Kinh tế "ôm bom nổ chậm", Trung Quốc đối mặt với nhận thức chung đáng sợ từ Mỹ

Gia Hân |

Theo New York Times, hiện nay ở Mỹ nỗi lo ngại về Trung Quốc đã lan rộng khắp chính quyền, từ Nhà Trắng cho đến Quốc hội và các cơ quan liên bang.

Cùng với căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với thách thức đến từ vấn đề thất nghiệp và nợ nần trong khi những e ngại đang lây lan trong giới tinh anh Mỹ.

Áp lực bủa vây

Chiều 31/7, đàm phán thương mại vòng 12 tại Thượng Hải kết thúc sớm hơn dự định nửa tiếng. Quan chức Mỹ-Trung rời phòng họp mà không có bất cứ phát biểu công khai nào. Sau đó, đoàn Mỹ ra thẳng sân bay. Giới phân tích tin rằng hai bên chưa đạt được tiến triển cụ thể.

Điều này có nghĩa cây gậy thuế quan nhằm vào 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại vốn đang treo lơ lửng có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Chính vì nỗi lo lắng đó, không ít doanh nghiệp đã di chuyển hoặc lên kế hoạch di chuyển khỏi Trung Quốc. Nhưng ngay cả trong trường hợp Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận, kinh nghiệm quá khứ sẽ buộc không ít doanh nghiệp tìm cách phân tán rủi ro, tránh đặt hết "trứng" vào "rổ" Trung Quốc. Vì thế, vấn đề doanh nghiệp di chuyển khỏi Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tuy doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm chưa đầy 3% tổng số doanh nghiệp ở Trung Quốc, nhưng lại đóng góp gần 50% giá trị thương mại đối ngoại, trên 25% lợi nhuận doanh nghiệp ngành công nghiệp và 20% thu nhập từ thuế.

Năm 2017, doanh nghiệp nước ngoài đã tạo ra 43,2% trong thặng dư thương mại của Trung Quốc.

Kinh tế ôm bom nổ chậm, Trung Quốc đối mặt với nhận thức chung đáng sợ từ Mỹ - Ảnh 1.

Trung tâm kinh tế Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Lucas Schifres | Getty Images

Tại 4 thành phố cấp 1 của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ: Quảng Châu có hơn 20.000 doanh nghiệp nước ngoài, đóng góp trên 62% tổng giá trị công nghiệp toàn thành phố. Tỉ lệ này ở Thượng Hải là 2/3 và ở Thâm Quyến là 70%.

Như vậy có thể nói doanh nghiệp nước ngoài chính là cột đỡ kinh tế cho toàn bộ 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc.

Ở các thành phố lớn khác như Tô Châu, Hạ Môn… đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài đều chiếm ưu thế áp đảo. Điều này giải thích tại sao trong bối cảnh chiến tranh thương mại gia tăng, Trung Quốc ra sức trải thảm đỏ để giữ chân doanh nghiệp nước ngoài.

Nhưng áp lực đối với kinh tế Trung Quốc còn đến từ nhiều nhân tố khác, nhất là vấn đề nợ. Theo tiêu chuẩn quốc tế, ngưỡng cảnh báo nằm ở mức nợ tương đương 130% GDP.

Nhưng mới đây, Viện Tài chính quốc tế (IIF) công bố báo cáo cho thấy tổng nợ của Trung Quốc đã tăng từ mức 297% GDP trong quý I/2018 lên trên 303% GDP trong quý I/2019, chiếm khoảng 15% tổng nợ toàn cầu.

Bloomberg cho rằng nhằm cứu kinh tế tránh để bị trượt dốc, Bắc Kinh chấp nhận để nợ tăng lên. Một trong những bằng chứng là vào tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã cho phép ngân hàng thử nghiệm bán trái phiếu nhà nước cho doanh nghiệp dân doanh vừa và nhỏ với quy mô lên tới 180 tỷ Nhân dân tệ.

Trên thực tế, về mặt chính thức, theo Forbes, nợ của Trung Quốc là một con số nhỏ, chỉ tương đương 47,6% GDP còn về mặt không chính thức, rất khó có thể đưa ra con số chính xác. Bởi ở Trung Quốc, ngân hàng thuộc sở hữu của chính quyền cấp tín dụng cho các nhà thầu, nhà sản xuất thép, nhà khai khoáng cũng thuộc chính quyền.

Như vậy, chính quyền vừa là người cho vay, vừa là người đi vay. Nói cách khác, nhánh này của chính quyền cho nhánh khác của chính quyền vay và điều này dẫn tới rủi ro tiềm tàng của một sự sụp đổ mang tính hệ thống.

Rủi ro này khó có thể giảm xuống khi tăng trưởng GDP giảm tốc còn chính quyền địa phương dường như chỉ còn cách tăng cường vay mượn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để kích thích kinh tế vì hai động lực tăng trưởng còn lại là xuất khẩu và tiêu dùng đều đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.

Con số không đơn giản

Ngày 30/7, Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhóm họp phân tích tình hình kinh tế hiện nay và bố trí công tác kinh tế 6 tháng cuối năm 2019.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, hội nghị nhận định rằng: Sự nghiệp phát triển kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với những rủi ro, thách thức mới, áp lực tăng trưởng kinh tế giảm tốc gia tăng, cần phải tăng cường ý thức lo cho khó khăn, nỗ lực biến nguy cơ thành cơ hội.

Trước đó, Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy tăng trưởng GDP quý II/2019 của nước này chỉ đạt 6,2%, thấp nhất trong 27 năm, nhưng xem ra kinh tế Trung Quốc bước vào quý III/2019 với những thách thức còn nghiêm trọng hơn cả 2 quý trước.

Theo báo cáo của Tập đoàn Tài chính quốc tế Trung Quốc (CICC), từ tháng 7/2018 tới cuối tháng 5/2019, ngành chế tạo Trung Quốc mất khoảng 5 triệu việc làm, trong đó khoảng 1,8 triệu - 1,9 triệu liên quan tới chiến tranh thương mại Trung-Mỹ.

Nếu nhìn về ngoài, số lượng mất việc chiếm tỉ lệ nhỏ (0,7%) trong tổng số việc làm ở Trung Quốc, chỉ gây ra ảnh hưởng hạn chế. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy.

Thứ nhất, báo cáo của CICC chưa thống kê ảnh hưởng của việc Mỹ nâng thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, do vậy, số lượng mất việc vì chiến tranh thương mại có thể lớn hơn nhiều.

Trong một viễn cảnh bi quan, chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang và Mỹ áp thuế bổ sung đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, mức độ nghiêm trọng sẽ còn gia tăng.

Thứ hai, năm nay Trung Quốc có tổng cộng 8,34 triệu sinh viên ra tốt nghiệp ra trường, tháng 7 và tháng 8 là cao điểm. Làm sao có thể "tiêu hóa" hết lượng sinh viên ra trường này quả thực là thách thức đối với Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế đi xuống như hiện nay.

Kinh tế ôm bom nổ chậm, Trung Quốc đối mặt với nhận thức chung đáng sợ từ Mỹ - Ảnh 2.

Sinh viên Trung Quốc tại một trường học ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tháng 6/2019 ở đô thị là 5,1%, cao hơn 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng nếu chỉ nhìn vào số liệu sẽ không thấy hết được tình hình thực tế. Mức độ dịch chuyển của người dân Trung Quốc tương đối lớn, số liệu các bộ ngành đưa ra lại không hoàn chỉnh đã ảnh hưởng tới tính chính xác của điều tra về tình trạng thất nghiệp.

Cho nên, khi hơn 8 triệu lao động đồng thời tiến vào thị trường lao động, tình hình sẽ không lạc quan như những thông báo chính thức.

Thứ ba, điều tra tỉ lệ thất nghiệp ở đô thị của Trung Quốc chưa bao gồm hàng triệu công nhân xuất thân từ nông thôn. Những ngành nghề thu nhập thấp mà họ góp mặt đang chịu tổn thất lớn từ biện pháp thuế quan của Mỹ.

Nhiều cơ quan truyền thông cho hay mấy tháng trước, hàng loạt công nhân xuất thân từ nông thôn đã trở về quê. Sự góp mặt của họ trong đội ngũ thất nghiệp có thể trở thành nhân tố dẫn tới bất ổn định xã hội.

Nhận thức chung đáng sợ

Đầu tháng 7, hơn 90 chuyên gia vấn đề châu Á của Mỹ, bao gồm một số cựu quan chức ngoại giao đã đăng tải một bức thư công khai trên tờ Washington Post gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc hội Mỹ, nói rằng "Trung Quốc không phải là kẻ địch" và việc quan hệ hai nước xấu đi không phù hợp với lợi ích của Mỹ và toàn thế giới.

Nhưng sự kiện này nhanh chóng bị chìm lấp bởi việc hơn 130 chuyên gia khác công khai gửi thư tới ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng yêu cầu thực hiện chính sách đối kháng với Trung Quốc.

Bức thư này có đoạn: "Trong 40 năm qua, chính sách mở cửa tiếp xúc với Trung Quốc của Mỹ đã khiến an ninh quốc gia của Mỹ không ngừng bị suy yếu. Không thể để tình trạng này tiếp tục được".

Theo tờ New York Times, hiện nay ở Mỹ nỗi lo ngại về Trung Quốc đã lan rộng khắp chính quyền, từ Nhà Trắng cho đến Quốc hội và các cơ quan liên bang.

Thái độ bài Trung Quốc đã lan rộng nhanh chóng từ thành viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cho tới lãnh đạo các công đoàn. Rốt cuộc, sự trỗi dậy của Bắc Kinh được nhìn nhận như mối đe dọa kinh tế, an ninh quốc gia và thách thức trật tự của thế kỷ 21.

Đồng thời, ngày càng có nhiều người ở Washington xem việc tách rời hai nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi, trong đó có nhiều thành viên của Ủy ban về các mối nguy hiện tại.

Ủy ban này ra đời từ Chiến tranh Lạnh, vận động chống lại các hiểm họa của Liên Xô trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, lâu nay không còn hoạt động. Nhưng với sự giúp đỡ của Stephen Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ủy ban về các mối nguy hiện tại đã hồi sinh để cảnh báo về những hiểm họa của Trung Quốc.

Điều đáng nói là dù một thời bị coi là bài ngoại và là thành phần bên lề ở Mỹ, nhưng giờ đây quan điểm của ủy ban ngày càng được chấp nhận ở Washington dưới thời ông Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại