Vinashin giảm nợ chục nghìn tỷ và ve sầu thoát xác

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi vay được 13.152 tỉ đồng.

Giảm nợ 13.152 tỉ đồng

Ngày 31/10/2013, Bộ Giao thông - Vận tải chính thức thông báo việc chuyển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên.

Từ một doanh nghiệp thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một DN hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…

Ngoài ra, tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi

Đồng thời, SBIC hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép và các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.

Trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại 3 kỳ họp gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước của Vinashin đã được các tổ chức tín dụng giảm 13.152 tỉ đồng, khoản nợ các tổ chức tín dụng nước ngoài 13.163 tỉ đồng cũng đã được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường Singapore, khoản nợ bắt buộc với các chủ tàu cũng đã giảm 1.704 tỉ đồng.

 Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi vay được 13.152 tỉ đồng.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi vay được 13.152 tỉ đồng.

Cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đối với các khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước, đến nay Vinashin, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và các tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc tái cơ cấu đợt 1. Theo đó, Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi được 13.152 tỉ đồng. Khoản nợ sau tái cơ cấu còn 3.462 tỷ đồng, sẽ trả một lần sau 10 năm.

Với khoản nợ 600 triệu USD vay các tổ chức tín dụng nước ngoài, SBIC và DATC đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Singapore. Theo đó, tổng mệnh giá phát hành tính đến ngày 10/10 vừa qua là là 626,8 triệu USD (gồm cả gốc và lãi), tương đương 13.163 tỷ đồng, lãi suất đơn là 1% mỗi năm. Với thời hạn 12 năm, lãi và gốc được thanh toán toàn bộ một lần vào ngày đáo hạn năm 2025.

Bộ trưởng Thăng cho rằng, với phương án này quy về giá trị hiện tại thuần tương đương 48% nợ gốc, giảm 25% so với việc phải thanh toán ngay toàn bộ nợ nếu không thực hiện tái cơ cấu.

Với khoản nợ bắt buộc 135,1 triệu USD với các chủ tàu do hủy hợp đồng và các khoản vay khác đến nay, Vinashin đã hoàn thành cơ cấu nợ tương đương 112 triệu USD với điều kiện mua lại nợ bình quân khoảng 30% khoản nợ gốc. Theo Bộ trưởng, như vậy đã giảm được khoảng 85 triệu USD, tương đương 1.704 tỉ đồng.

Ông Thăng cũng khẳng định sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của tập đoàn này cơ bản sẽ được giảm nợ, xóa lãi, giảm lãi suất, một số khoản nợ sẽ được tập đoàn thực hiện mua lại nợ. Số nợ còn lại cơ bản được kéo dài, gia hạn thời gian trả nợ đến 2023 và 2025. Theo tính toán, tổng các nguồn thu cơ bản đáp ứng được kế hoạch trả nợ của tập đoàn.

Ngày 31/10/2013, Bộ Giao thông - Vận tải chính thức thông báo việc chuyển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC)
Ngày 31/10/2013, Bộ Giao thông - Vận tải chính thức thông báo việc chuyển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC)

Về tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, theo ông Thăng, trong 9 tháng đầu năm 2010, Tập đoàn chỉ bàn giao được 22 tàu, sản xuất gần như đình trệ…; năm 2013, dự kiến Vinashin bàn giao 39 tàu trị giá 146 triệu USD, có 19 tàu xuất khẩu trị giá 79 triệu USD.

Ngoài ra Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đối với Vinalines đã cơ cấu được 7.855 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cơ cấu nợ được 20.412 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013 – 2014. Đồng thời hoàn thành thủ tục bổ sung 900 tỷ đồng vốn điều lệ.

Kỳ họp Quốc hội khóa 6 mới đây, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với báo chí bên lề phiên thảo luận của các đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề kinh tế xã hội đã khẳng định không có chuyện chuyển nợ từ Vinashin sang Chính phủ, mà là Chính phủ bảo lãnh để doanh nghiệp có điều kiện vay vốn trả nợ, có thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh, tích luỹ và có nguồn tự trả nợ.

“Vinashin phải tự chịu trách nhiệm, tự làm ăn để trả nợ, cũng giống như bao khoản bảo lãnh khác. Tất nhiên trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn không trả được nợ, Chính phủ phải có trách nhiệm với tư cách người bảo lãnh, chứ hoán đổi nợ không có nghĩa chuyển hẳn nợ của Vinashin sang Chính phủ”, ông Ninh nói.

Gần 1/3 lao động của Vinashin thất nghiệp

Tại thời điểm năm 2009, tập đoàn có khoảng 70.000 lao động, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo tập đoàn căn cứ yêu cầu sản xuất, kinh doanh, rà soát, cơ cấu lại lao động, vì vậy, số lao động giảm dần theo từng năm. Đến 31.8.2013 chỉ còn 25.306 người, trong đó, số người có việc làm là 17.367 người (chiếm 68,63%), không có việc làm là 7.939 người (chiếm 31,37%).

Theo Bộ trưởng, hiện Vinashin tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lao động, theo hướng giữ lại công ty mẹ - tập đoàn và 8 đơn vị thành viên khoảng 8.000 người, lao động tiếp tục làm việc tại các DN không giữ lại trong mô hình khoảng 6.000 người.

Lao động dự kiến cắt giảm, giải quyết chế độ cùng quá trình tái cơ cấu DN còn khoảng 14.000; trong đó, theo lộ trình giai đoạn 1 sẽ cắt giảm khoảng 8.000 lao động hiện không có việc làm, giai đoạn 2 sẽ cắt giảm số còn lại cùng với quá trình tái cơ cấu DN.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại