Số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam chiếm một phần ba dân số và 60% trong số đó lên mạng tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua. Từ năm 2000 đến 2012, trung bình mỗi năm tốc độ phổ cập Internet ở Việt Nam tăng 20%, vào loại cao nhất trong khu vực châu Á.
Một khảo sát của Bộ Thương mại với 3.400 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực cho thấy 60% trong số đó đã áp dụng hình thức giao dịch bằng thương mại điện tử. Nguồn thu từ thương mại điện tử của Việt Nam hiện đạt gần 2 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP, và được dự báo lên con số 6 tỷ USD vào năm 2015.
Nhiều khách hàng vẫn cảm thấy không an toàn khi mua bán trên mạng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bất chấp những thuận lợi đó, tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang gặp phải nhiều rào cản, trong đó phải kể đến môi trường kinh doanh kém tin cậy. "Các khách hàng tỏ ra không mấy tin tưởng khi mua hàng trên mạng. Họ cảm thấy không được bảo vệ quyền lợi hoặc bảo mật thông tin", ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết.
Mặc dù hiện nay, việc thanh toán đã trở nên dễ dàng hơn nhờ sự hợp tác giữa các website với ngân hàng, nhưng việc thanh toán trực tuyến hiện vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mua bán điện tử ở Việt Nam.
Bất chấp những rào cản nói trên, các công ty nước ngoài vẫn nhìn ra nhiều cơ hội tiềm tàng tại một đất nước có gần 80 triệu dân. Đơn cử là các "tay to" như Google Google, Alibaba, Rakuten, eBay hay Amazon đang dần xây dựng sự hiện diện tại đây. Vào tháng 6 vừa rồi, Google đã trở thành thành viên của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam. Với mục tiêu nhắm đến các công ty vừa và nhỏ, Google hy vọng sẽ thu về 30 triệu USD mỗi năm từ thị trường này.
Ngoài ra, Alibaba và eBay cũng mới lựa chọn các nhà đại diện chính thức tại Việt Nam. Cách đây không lâu, eBay đổ tiền mua 20% cổ phần tại Peacesoft Solution, công ty sở hữu trang chodientu.com. Còn Alibaba chọn Công ty Investment and Technology JSC làm đại diện. Amazon và Rakuten cũng đang tiếp cận một số bên để tìm kiếm cơ hội hợp tác.