Kỳ lạ loài tò vò 'bắt hồn nhện' trong rừng rậm Amazon

Lê Hà |

Vượt lên trên những “sát thủ” nổi tiếng trong rừng rậm Amazon tại Ecuador như cá hổ (piranha) hay loài trăn khổng lồ (anaconda), một nhóm nghiên cứu sinh học vừa khẳng định động vật đáng sợ nhất tại đây là loài tò vò ký sinh mới được phát hiện với khả năng “bắt hồn” loài nhện chủ thể.

Phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh dẫn một nghiên cứu mới công bố của nhóm nhà động vật học thuộc Đại học Colombia thuộc Anh (UBC) cho biết, khác với các loài tò vò khác thường giết nhện và mang về tổ dưới đất làm thức ăn dự trữ cho ấu trùng tò vò (có cả tại Việt Nam), loài tò vò có tên gọi quốc tế Hymenoptera Zatypota này có thể “bắt hồn” loài nhện mà chúng ký sinh trên đó và biến những động vật này thành những “xác sống” (zombie).

Các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi quan hệ khách - chủ của loài tò vò Zatypota này với loài nhện “cộng đồng” Anelosimus eximius.

Cụ thể, ban đầu một con tò vò cái sẽ đẻ trứng vào ổ bụng một con nhện, ấu trùng tò vò sẽ lớn dần và ngày càng mạnh mẽ hơn bằng cách ăn hemolymph (chất lỏng trong suốt có chức năng như máu ở các loài chân đốt) của nhện.

Sau một quá trình biến đổi dần dần hành vi của nhện vật chủ, ấu trùng tò vò cuối cùng có thể điều khiển cả quyết định của nhện, khiến chúng rời đàn, đan cho tò vò một loại kén riêng và “chờ đợi” chết dần rồi trở thành thức ăn thuần túy của tò vò.

Dưới sự bảo vệ của lớp kén do nhện tạo ra, ấu trùng tò vò ăn dần con nhện đã chết và tiếp tục lớn dần, sau từ 9 - 11 ngày, chúng phá kén ra khi đã trở thành một con tò vò hoàn chỉnh, tự đi tìm nhện, sau đó kết đôi giao phối và lập lại chu kỳ đáng sợ này.

Trả lời tạp chí Vice (Ecuador), đồng tác giả của công trình nghiên cứu này Samantha Strauss nhận định việc một loài ký sinh đẻ trứng vào vật chủ và sau đó biến chúng thành thức ăn cho con mình là khá phổ biến trong thế giới động vật, nhưng khả năng biến đổi được hành vi vật chủ của tò vò Zatypota là độc nhất vô nhị.

Bà Strauss cho biết: “Sự biến đổi hành vi ở đây là rất nghiêm trọng. Con tò vò khống chế hoàn toàn hành vi và não bộ của nhện và khiến chúng làm những việc đi ngược lại thói quen và bản năng, như rời bỏ tổ và đan tơ theo cách bất thường để tạo kén".

Nhóm nghiên cứu cho rằng tò vò Zatypota thực hiện việc biến đổi trên bằng cách tiêm một loại hormon vào nhện, đồng thời cũng quan sát được rằng chúng có xu hướng tấn công các đàn nhện có quy mô lớn hơn.

Bà Strauss bày tỏ ý định quay lại Ecuador để tiếp tục nghiên cứu xem liệu tò vò Zatypota có xu hướng quay lại tấn công cùng một đàn nhện từ thế hệ này sang thế hệ khác hay không, và nếu vậy thì những lợi thế tiến hóa nào có thể diễn ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại