Xếp hàng, tự bê, trả tiền trước để ăn phở giá cao
Ở Hà Nội, nhiều hàng phở giá cao, chỗ ngồi chật hẹp nhưng vẫn đắt khách. Có khi thực khách phải xếp hàng vất vả, trả tiền trước, tự bê đi tìm bàn rồi mới được ăn.
Nhiều thực khách tìm tới quán phở trên phố Yên Ninh (Ba Đình, HN) không hẳn vì chất lượng đồ ăn, mà để thử cảm giác "đắt xắt ra miếng" như thiên hạ đồn thổi. Phở gà ở đây được bán ra với nhiều mức giá, từ 60.000 đến 150.000 đồng/bát tùy loại.
Tuy khách đông nhưng thái độ phục vụ của chủ quán rất hòa nhã. Theo chia sẻ của một nữ khách hàng, ở HN, quán càng ngon thì càng đông, khách hàng lại phải chịu cảnh "bún mắng cháo chửi".
Chẳng ngại nóng, chẳng ngại mỏi, những vị khách của một quán phở ở đầu phố Hàng Trống có thể xếp hàng hoặc chấp nhận chờ lâu chỉ để được ăn một bát phở bưng tại đây. Đó là một hàng phở nhỏ, chẳng có biển hiệu, chẳng có bàn, chẳng có cửa hàng, chỉ có độc một vài người bán bên nồi nước dùng, rổ phở rổ thịt và hơn chục cái ghế để khách ngồi ăn. Vậy mà, hàng phở ấy chẳng bao giờ ngơi khách.
Một hàng phở trên phố Bát Đàn nhiều năm qua luôn trong cảnh khách phải xếp hàng mỗi buổi sáng. Khách đến đây sau khi xếp hàng mỏi chân sẽ trả tiền trước, chờ và tự bưng bê. Có những khi chưa có chỗ trống, khách đành phải bê bát phở nóng đợi khi nào có người khác đứng lên liền chạy tới giành chỗ.
Tại một hàng phở bò tái lăn trên phố Lò Đúc, khách đến ăn sáng nhiều khi khách phải trả tiền trước rồi mới bê bát phở tìm chỗ ngồi.
Hàng phở trên phố Hai Bà Trưng từng chỉ bán vỉa hè nhưng giá cao vọt so với các quán phở thông thường. Mới đây, chỗ ngồi của khách đã được chuyển vào trong nhà nhưng rất chật chội. Dù đắt nhưng quán vẫn rất đông.
Một quán phở trên phố Hàng Giầy cũng có giá cao 50.000 đồng/bát. Quán có diện tích chưa đầy 10m2. Vào những giờ cao điểm, đông khách, chủ quán còn để ghế ra vỉa hè ngồi.
Dân Thủ đô chen lấn mua 'đặc sản' gà thải loại
Những ngày đầu tháng 9, nhiều người tỏ ra mệt mỏi khi phải xếp hàng dài, chen lấn để mua hàng tại Lotte Center, một trong những trung tâm thương mại mới dành cho giới nhà giàu Hà Nội.
Để mua được con gà quay giá chỉ 70.000 đồng, không ít người phải xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ tại siêu thị. Thực chất, đây là gà thải loại có nguồn gốc từ Hàn Quốc.
Xếp hàng mua bắp rang bơ 4.000 đồng
Một cửa hàng bắp rang bơ ở cuối phố Hàng Bông luôn tấp nập, nhộn nhịp bởi nhiều người xếp hàng mua. Nhân viên cửa hàng làm việc hết công suất nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với sức mua của khách hàng.
Im lặng xếp hàng mới được mua xôi
Ở phố cổ Hà Nội, có một hàng xôi "xếp hàng" rất nổi tiếng với tấm biển "khách tới mua xôi, yêu cầu nói nhỏ để mọi người xung quanh còn ngủ". Ngày lễ tiến Táo quân về trời, cảnh đông đúc diễn ra từ tờ mờ sáng với sự im lặng khá đặc trưng...
Từ 6 giờ đến hơn 8 giờ, vỉa hè trước cửa số nhà 44 phố Hàng Hòm (Hoàn Kiếm - Hà Nội) lại đông nghẹt người mua xôi giá chỉ 5.000 đồng. Chủ quán còn phải treo biển nhắc nhở người tới mua xôi “nói đủ nghe, để xe gọn gàng”.
Đội mưa xếp hàng mua bánh trôi, bánh chay
Ngày Tết hàn thực, dòng người rồng rắn xếp hàng chờ đợi mua bánh trôi bánh chay tại một cửa hàng chè gia truyền có tiếng trên phố Ngô Thì Nhậm.
Mặc dù đúng 3-3 Âm lịch cửa hàng chỉ bán bánh trôi, bánh chay, "dẹp" hết các loại chè, nhưng do khách mua quá đông nên bánh làm ra vẫn không kịp để bán cho khách. Giá bánh ở đây gần gấp đôi bánh bán nơi khác, nhưng dòng người xếp hàng mua vẫn kéo dài không ngớt.
Xếp hàng chờ mua bánh chưng, giò chả
Vào dịp Tết, cảnh người xếp hàng trước cửa hiệu bánh chưng, giò chả có tiếng trên phố Hàng Bông đã không còn lạ.
Cửa hàng không nhận bánh đặt, ai đến mua cũng đều phải xếp hàng, đến trước mua trước. Riêng chả giò chỉ bán mỗi người một chiếc vì số lượng có hạn, còn bánh chưng thì muốn mua bao nhiêu cũng được.
Đánh chửi nhau vì xếp hàng mua bánh trung thu
Chuyện người dân xếp hàng dài hàng km, chờ vài tiếng đồng hồ để mua được hộp bánh trung thu cổ truyền trên phố Thụy Khuê, Tây Hồ cũng đã quen thuộc với người dân Hà Nội.
Từ tinh mơ, nhiều người đã đổ xô tới cửa hàng "xí chỗ". Càng gần tới Trung thu, lượng người đổ về càng lớn. Từ chiếc bánh và chỗ đứng, nhiều chuyện bi hài đã diễn ra như khách hàng lời qua tiếng lại với nhau và với...chủ hàng, thậm chí "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay".