Theo báo cáo "Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á" của CEBR - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Doanh nghiệp, trong khi Trung Quốc đi theo mô hình kinh tế của Nhật và hiện đã có chi phí sản xuất quá cao, các doanh nghiệp nước này cũng đang phải chuyển hướng sang các nước lân cận để tìm địa điểm đặt cơ sở sản xuất.
Đây chính là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị thông qua việc trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất các ngành hàng giá trị thấp.
Việt Nam hiện đã là một trung tâm gia công, sản xuất và chỉ đứng sau Singapore tính trên tổng mức vốn đầu tư của Trung Quốc.
Với tiềm năng tăng trưởng lớn, dân số trẻ và mức lương thấp hơn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ quá trình phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm với sự cạnh tranh giành vị thế ảnh hưởng tại khu vực giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác.
Để tăng cường tiếp cận nguồn vốn đầu tư, trở thành một trung tâm sản xuất, gia công toàn cầu và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, về lâu về dài, Việt Nam sẽ cần tích cực sàng lọc danh mục các dự án FDI theo chiến lược, định hướng phát triển của chính phủ.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW Khu vực Đông Nam Á cho biết: “Việt Nam tuy có lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động thấp nhưng chưa bền vững.
Vì thế, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, đào tạo để xây dựng đội ngũ lao động có kỹ năng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tập trung nhiều hơn vào đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường, đặc biệt là vào giao thông, dịch vụ”.
Ông Scott Corfe, Cố vấn kinh tế của ICAEW kiêm Phó Giám đốc CEBR, chia sẻ:
“ASEAN đang chứng minh rằng thay vì cạnh tranh lẫn nhau, các nền kinh tế có cơ cấu tương đồng có thể bù đắp lẫn nhau, hình thành nên các mạng lưới xuyên quốc gia.
Mỗi nước có thể tập trung chuyên môn hóa đến mức tối đa, xây dựng các chuỗi cung ứng có phạm vi rộng khắp toàn khu vực Đông Á – và như vậy, các hoạt động khai thác, chế biến nguyên vật liệu, sản xuất phụ tùng, lắp ráp đều sẽ diễn ra ở những địa điểm khác nhau.
Điều đó đồng nghĩa với việc các lợi ích tối đa từ thương mại sẽ được hiện thực hóa”.
Cũng như các nền kinh tế ASEAN đang đi theo lộ trình phát triển từ nền sản xuất giá trị thấp, mức lương thấp đến sản xuất giá trị cao, dịch vụ, nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung đã đi theo mô hình của Nhật, đặc biệt khi mức tiền lương ở đây không còn cạnh tranh như trước để tiếp tục nền sản xuất giá trị thấp.
Các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản trước đây, đang chọn các nước lân cận làm nơi đặt cơ sở sản xuất, xuất khẩu phụ tùng cho hoạt động lắp ráp có giá trị tương đối thấp.
Tuy nhiên, do Trung Quốc có năng lực sản xuất công nghiệp dư thừa nên dẫn tới việc nước này đang xuất khẩu khối lượng lớn (và ngày càng tăng) hàng tiêu dùng sang các nước ASEAN.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW Khu vực Đông Nam Á cho biết: “Người tiêu dùng Trung Quốc không còn chiếm tỉ trọng lớn trong việc tiêu thụ sản lượng sản xuất khổng lồ của nước này dù đang ngày càng giàu hơn trước.
Do dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp, Trung Quốc cần các thị trường nước ngoài để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nội địa, và ASEAN đang là điểm đến chủ yếu cho sản phẩm của nước này.
Tuy nhiên, tác động dài hạn của mô hình phát triển kinh tế mới này vẫn còn cần được kiểm chứng.
Dù vậy, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu đã có tác động giảm phát trên quy mô quốc tế và sẽ càng có ảnh hưởng lớn hơn khi đồng Nhân dân tệ giảm giá. Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của khu vực Đông Nam Á và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực”.
Cùng với việc liên tục hội nhập vào ASEAN và do tầm quan trọng của khu vực này đối với 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thu hút các công ty đa quốc gia đến đầu tư để tận dụng những cơ hội hiện có của khu vực Đông Nam Á.