1. Nếu như gặp Đặng Xuân Chung khoảng 6 tháng trước, có lẽ những người đối diện sẽ ít nhiều phải trầm trồ trước vẻ "hoành tráng" của một trung niên. Ngoài 40 tuổi, Chung luôn có cách ăn vận để tạo ra một vẻ đạo mạo khác người.
Đặc biệt trong những buổi ăn nhậu, cà phê... Chung luôn tạo cho người ta cảm giác về một "tay chơi" lắm tiền nhiều của. Cũng không phải tự nhiên mà nhiều người dân ở Bắc Giang (quê Chung) đã đặt cho gã cái biệt danh là "Chung tiền tỷ". Bởi đi đâu người đàn ông này cũng khoe khéo những tài sản lên tới chục tỷ, trăm tỷ…
Vì thế không ít người biết Chung phải giật mình khi nghe tin tháng 1-2020, Chung bị Công an TP Hà Nội khởi tố bị can về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Theo tài liệu điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, từ năm 2017 đến 2019 Chung đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 4 tỷ đồng của một người ở quận Long Biên, Hà Nội.
Vào tháng 10-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam với đối tượng Đặng Xuân Chung (SN 1977, thường trú tại phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) để điều tra về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo điều tra của cơ quan chức năng, trong khoảng từ năm 2016 đến 2017, Chung đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất có diện tích 356 m2 tại phường An Khánh, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, và giấy đăng ký xe ô tô Lexus BKS: 51F-059.93 (tất cả đều mang tên Đặng Xuân Chung), rồi sử dụng để vay tiền của các bị hại.
Khi bị bắt, Chung khai nhận do quê gốc ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang nên đã tiếp cận một số người dân (thậm chí người thân) ở Bắc Giang.
Với danh nghĩa phục vụ việc mở rộng kinh doanh, đầu tư bất động sản, Chung đã vay tiền của các bị hại và ban đầu vẫn trả lãi đều đặn theo thỏa thuận.
Sau một thời gian bị thua lỗ nặng, Chung phải khất trả nợ chậm. Thấy các bị hại liên tục yêu cầu phải có tài sản thế chấp cho các khoản vay, Chung làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe, thậm chí còn định vay thêm tiền để chi tiêu.
Bà Đặng Thị X. (sinh năm 1967, trú Thôn Cầu Trang, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) - một bị hại trong vụ án này kể lại. Hai năm 2016-2017, Đặng Xuân Chung và vợ là bà H. bằng các thủ đoạn gian dối đã vay của bà 3 tỷ 260 triệu đồng.
Để tạo lòng tin, Chung đã đưa cho bà X. một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 891326. Sau đó một thời gian, đối tượng tên T. (xưng là bạn Chung) đã nhận trả nợ cho bà X. thay cho vợ chồng Chung với số tiền là 1,4 tỷ đồng để bà X. giãn nợ với khoản vay của Chung.
Đồng thời ông T. yêu cầu bà X. trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số AG 891326 cho Chung.
Tin tưởng ông T, bà X. đã đưa lại sổ đỏ số AG 891326 cho Chung. Còn số tiền 1,6 tỷ đồng Chung đã nợ bà X. thì đối tượng này kiến quyết không trả. Bà X. đã phải đi "gõ cửa" rất nhiều nơi, từ cơ quan công an đến báo chí để đòi lại quyền lợi của mình.
Cho đến tháng 10-2019 thì vụ việc mới được thụ lý.
Cũng theo bà X., trước khi vay tiền, Chung được mệnh danh là "Chung tiền tỷ" bởi sự giàu có. Đây cũng là "cái danh" để Chung dễ dàng chiếm được lòng tin của bà X. và người khác. "Trước đây ai cũng nghĩ rằng ông Chung là đại gia, có nhiều tiền, nhiều của.
Hơn nữa tôi cứ nghĩ là dì ruột với nhau thì tin tưởng cho vay, nào ngờ đến bây giờ tôi mới biết bộ mặt thật của Chung là kẻ chuyên đi lừa đảo" - bà X. cay đắng thốt lên.
Chung đã làm giả giấy tờ lừa đảo hàng loạt người dân ở Bắc Giang và Hà Nội. |
2. Chị Nguyễn Xuân H. (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng là nhà đầu tư lớn của một mạng kinh doanh "tiền ảo" kể lại phi vụ mình đã mắc lừa leader (tạm dịch: người dẫn dắt) tên Tuấn Anh một cách ngoạn mục. "Tất cả chỉ vì chúng tôi quá tin vào vẻ bề ngoài của gã", chị H. than thở.
Được biết Tuấn Anh từng tổ chức, dẫn dắt hàng ngàn người tham gia sàn Hexacoin, rồi đến Group Fly Connect. Trên mạng, hay ở ngoài, Tuấn Anh luôn khoe khoang sự giàu có, thành công khi gã tham gia các sàn buôn bán "tiền ảo".
Người mới tiếp xúc với gã đều phải choáng váng trước hình ảnh trụ sở giao dịch với những dàn máy tính "khủng", với siêu xe và hàng trăm cục tiền mệnh giá cao được gã rải trên giường ngủ cùng những tài khoản "khủng" đang giao dịch trên thị trường.
Ngoài ra gã cũng cho mọi người biết gia đình cũng rất gia thế với biệt tự "to uỵch" ở quận trung tâm.
Tất cả những "nhà đầu tư" khi thấy "phông bạt" như thế đều yên tâm, nghĩ rằng người như vậy ai đi lừa và nếu như có nợ nần thì "kéo đến nhà nó làm loạn lên nó khác phải trả". Nhưng có ai ngờ được rằng, sau khi ôm hàng tỷ đồng, gã đã chuồn mất.
Theo tố cáo của chị H. và nhiều nhà đầu tư khác, đầu tháng 3-2018 Tuấn anh có post bài viết huy động vốn trên Group Fly team ICO và trên Facebook cá nhân với 2 gói đầu tư 1.000 USD và 2.000 USD (tương đương gói 23 và 46 triệu đồng).
Hình thức nhận tiền là chuyển khoản qua ngân hàng. Đối tượng cũng cam kết sẽ trả lãi 2 đợt/tháng và cam kết sẽ hoàn vốn 100%.
Tuấn Anh cũng tuyên bố chỉ nhận tối đa 10 người tham gia, gọi đây là "thuyền 1". Hoa mắt trước lãi suất 180-200%/năm, rất nhiều người ào ào đổ tiền vào tham gia.
Sau đó, Tuấn Anh còn tiếp tục kêu gọi thêm "thuyền 2", "thuyền 3" để huy động thêm hàng trăm nhà đầu tư khác, số tiền mà gã thu về lên đến nhiều tỷ đồng. "Thuyền" chạy được 2 tuần thì các nhà đầu tư đều rất hoan hỷ khi nhận được lãi suất đợt 1.
Nhưng khi đến đợt 2 thì không thấy được trả lãi nữa. Mọi liên lạc với Tuấn Anh như qua điện thoại, Facebook... đều bất thành. Một số người mò lên công ty thì tá hỏa phát hiện chỉ còn là một căn nhà trống hoác, không có bóng dáng nhân viên, giám đốc lẫn đồ đạc gì cả.
Nhiều nhà đầu tư nếm trái đắng vì tin vào "phông bạt" của Tuấn Anh. |
Vài ngày sau, bất ngờ các nhà đầu tư thấy một tài khoản Facebook nói là bạn của Tuấn Anh cho biết đối tượng bị tai nạn giao thông, đang nằm trong bệnh viện. Mãi sau này mọi người mới biết rằng đó chỉ là màn kịch trì hoãn sự truy tìm của các nhà đầu tư.
Trong thời gian đó, Tuấn Anh đã xóa sạch dữ liệu trên mạng xã hội cũng như website giao dịch, đồng thời bỏ trốn ra một huyện ngoại thành. Tìm đến nhà anh ta thì bố mẹ anh ta cũng không biết con đang ở đâu (!?).
Thứ duy nhất mà các nhà đầu tư nhận được là một email của Tuấn Anh nói rằng do có khó khăn nên hứa sẽ trả lại tiền cho mọi người trong vòng vài tháng đến... 1 năm.
Còn theo nhà đầu tư M.H. (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), người xưa có câu: "trông mặt mà bắt hình dong" nhưng khi mang tiền đi đầu tư thì vẻ bề ngoài chỉ mang tính chất... tham khảo.
Bởi gần như tất cả đám leader đều rất chịu khó đầu tư, tạo hình ảnh thật lung linh, hoành tráng, mà thuật ngữ chuyên môn trong nghề gọi là "phông bạt".
Huy P. - leader của một team chuyên buôn tiền ETH - cũng nổi danh về sự giàu có, tài năng. Ngay lần đầu gặp, Huy P. đã rủ anh H. tham gia team của gã. Và gã hứa chắc nịch: "Em sẽ training cho anh phương pháp... chơi là thắng!".
Theo Huy P., có 3 yếu tố quyết định trong đầu tư "tiền ảo", đó là tâm lý, nguồn vốn và phương pháp. Yếu tố tâm lý được coi là quan trọng nhất, chiếm 70% thắng bại vì khi tâm lí bất ổn định, quá vui hoặc quá buồn đều dẫn đến sự vội vàng, quyết định dễ sai lầm.
"Anh phải hiểu là mình đang đầu tư chứ không phải là đánh bạc nên để tâm lí thoải mái nhất có thể, đánh như không đánh, mất không áp lực, thắng không quá sung, kiếm tiền phải thấy sướng chứ không như ngồi trên đống lửa..." - gã nhấn mạnh.
Nghe bùi tai và tin vào vẻ ngoài hoành tráng của Huy P., nhà đầu tư M.H đã ném hết số tiền hai vợ chồng tích lũy hàng chục năm để đầu tư vào team của gã và cuối cùng mất sạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù trên thế giới, "tiền ảo" đang có những phiên giảm giá trị nhưng ở nước ta, kinh doanh "tiền ảo" vẫn đang được nhiều đối tượng tung hô. Liên tiếp các hội nhóm được lập ra, chào mời người dân tham gia để kiếm tiền rất nhanh, chỉ bằng một khoản đầu tư nhỏ.
Và trong hầu hết các hội nhóm đầu tư "tiền ảo" hiện đang hoạt động, kẻ dẫn dắt luôn là một thanh niên (hoặc trung niên) có vẻ ngoài hoành tráng, rất hoạt ngôn.
Các đối tượng này thường phủ lên người những "phụ kiện" đắt tiền nhằm gây niềm tin cho các nhà đầu tư về tiềm lực tài chính của chúng.
Chúng cũng hết sức chú ý việc xây dựng hình ảnh hào nhoáng, giàu có trên mạng Internet để dễ bề hoạt động.
Thực tế, đã có hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư "chết" vì thứ “phông bạt” này, cứ ném tiền thật cho các đối tượng để lấy những con số nhảy múa trên mạng. Và sau đó thì đường dây... sập, nhà đầu tư trắng tay.