Tháng 5/2015, khi đang tận hưởng không khí trong lành trên bãi biển ở Mexico, rất nhiều du khách và người dân địa phương đã chứng kiến cảnh tượng vô cùng kỳ lạ giữa ban ngày: mặt trời được bao quanh bởi một quầng sáng lớn rực rỡ, có thể quan sát rất rõ bằng mắt thường. Tại thời điểm đó, trời vẫn nắng chang chang và không có dị biến nào xảy ra, chỉ đơn giản là những người có mặt đã may mắn lưu lại được khoảnh khắc hiếm có.
Những hình ảnh ấn tượng về quầng mặt trời từng được ghi lại ở Việt Nam.
Quầng mặt trời gây xôn xao MXH ở Cao Bằng, Sơn La hồi tháng 5 vừa qua.
Sáng ngày 9/5/2017, người dân ở Huế và Quảng Nam cũng bất ngờ và thích thú khi chứng kiến quầng hào quang rực rỡ bao quanh mặt trời. Hiện tượng này kéo dài khá lâu, trời quang mây tạnh nên không khó để quan sát và chụp hình. Tháng 6/2020, tại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây cũng ghi nhận hiện tượng mặt trời được bao quanh bởi quầng sáng 7 màu hình tròn, khiến dân tình xôn xao bàn tán.
Tại sao mặt trời lại có quầng sáng rực rỡ? Mặt trời vốn dĩ đã phát ra ánh sáng rồi, vậy chiếc vòng sáng khác bao quanh là cái gì?
Quầng mặt trời rực rỡ như con mắt tại Yellowknife, Northwest Territories, Canada hồi tháng 9/2018 (Ảnh: Martin Male)
Hiện tượng này được gọi là quầng mặt trời, hay hào quang. Lý giải theo phương diện khoa học thì quầng sáng ở xung mặt trời là do sự khúc xạ, phản xạ và phân tán ánh sáng qua những hạt băng lơ lửng ở tầng mây trên cao.
Khi ánh sáng đi qua các tinh thể băng hình lục giác, nó bị bẻ cong một góc 22° tạo ra một vầng tròn xung quanh mặt trời. Quá trình này diễn ra với mọi nguồn sáng, có nghĩa quầng mặt trăng cũng hình thành trong điều kiện tương tự, nên chúng ta hay thấy những quầng sáng rực rỡ quanh mặt trăng vào đêm rằm là vì nguyên lý này.
Quầng mặt trời có 7 màu như màu sắc cầu vồng gồm: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím nhưng được sắp xếp theo chiều ngược lại. Thời cổ đại, nhà triết học Aristoteles đã từng đề cập đến hào quang và mặt trời giả, nhưng các mô tả đầu tiên về hiện tượng quầng mặt trời ở châu Âu lại do những người khác chia sẻ như Christoph Scheiner ở Rome (khoảng năm 1630), Hevelius ở Danzig (1661) và Tobias Lowitz ở St Petersburg (1794).
Không thể dự đoán trước khi nào hiện tượng quang học này xuất hiện, bởi thế nên may mắn chúng ta mới có thể chứng kiến hình ảnh rực rỡ như trên.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng ghi nhận hiện tượng đặc biệt này trong nhiều thế kỷ, dẫn chiếu đầu tiên có thể là một đoạn ghi chép trong "Tùy thư" viết năm 637 về "Thập huy" (Mười loại ánh sáng), đưa ra các thuật ngữ chung cho 26 hiện tượng hào quang mặt trời. Như vậy, quầng mặt trời không phải chỉ có 1 kiểu duy nhất, và nó cũng nhiều lần xuất hiện trong tự nhiên.
Theo NASA, hiện tượng quang học này không phổ biến và thường chỉ có quầng 22 độ, những quầng lớn hơn, phức tạp hơn thì đều hiếm gặp. Khi xuất hiện, quầng mặt trời kéo dài vài phút đến vài giờ.
Nghiên cứu của Đại học Illinois ở Urbana-Champaign (Mỹ) chỉ ra những tinh thể băng hình lục giác có hướng ngẫu nhiên với đường kính chưa đến 20,5 micromet chịu trách nhiệm sản sinh quầng hào quang có thể quan sát thấy trên bầu trời. Kích thước và hình dáng hình học cho phép ánh sáng trải qua hai lần khúc xạ hoặc uốn cong khi chiếu qua tinh thể băng. Ngay khi hoàn thành lần khúc xạ thứ hai, ánh sáng xuất hiện dưới dạng hào quang trên bầu trời.
Bức ảnh được NASA đăng tải ngày 24/2/2020, một hào quang mặt trăng tuyệt đẹp với nhiều hiện tượng lồng ghép vào nhau đã xuất hiện ở Manitoba, Canada (Ảnh: Brent Mckean)
Hào quang mặt trời phức tạp, ngoạn mục đến khó tin được chụp giữa tháng 1/2020 tại vùng băng tuyết Thụy Sĩ (Ảnh: Michael Schneider)
Theo các chuyên gia, khi xung quanh mặt trời hay mặt trăng xuất hiện vầng hào quang là dự báo sắp có mưa hoặc nhiều gió trong những ngày sắp tới. Một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng. Tóm lại, đây là một hiện tượng thiên nhiên thú vị, chứ không hề liên quan đến yếu tố tâm linh hay bất kỳ chuyện thêu dệt lạ lùng nào.
Hào quang mặt trời dễ bị nhầm lẫn với vành nhật hoa - một hiện tượng quang học khác tạo thành các giọt nước thay vì các tinh thể băng, và có sự xuất hiện của một vành hào quang nhiều màu sắc hơn bình thường.
Ngoài ra quầng mặt trời còn có thể biến hóa thành nhiều hình thái khác nhau, tùy vào những yếu tố tự nhiên trong bầu khí quyển vào thời điểm đó. Nghe khá rắc rối phải không? Thế nên nếu vô tình được ngắm quầng mặt trời thì cứ thoải mái chiêm ngưỡng nhé các bạn, không cần nghĩ ngợi nhiều làm gì cho mệt.