Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, trữ lượng vàng đang ở mức 1.658 tấn (53,31 troy oz) tính đến cuối tháng Sáu, tăng 57% so với con số điều chỉnh cách đây 6 năm.
Số liệu được công bố vào thời điểm giá vàng chạm đáy 5 năm vì sức ép từ đồng USD tăng giá. Thực tế này cho thấy, Trung Quốc đang “tranh thủ” đa dạng hóa danh mục dự trữ khỏi đồng USD vào thời điểm giá vàng giảm.
Tuy nhiên, công tác này đang bị đà tăng trưởng mạnh mẽ trong kho dự trữ ngoại hối Trung Quốc làm phức tạp hóa. Hiện tại kho ngoại hối của Bắc Kinh đang ở mức cao nhất thế giới, với hơn 3 nghìn tỷ USD.
Tính theo mức giá ngày 17/7, kho vàng của Trung Quốc có trị giá 60,9 tỷ USD. Tuy tăng về lượng, song vàng giờ đây chỉ chiếm 1,65% tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, giảm so với 1,8% trong tháng 6/2009.
Tỷ trọng này thấp hơn mức trung bình gần 10% của thế giới tính đến cuối năm 2014, theo số liệu của Reuters GFMS.
Trung Quốc đang tìm cách hạ mức dự trữ ngoại hối trong năm nay, từ 3,84 nghìn tỷ USD trong tháng Một xuống 3,69 nghìn tỷ USD cuối tháng Sáu.
“Rất khó để đa dạng hóa nếu chính phủ phải tìm cách giải phóng hàng tỷ USD dự trữ mỗi tuần”, bà Thilo Hanemann, Giám đốc nghiên cứu của Tập đoàn Rhodium, Mỹ, nhận xét.
Ngân hàng nhân dân Trung Quốc thừa nhận, giá trị thị trường vàng thế giới đang ở mức nhỏ so với kho dự trữ của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh dùng ngoại hối để mua một lượng lớn vàng trong thời gian ngắn, nó sẽ ảnh hưởng tới giá thị trường.
Do đó, Trung Quốc phải gom vàng qua những kênh nội địa và quốc tế, như vàng lưu kho của các công ty, nhà máy.
Mặc dù không lớn như giới đầu tư ước tính, nhưng kho vàng này chính thức đưa Trung Quốc soán ngôi Nga, giữ vị trí nước sở hữu nhiều vàng thứ sáu thế giới, sau Mỹ, Đức, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ý và Pháp, theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới.