Kinh tế 3 địa phương dự kiến lên TP trực thuộc trung ương tăng trưởng ra sao trong năm 2022?

Giang Anh |

Theo quyết định 241/QĐ-TTg về kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc trong giai đoạn 2021-2030, Khánh Hòa, Bắc Ninh và Thừa Thiên Huế là 3 địa phương đang được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của 3 địa phương này đang có kết quả ra sao trong năm 2022?

Khánh Hoà

Theo Cục Thống kê Khánh Hoà, trong năm 2022, kinh tế - xã hội năm 2022 phục hồi rõ nét và đạt được kết quả quan trọng, nhiều lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (theo giá so sánh 2010) năm 2022 ước được 54.505,2 tỷ đồng, tăng 20,7% so năm 2021, tăng cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, Khánh Hoà trở thành tỉnh có tốc độ tăng GRDP cao nhất cả nước (6 tháng đầu năm tăng 12,5%; 6 tháng cuối năm tăng 29,24%).

Quy mô nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa ước năm 2022 được 95,97 nghìn tỷ đồng xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 6 so với 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Cơ cấu nền kinh tế, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,2%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 32,39%, ngành dịch vụ chiếm 46,53%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,88% (cơ cấu tương ứng năm 2021 là: 12,91%; 30,88%; 45,33%; 10,88%).

GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 76,54 triệu đồng, tăng 22,34% so năm 2021. Năng suất lao động (theo giá hiện hành) năm 2022 ước được 147,18 triệu đồng/lao động, tăng 11,59% so năm 2021.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tháng 12/2022 ước được 1.070,8 tỷ đồng: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 100,2 tỷ đồng và thu từ SXKD trong nước 970,6 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước được 16.016 tỷ đồng, bằng 133,3% dự toán và tăng 13,78% so năm 2021: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3.316 tỷ đồng, bằng 159,81% và tăng 59,09%; thu từ SXKD trong nước 12.700 tỷ đồng, bằng 127,77% và tăng 5,9%.

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương tháng 12/2022 ước được 4.305 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 1.900,3 tỷ đồng; chi thường xuyên 2.264,7 tỷ đồng.

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương năm 2022 ước được 14.126 tỷ đồng, bằng 132,89% dự toán và tăng 26,88% so năm 2021, trong đó chi đầu tư phát triển được 5.828,9 tỷ đồng, bằng 163,31% và tăng 69,71%; chi thường xuyên 8.154,7 tỷ đồng, bằng 118,94% và tăng 6,06%.

Bắc Ninh

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Cục Thống kê Bắc Ninh cho biết, GRDP năm 2022 ước tính tăng 7,39% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng, cao nhất trong giai đoạn 2019-2022.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) tăng 0,52% và đóng góp 0,02 điểm phần trăm tăng trưởng chung; công nghiệp-xây dựng (CN-XD) tăng 6,49% và đóng góp nhiều nhất 4,92 điểm phần trăm (riêng ngành công nghiệp tăng 6,93% và đóng góp 5,03 điểm phần trăm); các ngành dịch vụ tăng nhiều nhất 13,67% và đóng góp 2,34 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,83% và đóng góp 0,11 điểm phần trăm.

Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2022 ước đạt 248.376 tỷ đồng. Trong đó khu vực NLTS ước đạt 6.294 tỷ đồng, chiếm 2,53%; khu vực CN-XD ước đạt 190.015 tỷ đồng, chiếm 76,5%; khu vực dịch vụ ước đạt 42.766 tỷ đồng, chiếm 17,22% và thuế sản phẩm ước đạt 9.300 tỷ đồng, chiếm 3,74% (cơ cấu năm 2021 tương ứng là: 2,70%; 77,33%; 16,07% và 3,90%).

Năm 2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn mặc dù vượt dự toán 1,1%, nhưng tốc độ thu ngân sách sụt giảm (-7%) so với cùng kỳ năm 2021, do 2 khoản thu đạt thấp so với dự toán là thu từ thuế bảo vệ môi trường và thu tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, còn chịu ảnh hưởng bởi chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Tương tự chi ngân sách địa phương giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt 87,6% dự toán năm 2022.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, báo cáo cho biết, trong năm 2022, Bắc Ninh đã thu hút được 150 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 19 dự án) so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới đạt 419 triệu USD (giảm 785 triệu USD).

Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 129 dự án (tăng 25 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng 1.760 triệu USD, (tăng 1.515 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 46 lượt (giảm 34 lượt) với giá trị là 48 triệu USD (giảm 110 triệu USD); thu hồi 48 dự án (tăng 3 dự án) với tổng vốn đầu tư là 103 triệu USD (giảm 140 triệu USD).

Thừa Thiên Huế

Theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2022 của tỉnh ước đạt 8,56%, vượt kế hoạch. Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 10,02%; khu vực dịch vụ tăng 11,03%; khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm (3,26%); khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,83%.

Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước đạt 66.348 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 ước đạt 57 triệu đồng, tương đương 2.429 USD, tăng 10,9% so cùng kỳ, vượt 79 USD so với kế hoạch.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.781 tỷ đồng, vượt 86,3% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách ước đạt 11.791 tỷ đồng, bằng 98,9% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.230 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ, đạt 109% kế hoạch.

Về tình hình thu hút đầu tư, Cục Thống kê địa phương cho hay, tính đến 20/12/2022, tỉnh đã cấp phép cho 29 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới với vốn đầu tư cấp mới đạt 14.602 tỷ đồng (gồm 5 dự án FDI với vốn đăng ký 231,7 triệu USD, tương đương 5.321,5 tỷ đồng); điều chỉnh tăng/giảm vốn đăng ký với vốn tăng thêm sau điều chỉnh 427,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 8 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 5.500 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại