Mới đây có thông tin cho biết, trong tương lai sau khi trang bị đủ cho Quân đội Hàn Quốc, KM-SAM sẽ được quốc gia Đông Bắc Á này xuất khẩu ra thị thường nước ngoài, vậy "bản sao" liệu có cơ hội giành chiến thắng trước "bản chính"?
Hệ thống tên lửa phòng không KM-SAM Chun Koong của Hàn Quốc
Các tính năng kỹ chiến thuật của KM-SAM hiện vẫn chưa được công bố đầy đủ. Việc chế tạo hệ thống này đã bắt đầu từ 10 năm trước đây nhưng cho đến nay nó vẫn chưa được hoàn thiện.
Tổ hợp tên lửa phòng không của Hàn Quốc bao gồm trạm điều khiển chiến đấu, trạm radar định vị đa năng, xe nạp đạn - vận chuyển, trạm cung cấp năng lượng cơ động cùng với bệ phóng gồm 8 tên lửa. Nếu nói đến khả năng của KM-SAM thì có thể nhấn mạnh các điểm sau:
1. Hệ thống radar định vị hoạt động trên băng sóng X, có thể theo dõi hàng chục mục tiêu và bắn hạ vài đối tượng trong số đó.
2. Tầm phủ sóng của radar lên tới 80 độ theo chiều thẳng đứng với bán kính không quá 100 km.
3. Tên lửa phòng không có điều khiển có tầm đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách lên tới 40 km.
Trong năm ngoái, hệ thống này đã vượt qua các lần phóng thử nghiệm và đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu đề ra. Tuy nhiên thời gian bắt đầu sản xuất hệ thống KM-SAM để bàn giao cho Quân đội Hàn Quốc vẫn chưa được công bố.
Hệ thống tên lửa phòng không S-350E Vityaz
Trong khi đó, S-350E Vityaz đang ở giai đoạn cuối của thử nghiệm quốc gia. Tổ hợp tên lửa phòng không này sẽ được bàn giao cho Quân đội Nga ngay trong năm 2016.
Tương tự KM-SAM, cho đến nay tính năng kỹ chiến thuật của S-350E vẫn được giữ kín. Điều tiết lộ duy nhất là tổ hợp trên sẽ sử dụng hệ thống phóng tự hành 50P6A, hệ thống radar định vị đa năng 50N6A và trạm điều khiển chiến đấu 50K6A.
Số lượng tên lửa trang bị cho một xe mang phóng là 12 quả, tầm bắn của Vityaz có thể lên tới 120 km, hệ thống dẫn tìm đa kênh cho phép cùng lúc bắn hơn 36 mục tiêu, trạm radar định vị hoạt động theo cơ chế nhìn vòng.
Bên cạnh đó, khả năng chống nhiễu của S-350E đã được nâng cấp nhiều lần. Hệ thống điều khiển của tổ hợp được tự động hoá hoàn toàn, cho phép nó thực hiện đa dạng các nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất.
Xe mang phóng tự hành của tổ hợp S-350E Vityaz
Dễ dàng thấy rằng S-350E Vityaz vượt trội đối thủ cạnh tranh đến từ Hàn Quốc trên nhiều chỉ tiêu quan trọng như khoảng cách phát hiện cũng như tiêu diệt mục tiêu, kích cỡ của tổ hợp, số lượng mục tiêu có thể bắn hạ cùng lúc...
Như vậy, chắc chắn Nga sẽ tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống phòng không tầm bắn đa dạng, điều này giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga tăng doanh thu xuất khẩu vũ khí cho tới tăng cường hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa của mình.