Sinh ra và lớn lên tại Vương quốc Anh, Peter Bradshaw là nhà phê bình phim chính trên The Guardian trong suốt 18 năm qua.
Trước khi đảm nhiệm vị trí này, Bradshaw là một tiểu thuyết gia, một nhà biên kịch cho các chương trình truyền hình và radio trên sóng BBC và Sky One. Ông có bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Anh tại trường Đại học Cambridge.
Trong một chương trình thăm dò ý kiến các nhà phê bình phim năm 2012 do Sight&Sound tổ chức, Bradshaw cho biết 10 bộ phim yêu thích nhất của ông (theo thứ tự alphabet) là The Addiction (1994), Andrei Rublev (1966), Annie Hall (1977), Black Narcissus (1947), Hidden (2004), I am Cuba (1964), In the Mood for Love (2000), Kind Hearts and Coronets (1949), Raging Bull (1980) và Singin' in the Rain (1952).
Dưới đây, báo điện tử Trí Thức Trẻ xin gửi tới quý độc giả bản dịch review của Peter Bradshaw cho bộ phim Kong: Skull Island.
...
Ẩn sâu trong rừng thẳm... bụi cây nhúc nhích, đầm lầy sủi bọt, cành lá lung lay và một con quái vật khổng lồ bỗng nhổm dậy với dáng vẻ đầy kinh hãi, che lấp cả ánh mặt trời. Chạy đi kẻo chết! Vì đằng sau bạn là một con... gà tây cao hơn 200m đang tạo ra những âm thanh đặc trưng trong lúc đẻ trứng.
Sự kết hợp hỗn tạp và nhạt nhẽo đến mức mệt mỏi trong phiên bản King Kong lần này thật chẳng khác nào một bản mashup thiếu sức sống của Jurassic Park, Apocalypse Now và một vài khung cảnh núi rừng hùng vĩ vay mượn từ Miss Saigon.
Kong: Skull Island không thể hiện được cái tầm của sức mạnh siêu nhiên mà King Kong trong phiên bản gốc cũng như trong phiên bản game của Peter Jackson sở hữu. Nó giống như một phiên bản mà Ed Wood Jr. có thể làm ra cho vui nếu được tài trợ 1.000 tỉ USD kinh phí, nhưng khổ nỗi phiên bản này... chẳng vui chút nào.
Ngoại hình của Kong bị để lộ quá sớm, qua đó lấy đi hoàn toàn mọi sự hồi hộp. Trọng tâm của kịch bản thì mỗi lúc một khác, và một Tom Hiddlestone tài năng lần này phải nói thẳng là đã thể hiện dưới sức.
Không có sự hỗ trợ từ kịch bản và đạo diễn, Tom diễn rất cứng nhắc và không thoải mái, thể hiện qua những lời thoại có phần hơi "loạn" của anh trong suốt bộ phim.
Còn Kong ở phiên bản này chẳng khác nào một vị vua bị tước mất ngai vàng và không ẩn chứa sự bí ẩn thường thấy. Chính tên bộ phim cũng khiến khán giả phải tự hỏi rằng trọng tâm của phim là Kong hay hòn đảo, với sự xuất hiện của những loài động vật khổng lồ, gieo rắc nỗi sợ hãi lên những con người tí hon dám đặt chân đến nơi này.
Bộ phim là sản phẩm của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts - người trước đây vốn được biết đến qua những bộ phim hài - và kịch bản do Dan Gilroy, Max Borenstein, Derek Connolly và John Gatins phụ trách. Nói đến kịch bản, bộ phim giống như một phiên bản viết lại lần thứ n của những kì trước, chỉ khác ở chỗ những chi tiết gây cười và phức tạp được lược bỏ để đảm bảo khán giả ở các nước không nói tiếng Anh có thể hiểu được.
Bộ phim lấy bối cảnh đầu những năm 70, không lâu sau khi chiến tranh Việt Nam khép lại, và có lẽ đây cũng là khoảng thời gian gần nhất mà công nghệ chưa thể báo động loài người về sự xuất hiện của một loài động vật có kích cỡ khổng lồ như Kong.
Các nhà khoa học Bill Panda (John Goodman thủ vai) và Houston Brooks (Corey Hawkins thủ vai) đã được chính phủ tài trợ kinh phí thực hiện một nhiệm vụ tối mật tại đảo Đầu lâu, một nơi hoang vắng đâu đó tại Đông Nam Á để điều tra về một sinh vật khổng lồ được người đời đồn đại.
Họ đề nghị có sự trợ giúp của quân đội, và được chấp thuận. Sát cánh cùng họ là một sĩ quan đang chán không có việc gì làm - Trung tá Preston Packard (Samuel Jackson thủ vai), và các cộng sự, tất cả đều nóng lòng chờ đợi một thử thách mới để tìm lại chính mình sau thất bại ở Việt Nam.
"Trận chiến này chúng ta sẽ không thua" - Packard hô hoán, nhưng gần như ngay lập tức đã "giương cờ trắng" trong trận chiến chống lại sự ngô nghê và nhàm chán.
Thành phần dân sự trong đoàn thám hiểm trên đảo Đầu lâu còn có Mason Weaver (Brie Larson thủ vai), một "phóng viên ảnh" cứng cỏi và khêu gợi đang săn tìm bài báo lịch sử. với một nghề nghiệp chỉ có trong phim chứ ngoài đời thì không,
Bill Panda cũng thuê thêm một chuyên gia truy lùng: cựu đặc nhiệm quân đội Anh James Conrad (Tom Hiddlestone thủ vai), nhân vật mà ngay từ đầu phim đạo diễn đã "nhắc" cho khán giả rằng "anh này có võ", thông qua một cảnh đánh nhau hết sức chiếu lệ trong quán bar.
Và đương nhiên là anh thắng.
Còn "nhân vật" chính, Kong, được thể hiện qua công nghệ bắt chuyển động (mocap - motion capture). Diện mạo của Kong được hé lộ liên tục một cách rất... mất hứng.
Gần như ngay lập tức, khán giả bị ép phải tập trung một cách vô lý vào những diễn biến trong nội bộ đoàn thám hiểm. Phía quân đội thì có đoạn Preston đi tìm người đồng đội bị mất tích; còn phần còn lại (James, Mason,...) thì tách khỏi nhóm quân đội và phát hiện ra bí mật chấn động trên đảo.
Họ đi ngược dòng trên một "con thuyền" phi lý được làm từ các bộ phận trục vớt được từ một chiếc máy bay rơi.
Tóm lại, sự hiện diện đáng ra phải kịch tính của Kong lại được thể hiện một cách lộn xộn.
Bộ phim tìm cách đặt Kong vào vị trí một "lãnh chúa" quý phái được các sinh vật khác trên đảo tôn sùng, một anh chàng lông lá tốt bụng, để đối lập với hình ảnh những con thằn lằn khổng lồ giương oai khắp nơi trên đảo nhưng lúc nào cũng sợ Kong một phép.
Trong kịch bản có một đoạn gây cười nửa vời qua việc các nhân vật không biết phải gọi những con thằn lằn trên bằng cái tên gì. Còn tôi thì cho rằng nhiều khả năng cả đạo diễn lẫn kịch bản đều không thống nhất được phải gọi chúng bằng cái tên gì nên mới phải viết vào kịch bản đoạn pha trò nửa mùa như vậy.
Sao King Kong năm 1933 thì như thế mà King Kong 2017 lại có thể thành ra như thế này được? Có lẽ phải cần thuyết... lùi hóa mới giải thích nổi...