Vì sao giá dầu tăng đột ngột trở lại?

Nhàn Đàm |

Khi giá dầu đã suy trầm trong một thời gian quá dài, việc nó đột ngột tăng cao trở lại cũng khiến thế giới phải đặt ra những câu hỏi. Vì sao giá dầu tăng đột ngột trở lại, và những vấn đề đằng sau nó là gì?

Sự quan tâm của thế giới những ngày này có vẻ như đã không còn hướng về những vấn đề kinh tế nữa, khi mà những vấn đề về địa chính trị tầm cỡ đang chi phối toàn cầu.

Những vấn đề cải cách kinh tế ở Nhật Bản và EU vẫn chưa có những tiến triển lớn, trong khi những lo ngại về tình hình ở Hy Lạp hay Ukraina thì lại đang có xu hướng gia tăng.

Bức tranh kinh tế những ngày này hầu như chỉ toàn một gam màu ảm đạm.

Chỉ có một gam màu sáng duy nhất, đó là việc giá dầu đã bắt đầu quay trở lại, một tin tức tốt không chỉ cho những quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, mà còn gián tiếp mang lại những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế thế giới.

Nhưng, khi mà giá dầu đã suy trầm trong một thời gian quá dài, việc nó đột ngột tăng cao trở lại cũng khiến thế giới phải đặt ra những câu hỏi.

Vì sao giá dầu tăng đột ngột trở lại, và những vấn đề đằng sau nó là gì?

Việc giá dầu tăng cao trở lại trong tuần vừa qua quả thực là một động thái gây sốc, không chỉ với thị trường dầu lửa, mà còn với những nhà phân tích kinh tế thế giới.

Giá dầu đã quay trở lại mức 68 USD/thùng, mức cao nhất không chỉ kể từ đầu năm 2015 đến nay, mà còn là mức cao nhất kể từ khi cuộc chiến giá dầu được phát động từ cuối tháng 11.2014 – nguyên nhân chủ đạo khiến giá dầu suy giảm mạnh, có lúc xuống xấp xỉ 40 USD/thùng.

Trong một thời gian dài sau đó, giá dầu được neo ở mức trên dưới 50 USD/thùng – mức giá được xem là cân bằng đối với tình trạng cung cầu trên thị trường ở thời điểm hiện tại.

Việc kinh tế thế giới suy trầm và giảm nhu cầu sử dụng, cộng với việc các nước xuất khẩu dầu hàng đầu như OPEC, Nga và Mỹ tiếp tục tăng cường sản lượng được xem là nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu neo ở mức trên dưới 50 USD/thùng đó trong một khoảng thời gian lâu như vậy.

Vậy, điều gì là nguyên nhân khiến cho sự cân bằng cung cầu vốn đã được duy trì trong nhiều tháng như vậy bị phá vỡ?

Sự kiện giá dầu tăng vọt lên mức 68 USD/thùng đã buộc hầu hết các nhà phân tích và chuyên gia trong lĩnh vực dầu lửa phải phân tích và đánh giá lại tình hình.

Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá dầu về cơ bản vẫn không có gì thay đổi nhiều so với cách đây ít tháng.

Cuộc xung đột ở Lybia và Yemen, nhu cầu tích trữ dầu từ phía Trung Quốc, sản lượng khai thác và xuất khẩu của các cường quốc xuất khẩu dầu, vv..vv tất cả đều được duy trì ở một mức độ tương đối ổn định.

Để có thể khiến giá dầu bứt phá một cách bất ngờ như vậy, phải là một vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu lửa.

Những sự kiện như thỏa thuận hạt nhân ở Iran được thông qua, về lý thuyết lại càng có thể khiến giá dầu sụt giảm thêm nữa, khi mà Iran với khả năng xuất khẩu dầu đứng hàng thứ tư trong OPEC chuẩn bị quay trở lại cuộc chơi.

Sự tăng trưởng đột ngột của giá dầu này đã vượt ra khỏi dự đoán của hầu hết các nhà phân tích.

Câu trả lời khả dĩ nhất cho sự kiện giá dầu đột ngột tăng cao trở lại, là việc Arab Saudi thay đổi chính sách của mình trong lĩnh vực dầu lửa trong tương lai, và khả năng thực sự của giới đầu cơ tích trữ dầu trên thế giới.

Một cách âm thầm, Arab Saudi đang lặng lẽ chuyển hướng chiến lược dầu lửa của mình trong tương lai.

Theo đó, quốc gia đứng đầu OPEC không tập trung vào việc nâng cao sản lượng khai thác và xuất khẩu của những thành viên quan trọng nhất của OPEC như trước, mà tập trung vào việc nâng cao năng lực khai thác của toàn bộ các thành viên của tổ chức.

Cùng với việc Iran chuẩn bị quay trở lại thị trường xuất khẩu dầu lửa, Arab Saudi cũng đang tìm cách thuyết phục Indonesia – một cựu thành viên của OPEC – quay trở lại tổ chức xuất khẩu dầu lửa này.

Bằng cách này, tổng sản lượng khai thác và xuất khẩu của toàn bộ OPEC sẽ được nâng cao một cách đáng kể, và có thể tiếp tục cạnh tranh thị phần mà không cần những thành viên quan trọng nhất như Arab Saudi hay Iraq phải tìm cách nâng cao sản lượng khai thác của mình.

Chiến lược mới này có vẻ như là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến việc Arab Saudi dừng một số dự án xây dựng các nhà máy lọc dầu mới trị giá 1000 tỷ USD trên khắp toàn cầu trong vài năm tới.

Thay vào đó Saudi sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ khai thác dầu đá phiến đã được người Mỹ phát triển trong thời gian qua.

Đúng là ở thời điểm hiện tại, dầu đá phiến vẫn đang có giá thành cao hơn loại dầu thông thường, nhưng tiềm năng của công nghệ khai thác dầu phiến lại là vô tận.

Nếu thành công, Arab Saudi có thể tạo ra cả một bước đột phá khi dầu đá phiến có thể có giá thành thấp hơn loại dầu thường.

Nói cách khác, Arab Saudi đang đẩy vai trò giữ vững sản lượng khai thác cho các thành viên khác của OPEC để hướng sự tập trung vào phát triển công nghệ khai thác dầu phiến.

Việc ngưng triển khai các nhà máy lọc dầu mới quy mô lớn trị giá 1.000 tỉ USD được xem như nguyên nhân chủ đạo dẫn đến việc giá dầu tăng vọt trở lại.

Đó là điều dễ hiểu khi mà Iran cần một khoảng thời gian nhất định để hồi phục khả năng khai thác dầu, còn Indonesia thì vẫn chưa quyết định việc có quay trở lại OPEC hay không.

Trong bối cảnh đó việc Arab Saudi ngưng triển khai các dự án lọc dầu mới có thể gây nên tình trạng giảm cung trên thị trường, gây ra một sự tăng giá mạnh.

Một lý do khác quan trọng không kém là việc các nhà đầu cơ đang quan tâm đến thị trường dầu hơn bao giờ hết.

Ngày càng có nhiều nhà đầu cơ quan tâm đến thị trường dầu, và tăng cường mua tích trữ để chờ giá dầu tăng cao trở lại.

Nguồn cung dầu trên thế giới hiện nay là khoảng 92,5 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu của các thị trường giao dịch kỳ hạn theo ước tính có thể đạt tới gần 1 tỉ thùng/ngày.

Nhu cầu dầu tăng mạnh không phải vì tăng nhu cầu sử dụng mà là vì nhu cầu tích trữ tăng cao, đã đẩy giá dầu lên cao đột ngột như vậy.

Không ai dám chắc việc tăng giá đột ngột này sẽ lên tới mức nào và có thể diễn ra trong bao lâu, nhưng ở thời điểm hiện tại nó đang là một cú hích thực sự với nền kinh tế các nước xuất khẩu dầu như Nga và Mỹ, và gián tiếp tác động tích cực tới kinh tế thế giới.

Ở Mỹ, các giếng dầu bị bỏ hoang từ tháng 11 năm ngoái do bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm đang bắt đầu hoạt động trở lại.

Giá dầu tăng cao đang khiến cho mức đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu phiến ở Mỹ nhanh chóng tăng lên như một cách tận dụng cơ hội hiếm có này.

Ở mức giá gần 70 USD/thùng như hiện tại đã là một giấc mơ với những doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ.

Có thể trong thời gian tới, Arab Saudi và OPEC sẽ nhận ra điều này và sẽ thay đổi chiến lược khiến giá dầu xuống thấp trở lại, nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại thì nó vẫn đang là một tin tức tốt với nền kinh tế thế giới.

>> Đại gia Bắc Ninh chi 40 triệu/tháng thuê ô sin cho...đồng hồ
>>Sống chung với rắn hổ mang, thu gần 10 tỷ mỗi năm

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại