Kinh tế TQ lập kỷ lục lao dốc mới: Bề nổi của tảng băng chìm khiến Bắc Kinh "đau đầu"

Thủy Thu |

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và sự suy thoái này có thể còn tồi tệ hơn những gì Bắc Kinh đã mô tả, The New York Times nhận định.

Dữ liệu chính thức được công bố vào thứ Hai vừa qua cho thấy, trong ba tháng cuối năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây - kể từ khi Trung Quốc nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Theo số liệu này, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng 6,6% trong cả năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1990.

"Song song với sự suy thoái kinh tế, những dữ liệu này cho thấy, đây chỉ là một sự suy giảm nhẹ so với quy mô của một nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Mặc dù những con số này đã chạm mức thấp trong lịch sử nhưng chúng chỉ thấp hơn một chút so với các thời kỳ trước đó", NYT nhận định nhưng cũng cho rằng, lại có một câu chuyện khác đằng sau các dữ liệu chi tiết hơn.

Tờ này cho biết, từ đầu tư, chi tiêu của người tiêu dùng đến các hoạt động của các nhà máy, nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại đáng kể trong nửa cuối năm ngoái. Những dữ liệu này cũng cho thấy, cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây nhiều ảnh hưởng với Trung Quốc.

"Nếu những nỗ lực hiện tại không đủ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn có nhiều cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyết định khó khăn này có thể làm tăng nợ của quốc gia hoặc tạo ra các vấn đề bất công bằng khác ảnh hưởng tới nền kinh tế", báo Mỹ viết.

Kinh tế TQ lập kỷ lục lao dốc mới: Bề nổi của tảng băng chìm khiến Bắc Kinh đau đầu - Ảnh 1.

Sản xuất xe hơi được đánh giá là lĩnh vực khiến kinh tế Trung Quốc suy thoái trầm trọng trong năm vừa qua. Ảnh: NYT

Kinh tế tăng trưởng kém

Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp để hồi sinh kinh tế vào cuối năm ngoái, điều này được phản ánh trong các dữ liệu. Doanh số bán lẻ và sản phẩm công nghiệp tháng 12 tăng hơn tháng 11.

Tuy nhiên, những dữ liệu hàng tháng này không thể bù đắp hoàn toàn cho hiệu suất ảm đạm trong nửa cuối năm ngoái. Trong 6 tháng, doanh số bán lẻ đình trệ đáng kể thông qua sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất ô tô và điện thoại thông minh. Đầu tư vào tài sản cố định như nhà máy mới và tòa nhà văn phòng còn thấp.

"Nền kinh tế Trung Quốc đã suy thoái đáng kể trong những tháng gần đây", ông Louis Kuijs, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics.

Trong bối cảnh rộng hơn, nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng, theo dữ liệu chi tiết hơn, tình hình suy thoái kinh tế của Trung Quốc còn tồi tệ hơn dữ liệu của chính phủ. Một số nhà kinh tế nhận định, tăng trưởng chỉ là một phần nhỏ của số liệu chính thức, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế tin rằng con số thực chỉ thấp hơn một hoặc hai phần trăm so với con số chính thức.

Theo NYT, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu sự cải thiện trong tháng 12 có thể sẽ kéo dài được đến đầu năm 2019 hay không. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không làm tăng khoản nợ khổng lồ tích lũy trong thập kỷ qua.

Các vấn đề kinh tế của Trung Quốc bắt đầu trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Nói cách khác, chiến tranh thương mại không phải là điểm mấu chốt.

Gần đây, hoạt động của nhiều nhà máy xuất khẩu cũng bị chậm lại. Rất nhiều nhà máy đã vội vã vận chuyển hàng hóa đến Mỹ vì lo sợ Washington tăng thuế vào ngày 1/1 nhưng việc này đã không xảy ra, khiến nhà kho chứa đầy hàng hóa. Trong khi nhiều nhà máy khác lại hủy tăng ca và tìm cách để cắt giảm chi phí lao động.

Một số nhà kinh tế chỉ ra rằng, yếu tố lớn nhất gây ra sự suy thoái trong lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc là sự sụt giảm mạnh về doanh số xe hơi, một số chuyên gia ước tính rằng, con số này chiếm một nửa hoặc nhiều hơn số liệu suy thoái.

"Vì chỉ số thị trường năm 2017 cao nên sang năm 2018, thị trường ô tô Trung Quốc đã chịu áp lực rất lớn", Ông Thôi Đông Thụ - Tổng thư ký hiệp hội thị trường xe ô tô Trung Quốc nói.

Sự sụt giảm doanh số của các đại lý ô tô đã khiến một làn sóng các nhà máy lắp ráp cắt giảm sản xuất trên khắp Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn tới sự cắt giảm nhu cầu từ các lĩnh vực linh kiện ô tô, thép, thủy tinh và các vật liệu khác.

Tuy nhiên, theo ông Liên Duy Lương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách để ổn định tiêu thụ ô tô và đồ gia dụng.

Chính phủ Trung Quốc đã cho phép nhiều thành phố thúc đẩy các dự án lớn như xây dựng tàu điện ngầm mới và rót thêm tiền vào hệ thống tài chính. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã cam kết cắt giảm thuế để hỗ trợ, củng cố niềm tin đối với các doanh nghiệp.

Những nỗ lực này "sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nửa cuối năm nay", Thẩm Kiến Quang, chuyên gia kinh tế của nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc Jingdong nói.

Trung Quốc vẫn có một lựa chọn quan trọng: giúp thị trường bất động sản tuy nhiên theo ông Uông Đào, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS thì sự nới lỏng đối với lĩnh vực bất động sản sẽ được coi như biện pháp cuối cùng chứ không phải ưu tiên hàng đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại