Kỳ án 14 năm mới xử ở Hà Nội: Lời khai mâu thuẫn, nhiều tình tiết ly kỳ

Lê Tùng |

Nhân chứng bị hại liên tục khai mâu thuẫn, luật sư bị cáo nêu nghi vấn CQĐT huyện Hoài Đức có giám định thương tích trước khi nhận tin báo...

VKS đề nghị tuyên y án sơ thẩm

Sáng 20/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức. Vụ án được mở theo kháng cáo của hai bị cáo là anh em ruột Quản Đắc Quý (SN 1981) và Quản Đắc Thúy (1979), trú cùng địa chỉ trên.

Trước khi chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với hai bị cáo trên.

Theo bản án sơ thẩm, khoảng 16h, chiều 19/7/2003, ba bố con ông Quản Đắc H., Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy có mâu thuẫn chuyện đất đai với gia đình ông Đỗ Đăng C. (SN 1977) và ông Đỗ Đăng Ch. (SN 1948 trú cùng xã Vân Côn).

Quá trình này, Quản Đắc H. đến nơi gia đình ông Ch. đang đào móng làm nhà thì hai bên xảy ra xô xát. Trong lúc xô xát, ông Ch. bị ngã.

Lúc sau, Quản Đắc Thúy và Quản Đắc Quý tiếp tục xô xát với anh C. khiến nạn nhân phải chạy về. Khi anh C. chạy gần đến nhà ông H. thì Quý đuổi kịp, dùng hung khí đánh.

Sau sự việc, người dân can ngăn, đưa người bị thương đi cấp cứu.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định do chưa đủ cơ sở để chứng minh ai là người gây ra chấn thương cho ông Ch. nên quyết định tách rút tài liệu để tiếp tục làm rõ, xử lý sau.

Điều tra bổ sung, cơ quan điều tra thu thập được tài liệu phản ánh ông H. bị thương tật, được xét chế độ thương binh và tình trạng bệnh động kinh. Cơ quan điều tra yêu cầu bị can H. đi giám định tại Viện giám định Pháp y tâm thần trung ương nhưng bị can từ chối. Do vậy, chưa đủ căn cứ để xác định người này có đủ năng lực xử lý trách nhiệm hình sự.

Từ đó, cơ quan công an quyết định tách vụ án hình sự số 45/PC45-Đ13 đối với hành vi cố ý gây thương tích của bị can H., quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự.

Ngày 26/05/2017, sau 14 năm kể từ ngày khởi tố, TAND huyện Hoài Đức mở phiên sơ thẩm lần đầu. Tại tòa, các Luật sư bào chữa cho hai bị cáo đề nghị hoãn nhưng không được HĐXX sơ thẩm chấp nhận.

Quý và Thúy tiếp tục không nhận tội vì cho rằng khi xảy ra xô xát cả hai không có mặt tại hiện trường, không gây thương tích cho Đỗ Đăng C.

Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm cho rằng đủ căn cứ xác định các bị cáo gây thương tích cho bị hại nên tuyên phạt Quý 5 năm 6 tháng tù và Thúy 5 năm tù. Sau phiên xét xử, các bị cáo kêu oan.

Trong quá trình điều tra đến năm 2015, công an và Viện kiểm sát ra hơn 10 bản kết luận điều tra bổ sung, 4 bản cáo trạng để truy tố hai bị cáo Quý và Thúy về tội danh trên.

Ngày 19/12/2107, tại phiên tòa phúc thẩm, đại viện VKS cho rằng, lúc xảy ra vụ án các bị cáo đều có mặt tại hiện trường và gây ra thương tích cho bị hại là anh C. Điều này phù hợp với lời khai ban đầu của bị hại cũng như các chứng cứ và lời khai thu thập có trong hồ sơ vụ án. Từ đó, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho anh C.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo mức án như trên là có căn cứ. Đơn kháng cáo của các bị cáo không phạm tội cố ý gây thương tích là không có căn cứ. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo, giữ nguyên mức án như HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên về mặt tội danh, hình phạt.

Bị hại khai không đồng nhất

Khi trả lời cầu hỏi của luật sư trong phiên tòa chiều 19/12/2017, về việc có nhớ hung khí bị cáo dùng chém mình là dao gì? Bị hại C. cho rằng đã khai tại cơ quan điều tra nên không khai lại. Tuy nhiên, sau khi HĐXX phúc thẩm yêu cầu trả lời thì bị hại C. nói là con dao rựa.

Cũng tại phiên phúc thẩm, bị hại C. cho biết, bị cáo vụt bị hại vào ngón tay trỏ nhưng tại bút lục 238 bị hại khai bị vụt vào đầu, sau gáy, ngón tay trỏ và cái.

Tại tòa, bị hại C. khai đến sơ cứu tại trạm xá, khi tỉnh lại thì thấy mình đang trong viện 103, nhưng bác sỹ Hảo (nhân viên Trung tâm y tế xã Vân Côn) đã sơ cứu vết thương cho bị hại C. trình bày tại tòa, thời điểm đó, C đến trạm xá và được bác sỹ Hảo sơ cứu trong tình trạng tỉnh táo.

“Thời điểm đó, nếu anh C. bị ngất, tôi chỉ sẽ sơ cứu và viết giấy yêu cầu chuyển viện cho bệnh nhân, nhưng sau khi sơ cứu, tôi đề nghị bệnh nhân về nhà điều trị ngoại trú”- bác sỹ Hảo nói tại tòa/

Tại phiên tòa sáng 20/12, luật sư Đào Liên (Đoàn luật sư Hà Nội), bào chữa cho bị cáo đề nghị được cung cấp cho HĐXX phúc thẩm đoạn video quay lại vào cuối giờ chiều ngày hôm qua 19/12, do người dân trao đổi trực tiếp với nhân chứng Đỗ Đăng Chắt. Ông Chắt là nhân chứng quan trọng, có nhiều lời khai trong hồ sơ vụ án là căn cứ buộc tội 2 bị cáo Quý và Thúy.

Tuy nhiên, Thẩm phán Hoàng Nhật Tân, chủ tọa phiên tòa cho biết HĐXX nhận được đơn xin vắng mặt của nhân chứng Chắt vì lý do sức khỏe gửi trước phiên tòa mấy ngày trước

Luật sư đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức để giao lại cho cơ quan điều tra lại hoặc hủy án sơ thẩm để đình chỉ vụ án.

Theo luật sư, nhân chứng Đỗ Đăng Chắt khai bất lợi cho hai bị cáo nhưng không được đối chất với 2 bị cáo và không có mặt ở cả 2 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm hôm nay. Luật sư cho rằng việc không đối chất này vi phạm nghiêm trọng Điều 138 Bộ luật tố tụng hình sự.

Các luật sư cho rằng nhiều nhân chứng tại tòa đã đồng loạt khẳng định bị hại C. tự ngã. Luật sư cũng cho rằng Cơ quan điều tra không làm hết trách nhiệm của mình dẫn đến vụ án đến nay rất khó giải quyết.

Các luật sư bài chữa cho 2 bị cáo liên tục đưa ra các căn cứ khẳng định đây được coi là vụ án có thời gian điều tra dài nhất trong lịch sử với 14 năm. Về quan điểm trên, Đại diện VKS đồng tình với luật sư nhưng cũng cho rằng cơ quan điều tra đã giải quyết đúng trình tự pháp luật và nhận định đây là vụ án phức tạp.

Trong phiên tòa sáng 19/12, bị cáo Thúy đề nghị được xem lại bút lục ghi lời khai tại cơ quan điều tra. Sau khi xem, bị cáo Thúy khẳng định đây giống với chữ ký của bị cáo nhưng một phần nội dung không phải chữ của anh ta.

Luật sư bào chữa cho bị cáo bày tỏ: Vụ án không thu được hung khí, bị hại nhiều lời khai, mâu thuẫn với nhau. Các nhân chứng hai bên đều mâu thuẫn lời khai.

Một nghi vấn đưa ra là khi CQĐT huyện Hoài Đức chưa nhận được tin báo tội phạm nhưng tại sao đã có quyết định giám định thương tích?

Đây là những vấn đề luật sư đề nghị đại diện VKSND TP Hà Nội giải thích và đề nghị HĐXX xem xét.

Sau hai ngày xét xử, bị cáo Thúy và Quý trình bày: Tôi không có mặt tại hiện trường mà các cơ quan tố tụng quyết quy kết tôi phạm tội. Vụ án xảy ra khi tôi đang là sinh viên, phải bỏ học rồi 14 năm nay tôi và gia đình chịu ám ảnh nhiều.

Các bị cáo mong HĐXX xem xét thấu đáo, minh oan cho bản thân.

HĐXX phúc thẩm cho biết sẽ tuyên án vào 8h15 sáng 21/12./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại