Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc

Thi Anh |

Định ở lại Aleppo 6 tháng nhưng Patel và Carlos đã phải "bỏ trốn" sau 4 ngày vì bị tiêm kích săn đuổi.

Sunil Patel chưa từng đăng bài báo nào trước khi anh quyết định tới Syria làm phóng viên chiến trường. Trước chuyến đi ấy, chàng thanh niên 25 tuổi là nhân viên hỗ trợ cộng đồng cho sở cảnh sát London. Patel sống cùng bố mẹ và thi thoảng đi làm tình nguyện trong các trại tị nạn của người Kurd và Palestine.

Patel đã kể lại trải nghiệm của mình tại chảo lửa Trung Đông. Mời độc giả xem phần 1 tại ĐÂY

Đây là phần 2 và cũng là phần cuối cùng trong hành trình của anh.

Cuối cùng cũng đến Aleppo

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc - Ảnh 1.

Vài giờ sau, người chỉ huy cho chúng tôi xuống một căn cứ của FSA ngay bên ngoài Aleppo. Chỉ khoảng 25 phiến quân ở đó, và anh ta bảo họ, "Ngày mai, hãy dẫn các cậu này vào Aleppo. Họ muốn tận mắt thấy chiến tranh". Nói xong, anh ta rời khỏi.

Chẳng ai nói được tiếng Anh, nhưng chúng tôi vẫn cố giao tiếp. Họ không mời chúng tôi ăn uống như phiến quân ở Jabal al-Zawiya. Rõ ràng tình hình ở đây khó khăn hơn, họ đã giao tranh hàng tháng trời. Có thể thấy rõ điều đó qua thái độ cộc cằn của họ. Dù vậy, họ vẫn khá thân thiện. Suốt đêm, chúng tôi nghe thấy tiếng bom nổ.

Tới sáng, 3 phiến quân FSA đưa chúng tôi vào trung tâm Aleppo. Nghe tin toàn bộ lối vào đã bị quân Assad phong tỏa, nên tôi cứ nghĩ mình sẽ phải lén lút đi vào. Tôi tưởng tượng cảnh mình cúi rạp xuống băng ghế sau và tránh đạn bắn tỉa.

Nhưng mọi chuyện không như vậy.

Chúng tôi cứ thế lái xe tiến vào thành phố. Nơi đó vô cùng tan hoang - các tòa nhà bị ném bom và chìm trong khói. Tất cả đều đổ nát. Nhưng trên phố, vẫn có mấy cửa hàng mở cửa, và thi thoảng có người dân qua lại. Cứ vài phút, chúng tôi lại nghe thấy tiếng tên lửa hoặc đạn súng cối nổ ở đâu đó.

Những người lính FSA đưa chúng tôi tới một căn nhà lớn tại trung tâm Aleppo. Có rất nhiều chiến binh ở đó. Họ chạy ngược chạy xuôi và nã AK-47, cố gắng hạ những tay bắn tỉa của Assad, những người đang nấp ở ngay tòa nhà phía bên kia con đường - nơi được xem là ranh giới giữa 2 bên.

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc - Ảnh 2.

Lính bắn tỉa của FSA. Ảnh: Getty

Ở bên này, các tòa nhà FSA kiểm soát tan hoang bởi tên lửa. Còn dãy nhà của quân đội Syria ở phía bên kia vẫn khá nguyên vẹn. Cuối cùng, cuộc đấu súng cũng tạm ngưng. Người ta giới thiệu chúng tôi với các chiến binh FSA tại đó và bảo họ chúng tôi cần chỗ ở.

"Chuyện là thế này", một trong số chiến binh tại đó nói, "Chúng tôi ở đây để tử vì đạo. Chúng tôi muốn giúp đỡ người dân Syria. Nếu ngày mai xe tăng tới và gây nguy hiểm cho họ, chúng tôi sẽ liều mạng". Anh ta xoa cằm. "Nhưng chắc các anh không muốn liều đâu nhỉ. Chúng tôi sẽ chết vì thánh Allah. Tôi không nghĩ là các anh cũng thế".

Tôi thầm nghĩ: Chết tiệt, chúng tôi vừa bị thả xuống giữa chiến trường, người đưa tới thì đã về mất. Biết làm thế nào nếu những người này không cho chúng tôi ở cùng?

Cuối cùng, chúng tôi phải tìm cách lấy lòng "người bạn mới" để anh ta cho chúng tôi đi theo. Vụ đấu súng đã tạm ngưng nên anh ta dẫn chúng tôi đi quanh khu vực FSA kiểm soát.

4 ngày ở Aleppo và 3 lần thoát chết

Chúng tôi được dẫn tới một trung tâm thương mại lớn. Ở tầng trệt vẫn có mấy quầy bán nhu yếu phẩm nhưng tầng hai thì hoàn toàn đổ nát. Xung quanh chẳng có một ai. Thực phẩm hỏng và rác vương vãi khắp nơi. Cửa sổ vỡ vụn còn các cửa hàng thì đều bị cướp sạch.

Chốn này trông như bị bỏ hoang, ngoại trừ vài tấm nệm được phiến quân kê tại đó để tranh thủ chợp mắt giữa cuộc giao tranh.

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc - Ảnh 3.

Bên ngoài một trung tâm thương mại đổ nát ở Aleppo. Ảnh: Getty

"Người bạn mới" giải thích, chiến sự sẽ xảy ra gần đó trong vài giờ nữa và chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy rõ hơn nếu đứng trên cao. Tôi nói tôi muốn được lên tầng thượng - tầng 10 - để chụp ảnh. "Anh có thể lên đó nếu muốn trúng đạn bắn tỉa", anh ta nói.

Anh ta đưa chúng tôi lên tầng 7 trước khi về đơn vị. Tầm nhìn đúng là quá tuyệt. Carlos và tôi chụp được vài tấm ảnh phiến quân chạy quanh phố, chuẩn bị cho cuộc chiến cận kề.

Ba, bốn tiếng đồng hồ trôi qua mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi hút shisha. Tôi bắt đầu nghĩ: Tin tình báo nhầm rồi. Lúc này, Carlos quyết định xuống tầng trệt để chụp ảnh, bỏ tôi lại trên tầng 7. Và đó là khi mọi chuyện xảy ra.

Đây đúng là một tòa nhà lớn. Nó có thể bị đánh bom bất cứ lúc nào. Tôi vừa nghĩ thế thì một chiếc máy bay lượn vèo qua.

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc - Ảnh 4.

Tiêm kích xuất hiện trên bầu trời Syria. Ảnh: Getty

Một âm thanh dữ dội, như tiếng sấm nổ ngay bên trên. Tôi điếng người. Biết là bom nổ nhưng tôi không nhúc nhích nổi.

Vài giây sau, lại một quả bom nữa rơi, rồi lại một quả khác, và rồi tôi định thần lại. Tôi cuống cuồng vơ đồ đạc và chạy xuống tầng, vừa chạy vừa gào tên Carlos bởi tôi chẳng biết anh ta ở đâu, còn sống hay đã chết.

Tôi tìm thấy Carlos ở chân cầu thang. Anh ta đang hoảng sợ. Hẳn trông tôi cũng hệt như vậy. Dưới tầng trệt, những người bán hàng đang thu dọn. Hầu hết các binh lính FSA đều đã ẩn náu, ngoại trừ 2 chiến binh ở tầng trệt cùng chúng tôi.

Vài phút trôi qua mà không thấy hỏa lực tới, mọi người mới nhẹ nhõm được một chút. Carlos bắt đầu cười, tôi cũng thế.

Nhưng rồi tôi nghe thấy một tiếng động lớn và mọi người đột nhiên hét lên. Tôi quay lại thì thấy người chiến binh lúc trước còn đứng cạnh mình đã ngã xuống sàn, đầu bê bết máu. Sọ anh ta bị xẻ làm đôi vì trúng mảnh vỡ từ lầu trên văng xuống.

Tôi lôi một chiếc áo phông trong túi và cố cầm máu nhưng nó nhanh chóng bị thấm ướt. Anh ta bất tỉnh còn những người lính thì chạy tới, lôi xác anh ta lên một chiếc xe jeep.

"Giờ anh ta đã tử vì đạo", một chiến binh nói với tôi bằng tiếng Anh.

Đêm đó, chúng tôi được đưa tới một căn cứ khác, nơi an toàn để ngủ. Họ đưa cho chúng tôi đệm của mình và nói, "Cứ ở bao lâu các anh muốn. Chúng tôi cần phóng viên đưa tin về cuộc chiến".

Ơn trời, ngày hôm sau yên bình hơn một chút. Trại mới này có một trung tâm y tế, có máy tính và mạng internet. Đường truyền không tốt lắm và một nhóm phóng viên Syria đang chiếm dụng thiết bị. Tôi nhanh chóng viết tin và gửi cho biên tập viên của Independent ở London, kèm ảnh chụp. Tôi chưa bao giờ đăng bài nào, nhưng hi vọng họ sẽ dùng tin này.

Sau đó, các phiến quân đưa chúng tôi tới Salaheddin, một quận ở Aleppo mà 2 bên đã giao tranh suốt vài tuần. Khu vực này thực sự tan hoang, hầu như tất cả mọi tòa nhà đều bị phá hủy.

Khi màn đêm buông xuống, những âm thanh chiến tranh lại nổi lên và không ngừng cho tới tận sáng. Lúc này, tôi đã quen với hoàn cảnh, chỉ thi thoảng ngóc đầu dậy nhìn quanh rồi lại nằm xuống.

Ngày thứ 3 của chúng tôi ở Aleppo khá yên bình, ngoại trừ việc lại nhìn thấy người chết. Đêm đó, ở căn cứ, chúng tôi đã gặp một người rất thú vị - người chịu trách nhiệm truyền tin cho FSA. Anh ta kể với chúng tôi rằng tất cả chiến binh đều dùng bộ đàm và giải thích về nguy cơ của việc đó. Quân Assad có thể dễ dàng bắt được tần số.

Ngày thứ 4 ở Aleppo, tôi bị đánh thức bởi tiếng bom nổ lúc 7 giờ sáng. Tôi bước ra ngoài xem có chuyện gì. Hóa ra, một quả tên lửa vừa rơi trúng khu sân chơi cách căn cứ của chúng tôi 30m, để lại một cái hố lòng chảo giữa sân.

Một quả khác đánh sập mảng tường một ngôi nhà gần đó. Phân nửa ngôi nhà đã biến mất và hàng xóm đang tụ tập trong sân. Carlos và tôi liền tới xem. Một vài phóng viên người Pháp đang ở căn cứ cũng tới và cả một nhóm chiến binh FSA.

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc - Ảnh 5.

Một khu vực bị trúng bom. Ảnh: Getty

"A, đồ khốn người Pháp các anh!" ai đó hô to, "Những người phương Tây các anh đều tồi tệ! Các anh đâu quan tâm tới chúng tôi!", thế rồi họ quay sang phía chiến binh, tay dứ dứ những hòn đá. "Biến khỏi đây ngay", họ nói với chúng tôi, "và đem lũ FSA đi cùng các anh".

(Đây là những gì lính FSA dịch lại cho tôi sau này. Nhưng lúc đó, dù không hiểu họ nói gì, tôi vẫn thấy rõ họ không thích mình).

Sau này tôi mới biết, cư dân Aleppo bị tấn công bởi họ sống gần phiến quân. Vì thế, căng thẳng tồn tại giữa dân thường và lính FSA. Nhiều cư dân Aleppo không hoàn toàn ủng hộ những gì FSA đang làm. Nhưng họ cũng không ủng hộ Assad. Nói chung, quan điểm rất phức tạp.

Quay lại với đám đông, người ta la hét và ném đá vào quân FSA, phe FSA cũng gào lên, còn phóng viên người Pháp thì quay lại tất cả.

Chiều hôm đó, mọi chuyện mới thực sự điên cuồng.

Một chiến binh FSA đưa chúng tôi tới một căn cứ, nơi anh ta trả lời phỏng vấn của AFP. Khi các phóng viên hỏi, liệu có phải vũ khí của họ được đưa lậu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ không, anh ta bảo: "Vũ khí nào? Vũ khí này á? Chúng tôi không lấy từ biên giới đâu. Đều là vũ khí chúng tôi có khi còn ở trong quân đội".

Anh ta cũng kể cho các phóng viên Pháp về chuyện anh ta đã làm cách nào để cho nổ 8 chiếc xe tăng. Và tôi nghĩ: Xe tăng nào cơ? Tôi đi cùng anh ta cả ngày và thứ duy nhất anh ta suýt làm nổ chính là cái ô tô của anh ta, bởi lúc trước anh ta đổ nhầm xăng.

Khi đối chất về chuyện này, anh ta bảo, "Các cậu chưa thấy đó thôi". Nhưng toàn là tào lao cả. Đó chỉ là chiêu tuyên truyền của FSA. Các phiến quân tin rằng họ phải làm thế để khiến người ta tin họ đang thắng thế, và lôi kéo nhiều người về phe mình.

Sau cuộc phỏng vấn, tôi nhận được tin tiệm bánh đã bị đánh bom và chúng tôi lao tới bệnh viện. Cảnh tượng quá sức kinh hoàng. Có vẻ trước đây, "bệnh viện" là một khách sạn nhỏ.

Ngay phía trước là 7-8 cái xác được đặt dọc theo bức tường. Họ được phủ vải, chân, tay cứng đờ lộ ra dưới tấm phủ. Bên cạnh họ, một người phụ nữ đang khóc bên thi thể người con trai. Phóng viên vây lấy bà ta.

Đây là lúc tôi nhận ra, có lẽ mình không thể làm phóng viên. Tôi không thể dằn lòng mà bước lên, chụp ảnh bà ấy. Cuối cùng, tôi cũng chụp vài tấm, nhưng đúng là rất đau lòng.

Bên trong, người ta đang di chuyển các thi thể không còn lành lặn. Họ sử dụng một cái máy hút và tìm cách hút máu trên sàn. Các bác sĩ chật vật chữa trị cho tất cả mọi người cùng một lúc.

Mọi chuyện vượt quá sức chịu đựng, nên tôi bước ra ngoài. Nhưng bên ngoài cũng không khá hơn là mấy. Một người đàn ông lao tới với cô con gái trên tay. Đầu cô bé chảy máu. Người đàn ông thổn thức, trông anh ta như sắp ngã xuống sàn. Ai đó đỡ lấy cô bé và đưa em vào bên trong. Còn ông bố thì gục xuống.

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc - Ảnh 6.

Những cuộc không kích khiến nhiều trẻ em bị thương. Ảnh: Getty

Sao người ta có thể đưa tin về một chuyện như thế này? Tôi sẽ làm gì đây? Hỏi người ta: "Anh cảm thấy như thế nào" ư? Rồi họ sẽ trả lời: "Anh biết đấy, tôi nghĩ là ổn. Tiệm bánh vừa bị ném bom, con gái tôi chết" ư? Tất cả chuyện này thật quá khủng khiếp. Tôi chỉ muốn rời khỏi đó ngay lập tức.

Carlos và tôi định ở Syria 6 tuần. Đây là ngày thứ 4 chúng tôi ở Aleppo nhưng chính tại cái bệnh viện đó, tôi quyết định ra đi. Nhưng Carlos không muốn. "Như thế quá hèn!", anh ta nói, "Sáng mai mọi chuyện sẽ ổn thôi".

Chúng tôi rời bệnh viện và đi nhờ xe của một chiến binh FSA. Chúng tôi muốn quay lại trung tâm truyền thông nhưng anh ta bảo nơi đó bị không kích suốt ngày hôm nay và không còn an toàn nữa.

Bỗng nhiên, một chiếc tiêm kích xuất hiện ngay trên đầu chúng tôi. Người chiến binh bèn rẽ ngay vào một con hẻm và trốn trong đó. Tôi nghĩ chúng tôi đã an toàn, nhưng Carlos đột nhiên hoảng hốt. "Chết tiệt", anh ta la lên, "Họ sẽ quay lại tấn công chúng ta. Chúng ta phải ra khỏi ô tô".

Và tôi nói, "Cậu mất trí đấy à? Chuyện đó thì ích gì. Nếu họ thấy một gã da trắng đeo máy ảnh chạy quanh phố, họ cũng sẽ ném bom thôi". Câu này khiến Carlos bình tĩnh lại.

Đêm đó, vì nơi chúng tôi ở đã bị phá hủy, nên chúng tôi được dẫn tới một địa điểm an toàn cho phóng viên ở ngoại ô Aleppo. Đó là nơi phóng viên người Pháp và phóng viên New York Times trú ngụ. Chúng tôi thậm chí còn không biết tới sự tồn tại của nó.

Trong lúc di chuyển, chúng tôi lại gặp chuyện. Một chiếc máy bay đã theo đuôi taxi của chúng tôi vì một trong số phóng viên trên xe chụp ảnh với đèn flash. Viên phi công lượn vòng xung quanh và bắn 2 quả tên lửa về phía chúng tôi. Họ bắn trượt, nhưng lái xe của chúng tôi suýt thì trụy tim. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Đó là 10 giây hoang mang nhất đời.

Người lái taxi hét ầm lên, trông anh ta như sắp bật khóc đến nơi. Tôi nói với Carlos: "Cậu vẫn muốn ở lại Syria à?" Cuối cùng anh ta cũng phải thừa nhận, chúng tôi nên đi.

Đường về

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc - Ảnh 7.

Bằng cách nào đó, chúng tôi đã đến được địa điểm an toàn, và sáng hôm sau, người trông coi nơi đó đã gọi taxi để chúng tôi rời khỏi Aleppo.

Có điều, Carlos và tôi không còn đủ tiền. Khi vượt biên giới vào đất nước này, chúng tôi chỉ đem theo 5.000 bảng Syria (khoảng 75 USD) và giờ chỉ còn 800 bảng, không đủ để đi taxi về Thổ Nhĩ Kỳ. Người tài xế nói, chừng đó chỉ đi được tới thị trấn Azaz thôi. Azaz cũng chẳng xa lắm, nhưng chúng tôi chỉ muốn rời khỏi Aleppo ngay tức khắc, nên chúng tôi vẫn đồng ý.

Khi tới Azaz, chúng tôi lại tìm được một chiếc taxi khác. Vì đã nhẵn túi nên cuối cùng tôi phải đưa cho anh ta chiếc iPod để đổi lấy một cuốc taxi.

Khi quay trở lại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, binh lính FSA bên phía Syria không cho chúng tôi qua. Họ tử tế nhưng rất cương quyết. Rõ ràng chúng tôi đã vào Syria bất hợp pháp, vì thế chúng tôi không thể rời khỏi đó một cách hợp pháp, không được đóng dấu hộ chiếu. Họ bảo chúng tôi tìm cách khác mà vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc - Ảnh 8.

Lựa chọn duy nhất của chúng tôi là bắt xe quay ngược lại Azaz với các chiến binh FSA, chỗ bạn bè với mấy người ở biên giới. Họ lái xe đưa chúng tôi về Azaz và giúp chúng tôi bắt xe tới khu vực khác của biên giới, nơi dễ lẻn qua hơn. Đó là một chốn đồng không mông quạnh.

Người đưa chúng tôi tới quay sang bảo tôi và Carlos: "Được rồi, tới nơi rồi. Giờ thì chạy đi!"

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: 3 lần thoát chết trong gang tấc - Ảnh 9.

Biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty

"Nếu lính Thổ bắn chúng tôi thì sao?", tôi hỏi.

"Thế mới bảo các anh phải chạy!", anh ta nói.

Bụng lo ngay ngáy, chúng tôi cắm đầu cắm cổ chạy qua vạt đất cằn cỗi.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân lên Kilis, Thổ Nhĩ Kỳ. Cảm giác không giống quay lại London nhưng tôi vẫn rất mừng vì mình còn lành lặn. Và tôi không còn muốn làm phóng viên nữa. Tôi đang nghĩ có lẽ mình nên làm chính trị gia thì hơn.

Đến Kilis, tôi lập tức kiểm tra email. Biên tập viên của Independent đã hồi đáp. Trong thư anh ta nói, thật đáng tiếc, họ không thể sử dụng bài viết của tôi.

Vậy là xong, không băn khoăn gì nữa, sự nghiệp làm phóng viên chiến trường của tôi thế là tiêu tan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại