Lúc đó ông Nguyễn Xuân Thu đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sao Vàng, người trực tiếp chỉ huy đơn vị phòng ngự trên hướng chủ yếu của Quân đoàn tại khu vực Đồng Đăng ngày đầu tiên.
Ba ngày chiến đấu độc lập
Ông Nguyễn Xuân Thu hồi tưởng lại ký ức sau 40 năm của thời khắc ấy. “Ngày 17-2-1979 , 5 giờ sáng tôi nhận được điện thoại qua Sở chỉ huy Trung đoàn, Tiểu đoàn 4 vào sẵn sàng chiến đấu 100%... Chỉ bấy nhiêu thôi thì pháo địch đã cắt đứt dây điện thoại của Trung đoàn và trùm kín trận địa của tiểu đoàn”, ông Nguyễn Xuân Thu nhớ lại.
Ngay sau đó, chiến sĩ thông tin của Tiểu đoàn hi sinh và máy cũng hỏng, Tiểu đoàn 4 mất liên lạc với Trung đoàn và Sư đoàn kể từ đó. Ba ngày liền, Tiểu đoàn chiến đấu độc lập trên trận địa của mình mà không có pháo binh và lực lượng bộ binh cơ động chi viện.
Bộ đội ta tiến vào Cao Bằng, ảnh chụp ngày 25-2-1979, khoảng 1 tuần sau khi cuộc chiến nổ ra. Ảnh Tư liệu.
Dù vậy, toàn Tiểu đoàn vẫn giữ chốt đến ngày 20-2-1979. Đến ngày 21, với sức tấn công của một Sư đoàn bộ binh quân Trung Quốc và một tiểu đoàn xe tăng thì một số điểm trong trận địa của Tiểu đoàn đã không cầm cự nổi.
Do lực lượng quá mất cân đối, Tiểu đoàn phải lui về xây dựng trận địa phòng ngự tại cao điểm 300 phía nam Đồng Đăng (Lạng Sơn) và bắt được liên lạc với Trung đoàn. “Lúc đó Trung đoàn mới biết tôi còn sống và bộ đội tiểu đoàn 4 vẫn chiến đấu trên trận địa của mình trong những ngày mất liên lạc”, CCB Nguyễn Xuân Thu kể.
Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Xuân Thu vẫn luôn nhớ về những đồng đội đã nằm đâu đó trên các chiến hào. Đâu đó trên những mảnh đất nhuốm màu bom đạn năm xưa nhưng chưa được trở về.
Những chiến sĩ “đột xuất”
Khi tiếng súng nổ ra, lời bài hát: Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới… được vọng vang ở mọi nơi. Nhiều người đã tình nguyện xung phong ra trận, rất nhiều người vẫn còn là sinh viên của các trường Đại học trên cả nước.
Những người đạt đủ tiêu chuẩn nhanh chóng bổ sung vào các binh chủng nhanh chóng tiến quân về nơi có tiếng bom dội ngày đêm. Nhưng ngoài những người lính được biên chế ấy, vẫn có những người lính "ngoài biên chế".
Câu chuyện này đã được tác giả Xuân Mai kể lại trong cuốn Những người đi giữ biên cương. Lúc chiến sự đang diễn ra quyết liệt, chiến sĩ trinh sát phát hiện một bóng người bám theo đường hào chạy lên. Khi được giữ lại, trinh sát hỏi ra mới biết đó là em Nông Văn Viền, lúc đó mới 14 tuổi là người dân tộc Tày.
Bên cạnh những chiến sĩ biên chế, có cả những chiến sĩ đột xuất trên các chốt. Ảnh Tư liệu.
Nông Văn Viền kể, khi giặc tràn lên quê hương mình bố mẹ đang ở dưới hầm nhưng bị địch phát hiện và sát hại. Viền vì xuống hầm không kịp, trốn vào vườn mía nên thoát được nhưng phải chứng kiến cảnh đau thương của cha mẹ mình.
Lúc địch đi rồi, Nông Văn Viền đã đi theo chiến hào chạy ngược lên với suy nghĩ: “Thằng giặc giết cả nhà cháu, cháu phải giết lại nó”.
Dù đã dùng mọi cách để đưa Viền trở lại hậu phương, nhưng cậu bé vẫn òa khóc không chịu. Bất đắc dĩ, Đại đội trưởng đơn vị lúc đó phải để em lại và giao cho một trinh sát hướng dẫn cách bắn súng, ném lựu đạn và Viền đã chiến đấu rất ngoan cường.
Xác xe tăng định trên trận địa. Ảnh Wpress.
Những người lính ngoài biên chế như Nông Văn Viền những ngày đó không phải là chuyện hiếm gặp. Các cựu binh của Quân đoàn 14 còn kể đến nhiều những người trẻ vì không được tuyển vào chính thức nhưng cứ theo hướng pháo rền, đạn nổ mà tiến lên.