Theo ghi nhận, bất chấp những biện pháp tăng cường bảo vệ mà binh sĩ Ukraine gia cố cho pháo tự hành M109 Paladin, cỗ máy này vẫn không chống chịu được đòn tấn công của UAV cảm tử Lancet.
Truyền thông Nga cho biết, Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất 48 đơn vị trên tổng số 90 khẩu đã được giao. Xét về tổn thất, M109 Paladin dẫn đầu trong số các loại pháo tự hành phương Tây viện trợ Kyiv.
Pháo tự hành M109 Paladin nguyên bản có nguồn gốc từ Mỹ, nhưng vào những thời điểm khác nhau, chúng đã trải qua một số chương trình hiện đại hóa ở các quốc gia vận hành.
Những khẩu pháo tự hành đầu tiên được giao cho Ukraine có nguồn gốc từ Na Uy, quá trình trên diễn ra vào tháng 5 năm 2022, với tổng cộng 22 hệ thống đến từ quốc gia Bắc Âu.
Tổn thất với pháo tự hành M109 gần như bắt đầu ngay lập tức sau khi vũ khí này được binh sĩ Ukraine triển khai đến tiền tuyến, cụ thể là vào đầu tháng 6 năm 2022.
Trong trận giao tranh, một trong các khẩu đội M109 đã bị pháo binh Nga bao vây, hậu quả là một khẩu Paladin phát nổ, và 3 khẩu khác bị hư hỏng nặng, bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Sau đó, 20 khẩu M109 khác được chuyển đến từ Anh, 6 khẩu do Latvia cung cấp và khoảng 20 nữa từ Ý, cộng thêm 18 đến trực tiếp từ Hoa Kỳ.
Đáng chú ý là binh sĩ Ukraine đã nhận được biến thể mới nhất - M109A6 Paladin, chúng được coi là có tính năng kỹ chiến thuật sánh ngang với PzH 2000 do Đức sản xuất.
Biến thể này có tháp pháo mới vững chắc hơn, bổ sung khí tài định vị vệ tinh và hệ thống liên lạc được hiện đại hóa, nhưng nếu bị vũ khí Nga tấn công, chúng vẫn bốc cháy và phát nổ giống như những phiên bản cũ trước đó.
Các loại pháo tự hành của Quân đội Ukraine có mặt trên chiến trường.