Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, sáng 27/9 đã công bố Báo cáo phát triển Việt Nam 2016 "Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào".
Theo Giám đốc WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, Việt Nam đang ở bước ngoặt trong lĩnh vực nông nghiệp. Dù đã có nhiều tiến bộ trong quá khứ, nhưng gần đây tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp đã bị tổn thương trước các hiểm hoạ thời tiết và nông nghiệp cũng tạo dấu chân môi trường nghiêm trọng.
Các tác giả của báo cáo cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Xu hướng chung gần đây cho thấy GDP nông nghiệp đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.
Bên cạnh đó, một số vấn đề môi trường hiện đang ảnh hưởng xấu đến cả năng suất lao động và vị thế quốc tế của nông nghiệp Việt Nam.
Một trong các khuyến nghị được nêu tại báo cáo là, để chuyển đổi sang một nền nông nghiệp dựa trên hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng thì Nhà nước cần bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo.
Như vậy cũng có nghĩa là Nhà nước phải tăng cường đầu tư có chọn lọc, tập trung vào những loại hàng hoá, dịch vụ công trọng điểm.
Thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền nông nghiệp định hướng thị trường của Việt Nam, theo báo cáo là cần giảm quy hoạch sử dụng đất dài hạn, quản lý nông lâm trường quốc doanh, trực tiếp tham gia buôn bán sản phẩm nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...
Đồng thời, Nhà nước nên tăng xây dựng quy định, hỗ trợ phát triển thị trường đất đai, hỗ trợ kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, hỗ trợ rủi ro trong sản xuất kinh doanh...
Nông nghiệp chắc chắn phải đi theo con đường khác trước, không thể bắt nông nghiệp mãi là chỗ dựa cho nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận.
Bà Lan cũng nhấn mạnh yếu tố công bằng trong phát triển nông nghiệp, bởi hiện nay phân hoá giàu nghèo rất lớn và đã trở thành thách thức không hề nhỏ.
Vấn đề rất cần được quan tâm, theo bà Lan là chính sách đất đai, vì nếu người nông dân không có quyền sở hữu về đất đai một cách đầy đủ thì dù có xây dựng mô hình nào họ cũng không thể nào tiếp tục hoạt động trên mảnh đất của mình.
Báo cáo cần nhấn thêm vai trò của nông dân, những người luôn nhiều thiệt thòi và ít lợi ích, bà Lan góp ý.
Đều đánh giá cao chất lượng của bản báo cáo, đã đề cập toàn diện những vấn đề của nền nông nghiệp Việt Nam, ý kiến của các chuyên gia WB và chuyên gia trong nước đều nhấn mạnh nền nông nghiệp Việt Nam đang ở giữa ngã ba đường.
Và, bên cạnh đổi mới chính sách, thể chế thì có rất nhiều vấn đề cụ thể cần được tháo gỡ liên quan đến vốn, nhân lực, xây dựng hệ thống kinh doanh nông nghiệp hiện đại..
Tác giả báo cáo cho rằng, Nhà nước thường có xu hướng can thiệp sâu vào các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, như lựa chọn doanh nghiệp thành công để hỗ trợ, tìm đối tác hoặc xây dựng quan hệ thị trường.
Đây là những ý đồ tốt nhằm thực hiện chủ trương và chi tiêu nguồn vốn công theo hướng khôn ngoan nhưng cũng làm méo mó các tín hiệu giá cả thị trường, loại bỏ quá sớm những đối tượng chậm chạp, cản trở sự thử nghiệm và tinh thần doanh nhân, báo cáo nêu rõ.