Cô gái trẻ bị tai nạn từ nhỏ dẫn đến khiếm khuyết mũi, dù trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tại bệnh viện nhưng đều không ưng ý. Khuyết tật trên cơ thể khiến cô tự ti và gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống. Tốt nghiệp ngành ngân hàng, cô muốn tìm một công việc phù hợp với chuyên môn. Nhưng với ngoại hình không hoàn hảo, dường như cánh cửa phía trước bỗng đóng lại.
Khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra...
Cô gái trẻ tìm đến xưởng chân tay giả thẩm mỹ Prosiltech tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) của hai anh Đào Văn Phúc, 42 tuổi, quê Thái Bình và Trần Huy Hiệp, 32 tuổi, quê Quảng Ninh.
"Mũi giả là một sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao và ở Việt Nam chưa có đơn vị nào làm", anh Phúc xem đây là một thách thức lớn, vì mũi giả gắn trực tiếp lên mặt – một vị trí rất dễ bị lộ, yêu cầu tính cẩn thận và sự khéo léo cực cao.
Sau nhiều lần thất bại, chiếc mũi giả silicone gắn vừa khít trên gương mặt. Cô gái trẻ rất hạnh phúc, tự tin gặp mọi người và đặc biệt sau đó đã xin được việc làm tại một ngân hàng trong nước. Đây là một trong nhiều khách hàng mà bốn năm qua, nhóm anh Phúc từng làm việc.
Cô gái trẻ bị khiếm khuyết mũi do tai nạn giao thông, được nhóm anh Phúc và anh Hiếu chế tạo chiếc mũi giả từ silicone
Sản xuất chân tay giả thẩm mỹ bằng silicone xuất phát từ công việc trước đây của anh Hiệp tại một đơn vị xét nghiệm. Khi quan sát những bệnh nhân mất/khuyết chi đến thăm khám và nhận về những sản phẩm không chất lượng, anh đã nảy ra ý định tự chế tạo những sản phẩm như bàn tay, chân, tai, mũi... từ silicone. Trong khi đó, anh Phúc lại chuyên về silicone và khuôn mẫu.
Năm 2018, tình cờ một lần gặp nhau, cả hai đã quyết định cùng kết hợp, mở ra trung tâm sản xuất chân tay giả silicone, với sứ mệnh mang lại sự tự tin và niềm vui trong cuộc sống cho khách hàng khiếm khuyết.
Khi mới bắt đầu, hai anh Phúc và Hiệp nghiên cứu dựa trên một số sản phẩm của nước ngoài. Khó khăn lớn nhất chính là tìm nguyên vật liệu khi mà Việt Nam không có sẵn silicone, phải nhập khẩu.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng phải thử nhiều loại nguyên vật liệu để tìm kiếm loại phù hợp với điều kiện thời tiết, nhiệt độ của Việt Nam, cũng như đặc điểm màu da của người Việt", anh Phúc nói.
Thất bại trong giai đoạn đầu nghiên cứu và thử nghiệm là điều không thể tránh khỏi. Do chưa có kinh nghiệm, lại là sản phẩm tiên phong, nên cả hai vừa mạo hiểm vừa làm. Thử và thất bại nhiều lần, nhóm mới đúc kết được thành quả cuối cùng, là sản phẩm chuẩn chỉnh nhất.
Anh Đào Văn Phúc (bên trái) cùng người cộng sự Trần Huy Hiệp
Về cơ bản, để chế tác một bộ phận giả bằng silicone gồm 5 bước cơ bản. Đầu tiên, kỹ thuật viên sẽ lấy mẫu của khách hàng. Thời gian đầu, trung tâm yêu cầu khách đến trung tâm để tiện lấy mẫu, đo kích thước chính xác và so sánh màu da.
Tuy nhiên dịch bệnh kéo dài, nhóm bắt đầu nghiên cứu bộ kit lấy mẫu có thể gửi đến mọi tỉnh thành. Khách hàng ở xa sẽ tự lấy mẫu bộ phận theo hướng dẫn, đảm bảo đúng yêu cầu về kích thước, chi tiết. Những trường hợp khó lấy mẫu, sẽ được tư vấn scan hình 3D. Sau đó, các mẫu được gửi lại cho nhóm, để chỉnh sửa mẫu bằng đất sáp; dùng silicone làm khuôn và đúc thành sản phẩm.
Công đoạn cuối cùng và cũng khó nhất, chiếm nhiều thời gian nhất, chính là tạo màu thẩm mỹ và chỉnh sửa màu sao cho khớp với màu da khách hàng. Riêng các với đốt ngón tay, chân, mũi có mỏm cụt (phần đốt thừa) ngắn tai, phần da che sẹo buộc phải dùng keo chuyên dụng để cố định.
"Không khó để tạo ra một sản phẩm giống như thật. Nhưng để màu sản phẩm đó khớp 100% với màu da của khách hàng, thực sự là một thử thách. Đặc điểm người châu Á có nhiều màu sắc trên da và mỗi thời điểm trong ngày, tay/chân chúng ta lại thay đổi màu sắc", anh Phúc giải thích.
Những mô hình bàn tay, ngón tay do nhóm sản xuất
Những ngón tay giả khớp với màu da của khách hàng làm một thử thách với nhóm
Bên cạnh sản phẩm chính là chân tay giả, nhóm anh Phúc và anh Phiếu còn chế tạo tai giả mà nếu nhìn qua, không thể phân biệt
Những năm qua, nhóm của anh Phúc và anh Hiệp đã tạo ra được các bộ phận giả như tay, chân, ngón tay, ngón chân, tai và mũi. Đến nay, số lượng sản phẩm chiếm nhiều nhất là ngón tay. Được làm tỉ mỉ cẩn thận dựa trên kích cỡ và màu da của khách hàng nên sự tương đồng với bộ phận thật lên đến 90%. Khi khách hàng đeo sản phẩm mà người thân ngồi đối diện trong khoảng 1,5m bằng mắt thường không nhận ra sự khác biệt, có nghĩa là sản phẩm đạt chuẩn.
Với mỗi ngón tay, ngón chân, trung bình thời gian sản xuất từ 1 tuần đến 10 ngày. Bàn tay/ bàn chân đòi hỏi 1 tháng. Trong khi đó, tai và mũi cần 1 tháng hoặc hơn.
"Chúng tôi luôn luôn cố gắng tạo những mẫu sản phẩm giống thật với cá nhân từng người, nên chúng tôi đều tạo một mẫu riêng tương ứng. Mỗi người lại có kiểu tay/chân, kích thước, màu sắc khác nhau, chúng tôi làm thủ công ở mọi công đoạn để đạt độ tinh xảo cao nhất có thể, nên sẽ mất nhiều thời gian hơn", anh Phúc nói.
Mức giá dao động từ 1 triệu, cao nhất là 20 triệu đồng tuỳ vào độ khó của sản phẩm. Độ bền có thể 1 - 3 năm hoặc hơn, nhưng cũng có khi chỉ là vài tháng, phụ thuộc vào cường độ sử dụng của người sử dụng. Nếu người dùng biết giữ gìn, sử dụng đúng theo hướng dẫn thì sản phẩm sẽ được bền lâu.
"Chúng tôi bảo hành các lỗi rách, hỏng trong 6 tháng nếu khách hàng sử dụng đúng cách, không gây ra hư hỏng trong quá trình sử dụng", anh Phúc cho biết.
Bàn tay bị dị tật trước và sau khi đeo ngón tay giả
Nếu không quan sát cẩn thận, người đối diện khó phát hiện ngón tay giả
Mô hình bàn chân người giống như thật
Tệp khách hàng của nhóm đa phần là người làm trong các làng nghề cơ khí, mộc, không may bị mất một phần cơ thể trong quá trình đi làm, số còn lại là dị tật bẩm sinh hoặc tai nạn giao thông. Kinh doanh ai cũng muốn mình có nhiều khách hàng, bán được nhiều sản phẩm, nhưng anh Phúc nói "đông khách cũng đồng nghĩa với việc phải nghe nhiều hơn những câu chuyện buồn, gặp nhiều hơn những hoàn cảnh éo le, thấy nhiều hơn những ánh mắt u sầu".
Mỗi khi khách hàng tìm đến, sử dụng sản phẩm và trở nên tự tin hơn trong cuộc sống, công việc và giao tiếp hàng ngày, chính là động lực rất lớn cho anh Phúc và anh Hiếu. Mặc cảm của phần lớn người khuyết tật là cảm giác tự ti khi thiếu đi một phần của cơ thể mình. Nhưng khi bộ phận đó đã được "lấp đầy", họ không còn mặc cảm nữa.
"Mỗi lần đọc được những lời cảm ơn, những câu nói tự tin của khách hàng, chúng tôi rất vui và hạnh phúc, có cảm hứng để tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm hoàn thiện hơn", anh Phúc tâm sự.
Hiện, nhóm anh Phúc đang nghiên cứu và hoàn thiện mắt giả - sản phẩm được đánh giá khó nhất, trải qua nhiều lần thử nghiệm nhưng chưa thu được thành quả cuối cùng. Thời gian tới, nhóm mong muốn mở rộng cơ sở sản xuất để giúp khách hàng trên khắp cả nước dễ dàng tiếp cận sản phẩm. Anh hi vọng xưởng có thêm nhân lực, từ đó tăng số lượng sản phẩm hoàn thiện trong ngày.