Kỳ công lễ cúng cơm mới của người Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn

Đắc Thành |

Khi lúa trên nương chín, người dân tộc Cơ Tu, Quảng Nam gặt một ít đưa về làm lễ cúng cơm mới để tạ ơn thần linh, ông bà… Gia đình nào chưa trải qua nghi lễ này, có đói cũng không được lấy lúa về ăn. Lễ cúng cơm mới đã được nối tiếp đời này đến đời khác.


Được mùa do thần linh ban

Tháng 10 âm lịch hàng năm, trên nhiều ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, những nương lúa ngả màu vàng óng, cũng là lúc người dân tộc Cơ Tu thu hoạch mùa vụ.

Chúng tôi có mặt ở làng Ca Đâu, xã Cà Dăng (huyện Đông Giang, Quảng Nam) khi trời sẩm tối. Giữa chốn núi rừng, làng mạc thưa thớt không có một nhà nghỉ.

Trên con đường bùn đất lầy lội nối xã Cà Dăng và xã Mà Cooi, chúng tôi liền ghé vào nhà ông A Lăng Man, dân tộc Cơ Tu xin nghỉ qua đêm.

Bước vào nhà, ông Man đồng ý và cho biết thêm: “Hôm nay nhà làm lễ cúng cơm mới, các anh ở lại chung vui với gia đình. Có thêm người, thêm cái chén, đôi đũa vui lắm”.

Theo ông Man, từ chiều gia đình ông lên nương nhìn khu vực nào lúa tốt, hạt chắc gặt lấy một gùi mang về. Do hôm nay trời mưa nên không phơi khô được, ông nhóm bếp lửa và cho vào chảo rang.

Thứ lúa ướt nhèm vì nước được người con gái của ông Man rang khoảng 30 phút. Ông Man bốc một ít cho vào bàn tay và lấy ngón tay bóc lớp vỏ. “Nó khô rồi, nếu tiếp tục sẽ cháy mất”, ông nói với con gái.

Kỳ công lễ cúng cơm mới của người Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn - Ảnh 1.

Lúa gặt về được rang khô

Từ chảo, ông đổ lúa vào cối, con gái ông cầm chày giã liên hồi. Từng mẻ lúa được vợ ông Man cho ra sàng và sảy. Trấu được thổi ra ngoài, gạo nằm lại trong nong. Thứ gạo mới vừa “ra lò” ông Man cho vào nồi nấu cơm.

Bên bếp lửa đỏ rực, ông Man kể: Người Cơ Tu trồng lúa trên những ngọn núi cao, quanh năm vất vả mới có cái ăn. Bao đời nay, cuộc sống của bà con dựa vào tự nhiên nên họ rất tin vào thần linh, đất trời và ông bà phù hộ.

Người dân quan niệm rằng, để có được hạt lúa, không ai khác là đấng siêu nhiên giúp đỡ, do đó sau mỗi vụ mùa phải làm lễ tạ ơn.

“Lễ cúng cơm mới đã được nối tiếp đời này đến đời khác. Cứ đến mùa thu hoạch, nhà nào cũng phải làm lễ, sau đó mới được ăn cơm mới.

Dù có hết gạo cũng không được gặt lúa về ăn khi chưa cúng. Lễ cúng không thống nhất vào ngày nào, gia đình nào lúa chín trước thì cúng trước, chín sau cúng sau”, ông Man chia sẻ.

Kỳ công lễ cúng cơm mới của người Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn - Ảnh 2.

Dùng ngón tay vo hạt lúa, khi trấu tách ra thì lúa đã khô

Trong lúc ông đang nấu cơm thì một con gà trống được người con trai là A Lăng Mông làm thịt xong đổ nước luộc. Ngoài ra, có thêm hai con cá và ít thịt lợn kho được chế biến.

Đồ ăn nấu chín, ông Man bày đồ vật thành hai mâm để làm lễ cúng. Trong nhà không có bàn thờ gia tiên hay ảnh thờ người quá cố.

Giữa gian chính ngôi nhà, phía trên tường treo ảnh thờ Bác Hồ, phía dưới ông Man đặt mâm hành lễ. Trên mâm có một con gà, hai chén cơm mới và một ít bánh kẹo, trà, nước ngọt và rượu.

Còn một mâm cá, thịt và một chén cơm, gạo mới. Tất cả những công việc, bày lễ vật do đàn ông phụ trách, đàn bà không được nhúng tay vào.

Lúc hành lễ, người Cơ Tu cúng không có hương đèn, họ đặt lễ xong và cúng. Miệng ông Man đọc liên hồi bằng tiếng Cơ Tu.

Những câu đó có nghĩa là tạ ơn thần linh, ông bà, núi rừng đã phù hộ cho gia đình ông có một vụ mùa bội thu.

Kỳ công lễ cúng cơm mới của người Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn - Ảnh 3.

Người giã lúa, người sàng lấy gạo nấu cúng cơm mới

Nay lúa đã chín, gia đình tổ chức lễ vật, mời về ăn cơm mới. Đồng thời ông cầu mong mùa màng năm sau được bội thu, hạt trĩu bông, thóc đỡ lép.

Con chim, con chuột, thú rừng không phá hoại nương lúa và gia đình không đau ốm. Sau chừng 5 phút, lễ nghi đã xong, ông gọi vợ và các con dọn các mâm lễ vật.

Đại gia đình ông Man và chúng tôi “hưởng lộc” từng chén rượu được rót ra, ông Man mời khách nâng chén. Quan sát quá trình làm lễ cúng, tôi thấy cách bày lễ vật khác lạ so với người miền xuôi.

Tôi tò mò: Như con gà, con cá không để đầu lên phía trên mà hướng ra ngoài vậy? Ông Man đáp: “Đúng rồi. Mình đưa đầu ra ngoài là để chào đón thần linh, ông bà về dự lễ.

Mình quay đuôi ra phía ngoài là phạm lỗi, thần linh, ông bà không vào nhà”.

Tôi hỏi tiếp: Sao lễ cúng lại bày hai mâm lễ vật?. “Mâm có gà và cơm mới là dành cho đấng thần linh. Mâm có cá, thịt kho là dành cho ông bà.

Mà người Cơ Tu tổ chức lễ cũng phải vào ban đêm. Bởi ban ngày ai cũng phải đi làm, phần nữa gạo khi đưa về nhà, phải rang cho khô, rồi giã, sau đó mới nấu tốn rất nhiều thời gian”, ông Man nói.

Khi cúng xong, ông Man đưa một ít đồ ăn và tiết gà sống, rượu ra sân nhà vãi. Nói về điều này, ông Man cho hay: “Phần thức ăn đó dành cho ma quỷ, khi phát thức ăn mình dùng tay bốc.

Thần linh, ông bà được mời vào trong nhà, nhưng phía ngoài ma quỷ mình phải chia phần cho họ”.

Lễ vật giảm bớt

Người Cơ Tu mỗi năm trồng một vụ lúa nương, khi lúa chín họ sẽ làm lễ cúng cơm mới. Đây là một sự kiện được xem rất trọng đại ở các bản làng trên dãy núi Trường Sơn.

Cũng là dịp để họ cúng thần, tạ ơn trời đất sau một năm lam lũ.

Kỳ công lễ cúng cơm mới của người Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn - Ảnh 4.

Ông A Lăng Man làm lễ cúng cơm mới

Theo ông Man, ngày trước, đến vụ thu hoạch, già làng sẽ triệu tập mọi người ra nhà Gươl (nhà cộng đồng).

Sau đó cử một vài thanh niên lên từng ruộng lúa nương xem đã chín vàng thì cho thu hoạch. Đám thanh niên sẽ gặt một ít lúa mang về, gặp nắng thì phơi khô, không có nắng, đỏ lửa rang khô rồi giã gạo để tổ chức lễ cúng cơm mới.

“Lễ hội rất tốn kém, phải có 1 con trâu, vài con lợn, gà và rượu cần. Ngay tại nhà Gươl mọi người tổ chức đâm trâu, sau đó làm thịt uống rượu mấy ngày liền. Chiêng, trống nổi liên hồi inh ỏi nhảy múa ngày đêm.

Cúng xong ở nhà Gươl, các gia đình về nhà tổ chức tiếp. Lễ hội kết thúc, có nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất”, ông Man bộc bạch.

Hiện ở nhiều bản làng người Cơ Tu đã loại bỏ gần hết phong tục cúng cơm mới cả làng. Lễ cúng chỉ tổ chức trong diện hẹp, từng gia đình một.

Đa số gia chủ chỉ giết con gà để cúng, hiếm hoi lắm mới có nhà giết heo mừng lúa mới. Cũng vì thế ít nhiều đã đỡ phần kinh phí cho gia chủ mỗi khi tổ chức ăn lúa mới.

Kỳ công lễ cúng cơm mới của người Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn - Ảnh 5.

Công việc làm gà, bày lễ cúng do đàn ông làm, phụ nữ không được nhúng tay vào

“Nhà có điều kiện gọi thêm nhiều người đến dự, có khoảng 5 mâm. Ngoài ra hàng chục lít rượu trắng để mọi người chúc tụng. Nhưng nay, hầu như gia đình nào cũng tự tổ chức nội bộ, có mời thì một vài người thân thuộc.

Cuộc sống người Cơ Tu ngày càng nhận thức cao hơn nên những phong tục không còn phù hợp được loại bỏ”, ông Man nói.

Người Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn luôn san sẻ những thứ mình có được cho mọi người trong làng. Săn được con thú, mổ thịt ra cho mỗi người ít. Nhà có nhiều lúa, đến mùa giáp hạt cho những gia đình thiếu ăn…

Tuy nhiên, có một quan niệm bất di bất dịch mà ai cũng phải tuân thủ, khi vào vụ mùa đang gieo hạt giống lúa, bắp trên nương nếu ai xin thì một hạt cũng không cho.

Họ quan niệm rằng, nếu cho người ta thì mùa đó vụ sẽ mất đi cái may mắn, rồi con chuột, chim, sóc, thú rừng cắn phá nương lúa, nương ngô của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại