Lạm phát trong giới hạn cho phép
Tháng 5 đã khép lại với nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế . Đặc biệt, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ đã mang lại những kết quả khả quan trong bối cảnh thế giới đối mặt với lạm phát.
Nhờ sự điều hành của chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào... đã giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam 5 tháng qua chỉ tăng 2,25%.
Lạm phát tại nhiều nước trên thế giới đang tăng cao, như Mỹ tăng 8,5% - mức cao nhất trong 40 năm qua; còn khu vực đồng tiền chung Euro tăng 7,4%, cao nhất trong 30 năm trở lại đây. Tại Việt Nam trong 5 tháng qua, mức tăng này chỉ ở mức 2,25%. Đây là mức tăng không chỉ bằng 1/3 bình quân chung của nhiều nước, mà còn là cơ sở để Việt Nam kiểm soát được lạm phát dưới 4% như đã đề ra cho năm nay.
Khi giá nguyên, vật liệu thế giới, đặc biệt là xăng dầu tăng cao, nhiều chính sách về thuế với mặt hàng này đã kịp thời được điều chỉnh như giảm 2% thuế VAT, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Điều hành chính sách tiền tệ tương đối linh hoạt và ổn định, chính sách tỷ giá của chúng ta thời gian qua thay đổi không nhiều, dù đồng USD tăng giá rất mạnh. Điều này góp phần kìm chế lạm phát nhập khẩu", TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho hay.
Khi giá nguyên, vật liệu thế giới, đặc biệt là xăng dầu tăng cao, nhiều chính sách về thuế với mặt hàng này đã kịp thời được điều chỉnh như giảm 2% thuế VAT, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Việc làm này vừa hỗ trợ trực tiếp cho người dân để kích cầu tiêu dùng, vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chính sách tài khóa, tiền tệ cũng đã có sự phối hợp nhịp nhàng khi các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để thu hút lượng tiền nhàn rỗi ngoài xã hội, qua đó giảm áp lực lạm phát.
"Khi lượng tiền của ngân sách nhà nước giải ngân nhiều thì ngân hàng thu hút dòng tiền vào làm giảm lượng tiền trên thị trường giúp cho quá trình hoạt động tiền tệ dễ dàng hơn và áp lực lạm phát giảm đi một cách rõ rệt", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, đánh giá.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường
Nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại thị trường trong nước thời gian vừa qua luôn được bảo đảm giúp giảm áp lực cho lạm phát, ổn định cuộc sống của người dân. Điểm này cho thấy những nỗ lực cao về điều tiết thị trường nội địa trong bối cảnh nhiều hàng hóa thiết yếu trên thế giới khan hiếm.
Nhà chị Thúy Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) có 2 cháu nhỏ. Lâu nay chị vẫn quen mua sữa bột nhập khẩu, giờ tìm mua rất khó, nhưng chị cho biết còn nhiều sự lựa chọn khác là hàng hóa sản xuất trong nước.
"Mình không quá là lo con mình không có sữa ăn. Mình có nhiều sự lựa chọn. Mặt hàng này khan hiếm thì mình chuyển sang mặt hàng khác", chị Nguyễn Thị Thúy Anh, quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ.
5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng gần 10% so với cùng kỳ, trong đó lương thực, thực phẩm tăng hơn 13%. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Từ tháng 3 tới nay, các mặt hàng dầu ăn nhập khẩu từ Nga đã không còn trên các kệ hàng của một số siêu thị. Tuy nhiên người dân vẫn có rất nhiều sự lựa chọn, như dầu ăn Việt Nam hay dầu nhập khẩu từ các nước khác.
5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng gần 10% so với cùng kỳ, trong đó lương thực, thực phẩm tăng hơn 13%. Nhu cầu tiêu dùng tăng, hàng hóa trong nước chịu nhiều tác động của thị trường thế giới, tuy nhiên sự điều tiết kịp thời về cung cầu và điều hành giá cả đã góp phần đảm bảo bình ổn, an sinh xã hội.
"Vai trò đầu ngành của ngành công thương thể hiện qua việc hàng hóa tiêu thụ tốt. Nguồn cung vẫn đảm bảo phục vụ tiêu dùng của người dân", ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Khu vực Miền Bắc, Saigon Co.op, cho biết.
"Có sự điều phối từ địa phương này đến địa phương khác mà đang thiếu. Không những cung ứng đủ về lượng, mà cái giá cả nó cũng đảm bảo trên mặt bằng chung của cả nước và tương ứng với sự biến động của thế giới, nhưng ví dụ như xăng dầu luôn có mức tăng thấp hơn", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng mạnh
Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo chính là động lực và cơ hội để các thành phần kinh tế không chỉ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, mà còn tăng cường mở rộng đầu tư, sản xuất, đáp ứng các đơn hàng trong nước và xuất khẩu ra thế giới.
Dịch bệnh đã có lúc làm hoạt động sản xuất của Công ty CP Tập Đoàn Amaccao phải chững lại do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, trước sự phục hồi nhanh của nền kinh tế, doanh nghiệp đã mạnh dạn huy động hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, mở rộng sản xuất tại các cụm công nghiệp, nhà máy thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
"Chúng tôi dự kiến đầu tư 2.000 - 3.000 tỷ vào các nhà máy và đầu tư cho năng lượng khoảng 5.000 tỷ. Như vậy năm nay, dự kiến chúng tôi đầu tư khoảng 10.000 tỷ ", ông Nguyễn Văn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập Đoàn Amaccao, chia sẻ.
Sự mạnh dạn bỏ vốn đầu tư của người dân, doanh nghiệp đã giúp cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1 đạt hơn 560.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tư nhân đạt hơn 323.000 tỷ đồng, chiếm tới gần 58%.
"Chúng ta thấy số lượng doanh nghiệp quay trở lại rất cao, chứng tỏ môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp quay trở lại phát triển", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV, nhận định.
Quốc tế tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam
Các tổ chức, định chế tài chính quốc tế cũng đang liên tiếp đưa ra những dự báo, đánh giá lạc quan về sự khởi sắc của kinh tế Việt Nam. Các tổ chức này tin tưởng tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ mạnh lên nhờ thực thi hiệu quả các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các tổ chức, định chế tài chính quốc tế đang liên tiếp đưa ra những dự báo, đánh giá lạc quan về sự khởi sắc của kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra quyết định rất sớm để mở cửa và phục hồi kinh tế. Và thực tế là kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh. Ngần hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự đoán tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6,5% trong năm nay, tức là mức tăng trưởng cao nhất trong Đông Nam Á", ông Hiroyuki Moribe, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản (VERI), đánh giá.
"Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc kiểm soát lạm phát trong năm nay, như đã giảm kịp thời thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Bên cạnh đó, nỗ lực đảm bảo nguồn cung trong nước dồi dào và kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu đã giảm thiểu áp lực lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát thế giới có thể sẽ gia tăng trong những tháng tới khi nhu cầu phục hồi tăng trong khi áp lực giá hàng hóa vẫn còn, nên Việt Nam có thể xem xét có thêm các biện pháp tài khóa trọng tâm trọng điểm hơn nữa", ông Brian Lee Shun Rong, Nhà nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Đầu tư Maybank, Singapore, nhận định.
"Việc gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát COVID-19 đã góp phần củng cố cả nhu cầu nội địa và dòng vốn đầu tư cho Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất của các bạn có lợi thế cạnh tranh rõ nét trên thị trường quốc tế. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu của thị trường quốc tế đối với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam những tháng gần đây là rất lớn", bà Rain Yin, Nhóm Đánh giá tín nhiệm Quốc gia, S&P, khẳng định.