Vì sao Việt Nam chưa có doanh nghiệp tư nhân lớn như Samsung, Toyota...?

Mặc dù hiện nay đã có những doanh nghiệp tư nhân lớn, có tên tuổi tại Việt Nam nhưng để kể ra một cái tên đại diện cho quốc gia (giống như nói đến Samsung là nói đến Hàn Quốc, nhắc đến Toyota là nhắc đến Nhật Bản), thì gần như là không có.

Kinh tế Việt Nam năm 2015 khép lại với điểm sáng như tăng trưởng đặt gần 6,7% nhưng lạm phát chỉ dưới 1%, kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới, Trung Quốc, tỷ giá các đồng tiền trong khu vực biến động mạnh.

Tuy nhiên động lực tăng trưởng kinh tế hiện phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo đó các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 115,1 tỷ USD, tương đương 71% giá trị xuất khẩu năm 2015. Tỷ lệ đóng góp tăng thêm 30% so với mức 41% năm 2009.

Theo các chuyên gia kinh tế, động lực đến từ xuất khẩu FDI không bền vững và dễ thay đổi nhanh chóng khi những ưu đãi của chính sách thay đổi.

Động lực tăng trưởng bền vững theo ý kiến nhiều chuyên gia phải là khu vực doanh nghiệp trong nước.

Khu vực kinh tế trong nước bao gồm: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh. Trong 3 thành phần cấu thành này, doanh nghiệp tư nhân được xem là đóng vai trò quan trọng nhất.

Doanh nghiệp tư nhân ở đâu trong nền kinh tế?

Theo PGS.TS Vũ Đình Hòe - phó tổng biên tập thời báo kinh tế Việt Nam, khu vực doanh nghiệp tư nhân giữ phát trò quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cũng từng chỉ ra vai trò quan trọng của loại hình doanh nghiệp này.

Theo đó, ước tính năm 2013-2014, khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đóng góp gần 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và đặc biệt có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động.

Ông Vinh cho biết trung bình mỗi năm, DNTN tạo ra hơn 500 nghìn việc làm, chiếm 62% tổng số việc làm trong toàn bộ khối doanh nghiệp.

Đồng thời đem lại thu nhập bình quân trên lao động là 42 triệu đồng/năm vào năm 2010 lên 74 triệu đồng/năm vào năm 2014.

Cùng với việc ra đời Luật doanh nghiệp năm 1999, loại hình DNTN được tạo điều kiện phát triển và bùng nổ về số lượng.

Từ khi đất nước mở cửa đến nay, nhiều DNTN có tên tuổi như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Thiên Long,… đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế.

Không riêng tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân còn đóng vai trò lớn trong nền kinh tế nhiều nước trên thế giới.

Hai ví dụ đối lập có thể thấy là: Cuba có dân số 11 triệu người, thành phố New York có 8 triệu người nhưng tổng GDP của New York đạt trên 1.000 tỷ USD trong khi tổng GDP của Cuba chỉ đạt trên 70 triệu USD.

Sự khác biệt của 2 nền kinh tế này là Cuba gần như không có DNTN, chủ yếu là DNNN trong khi New York chủ yếu là DNTN chứ không tồn tại DN nhà nước.

Vì sao Việt Nam chưa có doanh nghiệp tư nhân lớn như Samsung, Toyota?

Mặc dù hiện nay đã có những doanh nghiệp tư nhân lớn, có tên tuổi tại Việt Nam nhưng đây chỉ là số ít.

Theo bộ trưởng Vinh, trên thực tế đa số DNTN hiện có quy mô nhỏ và vừa.

Vốn bình quân của loại hình doanh nghiệp này chỉ bằng 1,5% mức vốn bình quân của 1 doanh nghiệp nhà nước và 19% của doanh nghiệp FDI.

Tài sản cố định bình quân của DNTN cũng chỉ dao động ở mức 4-7 tỷ đồng/DN và chỉ bằng 1% của DNNN và 5% của doanh nghiệp FDI.

Mặc dù chiếm đông đảo về số lượng nhưng tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn của loại hình doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 40% tổng toàn bộ khối doanh nghiệp.

Với quy mô nhỏ và vừa nên DNTN hiện gặp phải vấn đề thứ 2 là hạn chế về công nghệ, thiếu vốn, trình độ nhân lực không cao.

Đa số các DNTN chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn và thiếu sản phẩm mũi nhọn có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra quy mô vốn nhỏ khiến DNTN bị yếu thế trong cạnh tranh tiếp cận các nguồn lực sản xuất và không đủ sức tích lũy, đầu tư để vươn ra thị trường quốc tế.

Để phát huy sức mạnh của DNTN từ đó tạo động lực bền vững cho nền kinh tế, bộ trưởng Vinh cho biết một số giải pháp đã và cần được Chính phủ triển khai như tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua hoàn thiện khung pháp lý với những đổi mới tư tưởng mạnh mẽ.

Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) thông qua năm 2014 thay đổi tích cực như: doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm, minh bạch hóa điều kiện kinh doanh, dơn giản hóa và giảm rào cản gia nhập thị trường, chú trọng chuyển công tác quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Ông Vinh còn cho biết Nhà nước cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho DNTN, hỗ trợ tiếp cận vốn, khai thác thị trường.

Ngoài ra việc đầu tư nhân lực cũng quan trọng không kém, Nhà nước cần triển khai các hoạt động hỗ trợ giúp phát triển đội ngũ doanh nhân, trang bị những kiến thức quản trị và hội nhập cho DNTN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại