Rất nhiều nhà sản xuất hy vọng sẽ có thêm động lực sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được thông qua, mà Việt Nam cũng là một thành viên.
TPP sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu ở quốc gia Đông Nam Á này cũng như tăng cường thương mại hàng hải với Mỹ.
Đối với các công ty dệt may, tay nghề xuất sắc của các công nhân Việt Nam là một điểm thu hút kể cả khi giá nhân công có cao hơn Bangladesh và Myanmar.
Xu hướng “nam tiến”
Kuraray Trading, chi nhánh Osaka của nhà sản xuất sợi tổng hợp Kuraray, sẽ đầu tư 300 triệu yen (khoảng 2,51 triệu USD) để lắp đặt dây chuyền sản xuất đồ thể thao ở thành phố Đà Nẵng, trung tâm thương mại ở miền Trung Việt Nam.
Dự kiến sản xuất sẽ bắt đầu từ tháng 7/2016.
Công ty Nhật Bản này sẽ sản xuất các sản phẩm quần áo thể thao sử dụng vải nhập khẩu từ Nhật và xuất khẩu thành phẩm tới Mỹ.
Với quá trình này, Việt Nam sẽ chiếm khoảng 60% trong tổng công việc hình thành sản phẩm của Kuraray.
Công ty này cũng đang cân nhắc đầu tư hàng tỷ yen vào các hoạt động may mặc như dệt hay nhuộm vải ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Một công ty lớn khác của Nhật Bản là Itochu đã xây dựng chi nhánh ở Việt Nam cả trước khi TPP được thông qua.
Năm 2014, công ty đã thành lập một nhà máy dệt may với năng suất hàng tháng lên tới 500.000 mét vải. Itochu cũng sản xuất áo sơ mi dưới nhãn hiệu khác và xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.
Itochu đã tăng năng suất của nhà máy lên gấp đôi và công ty này cũng đang cân nhắc đầu tư mở thêm các cơ sở khác để tăng cường khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu của khác hàng.
Tập đoàn sản xuất sợi Toray Industries mới đây đã tăng cường năng lực sản xuất tại chi nhánh may địa phương ở thành phố Hồ Chí Minh, đó là công ty Chori.
Công ty đã lên kế hoạch để trở thành chi nhánh trọng yếu của tập đoàn.
Chori đã xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ và nhiều nơi khác. Để tăng cường và mở rộng sản xuất của nhà máy, Toray đã tuyển thêm nhiều nhân viên lành nghề, có kỹ năng từ khắp nơi ở Đông Nam Á.
Nhà sản xuất sợ tơ cotton Nhật Bản Shikibo sẽ giảm khối lượng sản xuất ở nhà máy may Trung Quốc và tăng sản lượng nhà máy đối tác ở Việt Nam.
Công ty cũng sẽ sớm bắt đầu sản xuất thêm sản phẩm chăn ga gối ở Việt Nam.
Có thể nhận thấy xu hướng “nam tiến” của các doanh nghiệp dệt may Nhật Bản sẽ trở thành mô hình kinh doanh kiểu mẫu ở đất nước mặt trời mọc này cũng như giúp đẩy mạnh năng lực sản xuất của Việt Nam.
Sức hấp dẫn từ Việt Nam
Các công ty trong những lĩnh vực sản xuất khác của Nhật Bản cũng đang có bước dịch chuyển tương tự. Nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng Rhythm Watch là một ví dụ.
Công ty này sẽ chuyển dịch dây chuyền sản xuất đồng hồ đeo tay và đồng hồ để bàn cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang áp dụng mức thuế nhập khẩu 7% cho đồng hồ nguyên chiếc.
Có lẽ lý do lớn nhất mà các công ty Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam là chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Các nỗ lực điều chỉnh của chính phủ cũng góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Ví dụ như năm ngoái, Việt Nam bắt đầu cho phép người nước ngoài sở hữu tài sản trong 100 năm cũng như giữ 100% cổ phần ở các công ty thương mại công, so với 49% trước đó.
Bên cạnh là thành viên của TPP và cộng đồng kinh tế ASEAN, một điểm mạnh thu hút của Việt Nam đó là nước này cũng có các hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc và Liên minh châu Âu.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Nikkei Asian Review, ấn bản tiếng Anh chuyên về kinh tế – chính trị của tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật, ra đời từ năm 2013.