạt lở này là do tự nhiên", bà Phương bày tỏ.
Nhận định về ý tưởng của lãnh đạo Đà Nẵng về con đường vọng cảnh ven biển kết hợp giữa đê chắn sóng và du lịch, Tiến sĩ Phương cho rằng sẽ không khả thi nếu chưa giải quyết được vấn đề sạt lở bờ biển.
Theo bà Phương, đê chắn sóng là cần thiết song nếu xây dựng trên nền đất yếu thì không thể đảm bảo độ bền vững. Tiến sĩ cũng mong muốn sẽ có các hội nghị khoa học về tình trạng sạt lở này để chính quyền lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu.
"Tôi rất hoan nghênh việc Đà Nẵng mời một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản tìm cách cứu bờ biển khỏi tình trạng sạt lở.
Tôi mong Bí thư Nghĩa hãy lắng nghe và hành động chứ không chỉ có những chuyến đi thị sát hay chỉ đạo rồi để quên", Tiến sĩ Phương nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở bờ biển Đà Nẵng
Đà Nẵng là một thành phố thuộc trung ương từ năm 1997, nằm trong vùng Nam Trung bộ, là trung tâm kinh tế, tài chính, chính trị, văn hoá, du lịch, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Đây là thành phố quan trọng nhất miền Trung, đồng thời cũng là một trong 5 TP trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng). Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm thành phố cách thủ đô Hà Nội 764km, cách TP HCM 964km.
TP Đà Nẵng ngoài phần đất liền (7 quận, huyện) còn bao gồm huyện Hoàng Sa, với tổng diện tích là 1.285,4 km2. Dân số hơn 1 triệu người.
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phát triển Đà Nẵng thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.
Bài cuối: Bí thư Trương Quang Nghĩa xây dựng xong lớp kế thừa trước khi nghỉ hưu