Kinh tế thế giới sắp ảm đạm vì cuộc chiến ở Ukraine

MINH KHÔI |

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dự báo kinh tế thế giới sắp tới sẽ rất ảm đạm do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine. Trong đó có dự báo kinh tế Đức sẽ suy thoái vào năm 2023 và tăng trưởng ở Trung Quốc giảm mạnh.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dự báo kinh tế thế giới sắp tới sẽ rất ảm đạm - Ảnh: UNPLASH

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dự báo kinh tế thế giới sắp tới sẽ rất ảm đạm - Ảnh: UNPLASH

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 26-9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khẳng định cuộc xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát.

Tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) cho biết các đợt bùng phát COVID-19 vẫn đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong khi tăng trưởng kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng.

"Một số chỉ số đã chuyển biến theo chiều hướng xấu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu trở nên ảm đạm", OECD cho biết.

Tăng trưởng toàn cầu không chỉ chậm lại trong quý 2 năm nay mà còn tiếp diễn ở giai đoạn kéo dài sau này.

OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống 2,2%, giảm so với 2,8% trong ước tính vào tháng 6.

Suy thoái kinh tế

Triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả quốc gia trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) đều giảm, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh được dự báo sẽ không tăng trưởng.

Tăng trưởng của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - được dự báo sẽ chậm lại 0,5% vào năm 2023.

Dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc giảm còn 3,2% trong năm nay và 4,7% cho năm tới. Kinh tế nước này bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt phòng COVID-19.

Dự kiến Đức sẽ rơi vào suy thoái kinh tế vào năm 2023. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga.

Mức tăng trưởng dự báo cho khu vực đồng euro nói chung chỉ 0,3%, giảm mạnh so với dự báo trước đó là 1,6%.

Bất ổn gia tăng

Chiến sự Ukraine đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt do lo ngại về nguồn cung, vì Nga là nhà xuất khẩu dầu khí lớn trong khi Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt cho toàn cầu.

Lạm phát đã gia tăng trước khi xung đột diễn ra, do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa phòng COVID-19.

"Ảnh hưởng của chiến tranh và tác động liên tục của các đợt bùng phát COVID-19 ở một số nơi trên thế giới đã làm giảm tốc độ tăng trưởng và gây thêm áp lực lạm phát", OECD cho biết.

OECD đã nâng dự báo lạm phát của G20 lên 8,2% cho năm nay và 6,6% cho năm tới.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất. Đây được cho là động thái cần thiết để kiềm chế lạm phát, nhưng cũng có thể đẩy các nền kinh tế vào suy thoái.

OECD nhận định thắt chặt tiền tệ là "yếu tố chính làm chậm tăng trưởng toàn cầu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại