TGĐ Vietnam Airlines nói gì về hàng loạt phi công xin nghỉ việc?

Hoàng Đan |

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, hiện tượng nhân viên xin nghỉ ốm và nghỉ việc hàng loạt là nghiêm trọng, bất thường và đây là "lãn công tập thể".

"Lãn công tập thể"

Liên quan đến thông tin về việc hàng loạt phi công của hãng nộp đơn xin nghỉ việc, trả lời tại buổi họp báo được tổ chức vào chiều 12/1, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Phạm Ngọc Minh cho biết, từ 30/12/2014 đến 4/1/2015 đã có đến 117 lượt phi công báo ốm.

Trong đó, 90% nằm ở các đội bay máy bay Airbus và chỉ có 10 trường hợp có giấy chứng nhận của cơ quan y tế. Số lượng này gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo đó, đã có 9 đơn xin nghỉ việc được nộp lên Tổng Công ty.

Tổng Giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh nhận định, việc nhân viên xin nghỉ ốm và nghỉ việc hàng loạt được VNA đánh giá là nghiêm trọng, bất thường.

"Điều này có nguy cơ xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tinh thần phi công.

Ngày 5/1, ngay sau đợt nghỉ Tết Dương lịch, lãnh đạo VNA đã họp khẩn cấp vì sự việc có nguy cơ làm xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tư tưởng đội ngũ phi công của hãng”- ông Minh nói.

Đồng thời, lãnh đạo VNA coi hiện tượng bất thường kể trên là “lãn công tập thể” thông qua việc báo ốm.

"Đây không thể coi là chuyện đơn lẻ cá nhân mà là lãn công tập thể thông qua báo ốm. Nếu không xử lý kịp thời, dứt điểm sẽ tái lập lại vào đợt cao điểm Tết Âm lịch sắp tới"- ông Minh nhấn mạnh.

Về vấn đề tiền lương của phi công, ông Phạm Ngọc Minh cho biết, từ 2008 đã bắt đầu xây dựng lộ trình cải cách tiền lương trong nội bộ VNA, phấn đấu từ 5-7 năm, mức lương bộ phận lao động kỹ thuật cao tiến tới bằng 70-80% mặt bằng khu vực Đông Nam Á.

"Nhưng trong vài năm gần đây, mặt bằng này rất khó so sánh vì mỗi hãng hàng không có một đặc thù khác nhau, vì thế chúng tôi đã so sánh với việc VNA thuê phi công nước ngoài"- ông Minh cho hay.

Hình minh họa
Hình minh họa

Theo lãnh đạo VNA, năm 2008, mức thu nhập tiền lương tăng gấp đôi.

Đến 2010, Tổng Công ty đưa ra các loại lương theo sản phẩm, lương cứng theo chế độ… Đến 2012, gộp tất cả các khoản đó vào thu nhập chịu thuế.

Năm 2008, cơ trưởng máy bay Boeing-777 hưởng 83 triệu đồng/tháng, cơ phó 51 triệu đồng. Năm 2012, cơ trưởng máy bay Boeing-777 lương 120 triệu đồng, Airbus 321 cơ trưởng 77 triệu đồng, cơ phó 61 triệu đồng.

Sang năm 2014, trong lộ trình cam kết, VNA vẫn cải cách tiền lương. Hiện VNA đã cải cách tiền lương đợt 3 (thực hiện quý IV).

Cơ trưởng giáo viên là 157 triệu đồng, cơ trưởng bình thường 132 triệu đồng. Đối với máy bay Airbus 321, cơ trưởng là 150 triệu đồng/tháng và cơ phó là 140 triệu đồng.

Tất cả lộ trình tiền lương này năm trong lộ trình tăng trưởng của VNA.

Sang 2015, dự kiến cải cách tiền lương sẽ điều chỉnh 2 lượt, thứ nhất là 6 tháng đầu năm, lần thứ 2 là 6 tháng cuối năm.

Như vậy, theo lộ trình đó, từ 1/1/2015, cơ trưởng thanh tra có mức lương tháng là 203 triệu đồng, cơ trưởng kiểm soát 200 triệu đồng, cơ trưởng bình thường 163 triệu đồng, cơ phó 107 triệu đồng.

Các mức tương tự đối với Airbus 321 là 183, 172, 143 và 85 triệu đồng.

Đến tháng 7/2015, thu nhập của cơ trưởng B777 – A330 (bao gồm cả lưu trú) là 117 triệu đồng/tháng, đối với chức danh giáo viên là 217 triệu đồng/tháng.

Chức danh tương ứng đối với loại tàu bay A321 là 158 triệu đồng/tháng và 198 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông Minh, đây là con số tổng của Tổng Công ty trả cho phi công, còn nghĩa vụ nộp thuế của nhà nước thì phi công phải tự đóng.

"Chúng tôi không bao giờ nghĩ chuyện vừa rồi là do VietJet Air"

Trước câu hỏi về việc có tăng lương cho các nhóm riêng của VNA không, ông Phạm Ngọc Minh cho biết, không có chuyện chỉ tăng cho nhóm phi công Airbus mà lại không tăng cho các nhóm khác.

Ngoài 600 phi công, 9000 lao động còn lại cũng được hãng đặc biệt quan tâm, đảm bảo thu nhập cho cán bộ công nhân viên.

Trả lời câu hỏi phi công lãn công có ảnh hưởng tới lộ trình bay của VNA dịp Tết Âm lịch không và có hiện tượng lãn công tập thể, về lâu dài sẽ xử lý thế nào, ông Phạm Ngọc Minh khẳng định:

“Không bao giờ có chuyện đó. Đến thời điểm này phi công, kỹ sư đã trở lại làm việc. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị về con người và kỹ thuật.

Vietnam Airlines thực hiện theo chuẩn quốc tế về mọi điều kiện, nên mọi công tác an ninh, an toàn bay được đặc biệt phải đảm bảo”.

Ông Minh cũng khẳng định: "Chúng tôi phải nâng cao năng suất lao động, nâng cao quản trị kinh doanh, từ đó mới tạo sự bền vững để có mức thu nhập cho lao động".

Trước câu hỏi về việc nghi vấn hãng hàng không nội địa nào có liên quan đến hiện tượng bất thường kể trên, ông Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh:

“Chúng tôi không bao giờ nghĩ chuyện vừa rồi là do VietJet Air, chúng tôi không đặt hãng hàng không cụ thể nào lên bàn nghị sự.

Chúng tôi chỉ quan tâm đến lực lượng lao động, các anh chị em trong Tổng Công ty đang lao động hết mình”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại