Kỳ lạ những phi vụ ‘chở gỗ về rừng’ ở Lâm Đồng

Kim Anh |

Rào một nửa đồi thông; chở hàng chục cây hồng ăn trái hàng chục năm tuổi và nhiều cây mai anh đào đến trồng trên đất rừng; đặt các bộ sập gỗ "khủng" trên đồi… Những kiểu lấn chiếm đất lâm nghiệp và “đánh dấu chủ quyền” kỳ lạ này xảy ra tại phường 3, TP Đà Lạt.

 Kỳ lạ những phi vụ ‘chở gỗ về rừng’ ở Lâm Đồng  - Ảnh 1.

Dùng trụ bê tông và thân cây cà phê để rào dậu lấn chiếm đất rừng

Sáng 14/3, các ban ngành chức năng trên địa bàn TP Đà Lạt tiếp tục xác minh làm rõ đối tượng đã rào dậu để lấn chiếm đất rừng thuộc tiểu khu 266 (đồi Cà Ri Dê, phường 3) và trồng cây nông nghiệp trên diện tích đất này.

Ba ngày trước, UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng ở tiểu khu 266. Tại hiện trường, hàng rào dài khoảng 100m giăng trong rừng thông, xẻ ngang một quả đồi. Hàng rào được dựng bằng trụ bê tông, dây kẽm gai và vô số thân cây cà phê khô hàng chục năm tuổi được chở từ phố vào rừng.

Hàng loạt cây ăn trái như hồng, bơ… và mai anh đào cũng được chở đến trồng rải rác trên đồi thông đã bị bao chiếm. Các cây mai anh đào già tuổi nên sớm bén rễ, ra lá.

Một số khu đất lâm nghiệp được ngụy tạo là vườn cây ăn trái lâu năm bằng cách bứng khoảng 50 gốc hồng “cổ thụ” hàng chục năm tuổi từ nơi khác rồi chở đến trồng. Số cây này nhanh chóng bén rễ, đâm chồi mới.

 Kỳ lạ những phi vụ ‘chở gỗ về rừng’ ở Lâm Đồng  - Ảnh 2.

Nhiều cây mai anh đào và hồng "cổ thụ" bén rễ, xanh cây trên đồi thông


Đoàn kiểm tra còn phát hiện trên đồi thông có 3 bộ sập gỗ, trong đó 2 sập gỗ có chiều dài khoảng 3m; sập còn lại dài tới 7m, được phủ kín bằng bạt.

Về một số ý kiến cho rằng việc đặt những sập gỗ trong rừng nhằm mục đích lấn chiếm đất lâm nghiệp, theo cơ quan chức năng, cần phải làm rõ động cơ để có căn cứ kết luận về vấn đề này.

 Kỳ lạ những phi vụ ‘chở gỗ về rừng’ ở Lâm Đồng  - Ảnh 3.

Các bộ sập được ''gửi tạm'' trên đồi thông



Lãnh đạo UBND phường 3 cho biết, khu vực này thuộc đất dự án du lịch, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty SG-LĐ từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp chưa triển khai dự án, buông lỏng quản lý, để đất rừng bị bao chiếm, trồng mai anh đào, cây ăn trái…

Cũng theo UBND phường 3, lực lượng chức năng đã giải tỏa hàng rào, cây trồng trên đồi Cà Ri Dê; truy tìm các đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp; đồng thời xác minh làm rõ chủ sở hữu của những sập gỗ nói trên, nếu chủ sở hữu không tự thu hồi tài sản thì Hạt kiểm lâm sẽ tiến hành thu hồi.

 Kỳ lạ những phi vụ ‘chở gỗ về rừng’ ở Lâm Đồng  - Ảnh 4.

Giải tỏa cây trồng trái phép trên đồi Cà Ri Dê


Những ngày gần đây, ban, ngành chức năng huyện Đức Trọng cũng đã giải tỏa 8 ha cây nông nghiệp (chuối, bơ, mít... ) trồng trên đất lâm nghiệp tại tiểu khu 267C (gần thác Prenn) để trồng lại rừng.

 Kỳ lạ những phi vụ ‘chở gỗ về rừng’ ở Lâm Đồng  - Ảnh 5.

Chặt bỏ chuối và các cây nông nghiệp khác ''xen cấy'' trên diện tích đất rừng rộng lớn


Lực lượng chức năng của huyện và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh còn phối hợp giải tỏa một căn nhà “vô chủ” xây dựng trái phép trên đồi Hương Ly, dưới chân Núi Voi thuộc tiểu khu 268 (xã Hiệp An).

 Kỳ lạ những phi vụ ‘chở gỗ về rừng’ ở Lâm Đồng  - Ảnh 6.

Tháo dỡ nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp


Trước đó, phát hiện căn nhà tiền chế rộng 65m2 “mọc” trái phép trên đất rừng nhưng không xác định được chủ sở hữu, Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh đã dán thông báo buộc tháo dỡ. Hết thời hạn quy định, vì chủ ngôi nhà không chấp hành nên ban đã phối hợp với xã Hiệp An và lực lượng kiểm lâm tháo dỡ ngôi nhà trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại