Đề cập vì sao nhiều người dân vùng khác ăn cá nóc lại bị ngộ độc, anh Đ.T.Tr (một người dân làng Nam Ô, TP.Đà Nẵng) tự tin: “Đó là do họ không biết dùng cá nóc, hoặc có thể lần đầu tiên dùng đến.
Còn con nào độc, con nào không, chế biến thế nào, dân đi biển như tui rành cả”.
Người đàn ông miền biển có nước da ngăm đen liệt kê hàng loạt loại cá nóc, đốm, thu, hoa… và bật mí: “Người dân ở Nam Ô chỉ ăn duy nhất một loại, đó là cá nóc giấy - bụng màu trắng, lưng màu xám nhạt...”.
Người dân bày bán cá nóc giấy và họ có phương pháp chế biến để “loại bỏ” nọc độc. Ảnh: PV
Người dân Nam Ô mất 5 năm, 10 năm, hoặc hơn thế nữa để có đủ kinh nghiệm sơ chế và sử dụng cá nóc giấy.
Nói như anh N.V.Th (phường Hòa Hiệp Nam), việc người dân Nam Ô dùng cá nóc không khác gì một loại... thuốc tới nay vẫn chưa được nghiên cứu. Cá nóc có con độc tính cao, con độc tính vừa, con độc tính rất ít.
Tại chợ Nam Ô, trừ ngày rằm, mồng một, hầu như ngày nào cũng có cá nóc giấy. Khác với cá nục, ngừ, phèn, bùng binh,… tốc độ tiêu thụ cá nóc giấy ở đây diễn ra rất nhanh vì số lượng cá ngư dân đánh được rất ít.
Theo tiết lộ của các chủ nậu, người ta “khoái” dùng loại cá này hơn các loại cá khác.
“Cá không có bán, không có ăn, có đâu chết” lại là câu trả lời từ các tiểu thương khi phóng viên hỏi: “Ăn cá này có sao không?”. Không chỉ tiểu thương mà người mua cũng “chê cười” thắc mắc của chúng tôi: “Bậy nào, ăn như thịt gà, quất (ăn) phát đã miệng phải biết”.