Chủ yếu sẽ kinh doanh vận tải biển
Báo cáo Bộ GTVT tại cuộc họp mới đây do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết đang xây dựng phương án chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực chính là vận tải biển và dịch vụ hàng hải.
Tổng công ty cũng kiến nghị Bộ cho phép được đầu tư mua tàu biển để nâng cao năng lực của đội tàu, trên cơ sở cân đối nguồn lực và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Theo Chủ tịch HĐTV Vinalines, ông Lê Anh Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương mới về việc thoái triệt để vốn nhà nước khỏi các cảng nhỏ và thoái chỉ còn 20% tại 2 cảng lớn nhất hiện nay của Vinalines là Hải Phòng và Sài Gòn.
Đây là mức thoái rất lớn so với chủ trương khi chỉ đạo phương án tái cơ cấu Vinalines trước đó. Đứng trước vấn đề này, Vinalines phải xác định sau đây vận tải biển sẽ là chính.
“Vừa rồi chúng tôi đã liên tục họp để thay đổi chiến lược của Vinalines, thay vì cảng biển, nay tập trung cho phát triển đội tàu để chủ yếu làm vận tải.
Tổng công ty cũng đang thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài vào để họ rà soát, hỗ trợ Tổng công ty xây dựng phương án”, ông Sơn cho biết.
Kết thúc 3 quý năm 2015, sản lượng vận tải của Vinalines đạt 21,4 triệu tấn, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt 61,2 triệu tấn, tổng doanh thu đạt gần 13.300 tỉ đồng, đạt 71% kế hoạch năm và tương đương 98% cùng kỳ 2014.
Trong 10 tháng năm 2015, Công ty mẹ - Tổng công ty tiếp tục xử lý được 3.462 tỷ đồng nợ phải trả, giảm nợ từ khi tái cơ cấu đến nay được gần 5.300 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – TGĐ Vinalines, hoạt động cảng biển của Vinalines tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, sản lượng hàng thông qua hệ thống cảng của Tổng công ty tăng 11%, trong đó cảng Hải Phòng tăng tới 20%, doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến cả năm lãi khoảng 800 tỉ đồng, 2 cảng Hải Phòng và Sài Gòn lãi khoảng 600 tỉ đồng.
Trong khi đó, thị trường vận tải biển từ đầu 2015 đến nay thậm chí khó khăn hơn cùng kỳ năm 2014.
Giữa tháng 2/2015, chỉ số BDI đã giảm xuống 509 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 1985 khi thị trường bắt đầu thiết lập hệ thống tính điểm. Kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường vận tải biển đã không diễn ra.
Do đó, mặc dù sản lượng vận chuyển của Tổng công ty tăng 4%, chi phí giảm do tấn trọng tải giảm, song do giá giá cước giảm sâu, nên doanh thu chỉ đạt 79% so với cùng kỳ.
Lỗ vận tải năm nay dự kiến ở mức gần 900 tỉ đồng. Được bù đắp bởi khoản lãi khoảng 800 tỉ đồng từ hoạt động cảng biển. Vinalines dự kiến cân bằng được thu chi cả năm 2015.
Ủng hộ Vinalines mua tàu mới
Về kiến nghị mua tàu, ông Sơn cũng cho biết, nếu chiến lược tập trung vào đội tàu vận tải, thì Vinalines phải tiếp tục tái cơ cấu đội tàu, duy trì một đội tàu mạnh với những tàu phù hợp nhu cầu thị trường.
Cần bán bớt những con tàu già kinh doanh thua lỗ, đồng thời trang bị thêm tàu mới, thế hệ mới, chi phí thấp hơn.
Bảo vệ kiến nghị mua tàu của Vinalines, Chủ tịch HĐTV của đơn vị này cho rằng: "Phương án mua tàu đã được Tổng công ty nghiên cứu rất cẩn trọng, xây dựng từ 6 tháng nay rồi, tới đây sẽ xin báo cáo kỹ riêng vấn đề này với Bộ.
Dù vận tải biển của Vinalines đang lỗ, song là lỗ tàu hàng khô, những gam tàu và chủng loại tàu vận tải phù hợp với thị trường vẫn có lãi, do đó không thể thấy cơ hội mà không đầu tư.
Tư nhân họ cũng đang đầu tư, tại sao ta dừng lại?”.
Đồng tình với kiến nghị mua tàu của Vinalines, theo ông Đỗ Đức Tiến, Phó cục trưởng cục Hàng hải VN, Vinalines muốn đẩy mạnh vận tải biển lên, thì cần cơ cấu lại đội tàu.
Tái cơ cấu đội tàu biển Việt Nam cũng được nhấn mạnh trong Đề án tái cơ cấu vận tải biển đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hiện 21 con tàu của Công ty mẹ Vinalines chủ yếu là tàu vận tải hàng rời, gam tàu nhỏ, không phù hợp với xu thế thuộc về tàu vận tải container.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cũng nhận định: "Vận tải biển đang khó khăn thật, song nếu như biết làm ăn, đầu tư phù hợp vẫn lãi.
Vinalines cần nghiên cứu kỹ phương án mua tàu, báo cáo Bộ GTVT thật rõ trên cơ sở các nghiên cứu về nguồn lực, phương án đầu tư, khai thác thị trường, làm sao ta có gam tàu phù hợp, chi phí thấp mới có lời.
Tàu của Vinalines hiện kinh doanh không có lãi chủ yếu là do hậu quả của quá khứ để lại, tàu mua về tuổi cao, gam tàu không phù hợp, chi phí lãi vay quá lớn".