Chưa bao giờ tình hình kinh tế và biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc lại khiến nhà đầu tư Mỹ lo ngại như năm nay.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016, chỉ số Dow Jones mất hơn 400 điểm ngay khi mở cửa.
Chốt phiên, Dow Jones mất 1,6% và là ngày đầu năm mới tệ nhất từ 2008. S&P 500 cũng mất 1,5% - mạnh nhất từ giữa tháng trước.
Trên CNN, hầu hết chuyên gia cho rằng Trung Quốc hiện là rủi ro lớn nhất đối với chứng khoán Mỹ.
“Hãy đối mặt với nó, bất kỳ biến động xấu nào từ Trung Quốc cũng tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.
Đó chính là thế giới mà chúng ta đang sống” Joseph Quinlan - Giám đốc Chiến lược Thị trường tại U.S Trust thuộc Bank of America cho biết.
Sau nhiều năm tăng trưởng nóng, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Sự bùng nổ của quốc gia này cũng kéo theo sự phát triển của nhiều nền kinh tế khác, đặc biệt là các nước Mỹ Latin - nguồn cung nguyên liệu thô cho Bắc Kinh.
Nhưng hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển hơn nhiều, nhu cầu với nguyên liệu thô vì vậy cũng giảm xuống. Điều này đang làm dấy lên lo ngại Trung Quốc giảm tốc nhanh hơn dự tính.
Đó cũng là lý do tại sao các nhà đầu tư đã rất hoảng hốt khi báo cáo hồi đầu tuần cho thấy sản xuất của Trung Quốc tháng 12 giảm mạnh.
Chứng khoán Trung Quốc hôm đó giảm 7%, đóng cửa ngay sau phiên sáng. Phiên hôm nay cũng lặp lại tình trạng trên, nhưng chỉ sau 30 phút.
Phản ứng của thị trường với số liệu hồi đầu tuần cũng cho thấy giới đầu tư không hoàn toàn tin tưởng vào các con số thống kê kinh tế khả quan mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra.
Số liệu sản xuất chính thức của Trung Quốc chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, bức tranh nó vẽ ra tươi sáng hơn rất nhiều báo cáo hồi đầu tuần của một hãng tư nhân,
“Các nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng Chính phủ Trung Quốc tung hỏa mù xung quanh các con số kinh tế”, Sam Stovall - Giám đốc chiến lược đầu tư tại S&P Capital IQ cho biết.
“Hạ cánh cứng” là thuật ngữ phản ánh tình trạng một nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, áp sát ngưỡng suy thoái.
Tốc độ suy giảm ngày càng nhanh của nền kinh tế Trung Quốc có thể kéo nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái mới.
Đợt suy thoái này có thể giết chết đà tăng giá của thị trường chứng khoán Mỹ, trong bối cảnh lợi nhuận của các tập đoàn tiếp tục giảm đi do đồng đô la mạnh lên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và giá dầu yếu.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân khác.
Một số nhà kinh tế lo ngại nhiều thị trường có thể gặp khó khăn trước việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tháng trước.
Trong khi đó, một số khác lại đang lo lắng về bất ổn chính trị và khủng bố tại Trung Đông.
Nhưng hiện tại, yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất tới giao dịch trên Wall Street vẫn là Trung Quốc. Vì vậy, nhiều khi, nỗ lực mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc lại tạo ra bất ổn.
Ví dụ, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Mỹ đã lao dốc hè năm ngoái, sau khi Trung Quốc phá giá NDT.
Tương tự như vậy, một số cho rằng một phần nguyên nhân của việc chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hồi đầu tuần là Bắc Kinh áp dụng quy định ngừng giao dịch, nhằm hạn chế biến động của thị trường.
Hệ thống này đã được kích hoạt ngay trong ngày đầu tiên chúng có hiệu lực.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc chỉ đang trải qua một “giai đoạn đau đớn tự nhiên” để chuyển từ nền kinh tế tăng trưởng nóng sang tăng trưởng chậm và bền vững hơn.
Quá trình này sẽ không gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Đồng thời, họ cũng tin rằng Chính phủ Trung Quốc có khả năng đưa đất nước vượt được giai đoạn chuyển mình khó khăn này.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nhiều lần cắt giảm lãi suất và còn dành ra hơn 3.000 tỷ USD cho chính sách kích thích kinh tế.
Ben Laider - chiến lược gia chứng khoán toàn cầu tại HSBC nhận xét: “Trung Quốc có sự linh hoạt về tài khóa mà nhiều quốc gia khác phải ghen tỵ”.
CNN khuyên nhà đầu tư hãy hy vọng rằng Trung Quốc có thể tận dụng sự linh hoạt này một cách khôn ngoan.
Nếu không, từ diễn biến trên thị trường vài phiên gần đây, 2016 có thể sẽ là một năm khó khăn cho các nhà đầu tư Mỹ.