TGĐ Bùi Quang Ngọc: "Tính tuân thủ của FPT quá kém!"

Phương Nhi |

(Soha.vn) - “Trước đây, khi còn làm Phó, công việc của tôi vẫn rất nhiều nhưng có thể chỉ làm vừa phải, nỗ lực, bền bỉ vừa phải. Còn khi làm trưởng, trách nhiệm tăng gấp bội phần”

Cách đây một năm, khi Tập đoàn FPT chọn "phó tướng" Bùi Quang Ngọc cho vị trí "ghế nóng" FPT, nhiều người đã coi đây là một bất ngờ bởi trước đó có nhiều đồn đoán cho rằng FPT sẽ thuê một CEO danh tiếng từ nước ngoài để tạo nên sự khác biệt, tạo “luồng gió mới” mang lại thành công mới cho FPT trong tiến trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, sau một năm chèo lái con tàu FPT, TGĐ Bùi Quang Ngọc cho biết ông cảm thấy tạm hài lòng với những gì mà mình đã đạt được.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn FPT đạt 15.211 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 107% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.227 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 97% kế hoạch lũy kế.

“Để đảm đương và hoàn thành công việc, bản thân tôi cũng phải rất nỗ lực. Cùng với việc khai thác và phát huy sức mạnh của người FPT, làm việc một cách khoa học, rà soát lại các hoạt động trong tập đoàn, tôi cũng đi sâu vào những ngành nghề của các đơn vị thành viên để thay đổi, điều chỉnh phù hợp từ mục tiêu cho tới cách thức hoạt động. Điều này đòi hỏi sự kiên quyết, cứng rắn hơn so với thời tôi chưa làm TGĐ” – nhân vật kì cựu của FPT Bùi Quang Ngọc chia sẻ trên trang tin nội bộ của FPT.

Với ông, một năm vừa qua trôi đi quá nhanh và sự mong đợi từ phía thị trường, nhà đầu tư và bản thân cán bộ công nhân viên FPT vào chiếc “ghế nóng” FPT là một áp lực lớn đối với bản thân ông.

Ông tâm sự: Thay đổi đầu tiên là về trách nhiệm. “Trước đây, khi còn làm Phó, công việc của tôi vẫn rất nhiều nhưng có thể chỉ làm vừa phải, nỗ lực, bền bỉ vừa phải. Còn khi làm trưởng, trách nhiệm tăng gấp bội phần. Thời gian dành cho công việc nhiều hơn trước, nên để cân đối hài hòa với cuộc sống, tôi chỉ có bí quyết là phân tải và phân quyền cho cán bộ ở dưới.

Thời gian dành cho công việc nhiều hơn trước, nên để cân đối hài hòa với cuộc sống, tôi chỉ có bí quyết là phân tải và phân quyền cho cán bộ ở dưới - TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc chia sẻ.
"Thời gian dành cho công việc nhiều hơn trước, nên để cân đối hài hòa với cuộc sống, tôi chỉ có bí quyết là phân tải và phân quyền cho cán bộ ở dưới" - TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc chia sẻ.

Ngoài ra, tôi cũng cần chút khéo léo và phương pháp làm việc khoa học để vừa nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe, thể hiện trách nhiệm với gia đình, vừa theo dõi kiểm soát, làm nhiều việc hiệu quả.

Mỗi ngày của tôi vẫn bắt đầu từ 8h sáng và ra về vào lúc 19h tối. Ở nhà, nếu không làm việc thêm, tôi có thể xem phim, vào mạng hoặc viết lách gì đấy. Ngoài ra, cá nhân tôi cũng có vài sở thích riêng như sưu tập đá, tượng chim đại bàng…”, ông ngọc chia sẻ.

Cũng trong một năm điều hành FPT, có rất nhiều việc khó mà vị chỉ huy trưởng này phải trải qua. Theo TGĐ Bùi Quang Ngọc, việc khó nhất trong công tác điều hành ở FPT vẫn là fractal. Để xây dựng và ban hành chính sách, dự án đã khó, nhưng triển khai xuống các cấp một cách có hiệu quả, đúng hướng, đạt được kết quả như mong đợi còn khó hơn nhiều lần.

Ông chỉ rõ: “Trước đây, từng có nhiều lãnh đạo thiếu kiên trì, khi triển khai việc thấy khó khăn thường có tâm lý buông xuôi sớm. Cá nhân tôi luôn phân định rõ, nếu khả năng thực thi khả quan, tôi sẽ đeo đuổi đến cùng. Vì thế, trước khi làm việc gì, tôi luôn đánh giá, có cái nhìn tổng quát, xác định khả năng thực thi của nó đến đâu, thấp thì dừng lại, còn cao thì tôi sẽ quyết tâm thực hiện bằng được”.

Ngoài ra, theo ông Ngọc, hiện nay ở FPT thừa tính dân chủ và thiếu sự tuân thủ. Tính tuân thủ của FPT “quá kém”, hệ quả là việc triển khai không tốt. Về nhận thức lãnh đạo, trong nhiều dự án, lãnh đạo chỉ nghĩ đến doanh thu lợi nhuận mà không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và những giá trị của nó. Bởi giống như một vận động viên, để đạt được thành tích cao và duy trì được sự bền bỉ, phải quan tâm toàn diện từ chế độ dinh dưỡng, thời gian biểu cùng chế độ luyện tập…

Những nhận thức tổng thế như vậy đang còn hạn chế trong FPT, điều này ảnh hưởng tới phát triển bền vững, và một số đơn vị có dấu hiệu lệch khỏi trục tăng trưởng, đi lạc hướng. Trong khi đó, sự thay đổi không dễ với một số người, và một số độ tuổi.

Tôi nhận thấy thời gian đi quá nhanh. Một năm đảm nhận vai trò TGĐ FPT, bên cạnh một số việc đã làm được vẫn còn một số việc chưa hoàn thành. Vì vậy, tôi cần phải làm việc nhiều hơn nữa. (Ảnh: C.T)
"Tôi nhận thấy thời gian đi quá nhanh. Một năm đảm nhận vai trò TGĐ FPT, bên cạnh một số việc đã làm được vẫn còn một số việc chưa hoàn thành. Vì vậy, tôi cần phải làm việc nhiều hơn nữa". (Ảnh: C.T)

“Vượt qua những điều này là thách thức rất lớn của người lãnh đạo tập đoàn như tôi. Vì vậy, cùng với việc ban hành một số chính sách thưởng phạt để tăng tính kỷ luật, FPT sẽ đẩy mạnh việc báo cáo và kiểm soát. Không có cách nào khác, chúng ta sẽ phải làm chặt vấn đề này, dù hơi tốn nhân lực.

FPT hiện sao nhãng vấn đề này, xuất phát từ tính dân chủ quá đà. FPT phải thay đổi, vị trí và quyền hạn của tập đoàn cần được nhìn nhận lại. Theo đó, tập đoàn phải thể hiện sự tập trung quyền lực cao hơn trong việc ra chính sách, chỉ đạo thực hiện và giám sát” – vị TGĐ của FPT nói.

Thêm vào đó, việc giúp cán bộ công nhân viên FPT quốc tế hóa hơn, chuyên nghiệp hơn cũng là một trong những cái khó được ông Bùi Quang Ngọc đánh giá. Bởi trong quan niệm của ông, người Việt Nam nói chung và người FPT nói riêng đa phần vẫn chưa cởi bỏ được tâm lý tự ti, ngại giao tiếp. Trong khi đó, nếu đi ngước ngoài, bạn phải chuyên nghiệp, đây là một phần của quốc tế hóa.

“Hiện nay, mức độ chuyên nghiệp của FPT còn thấp. Thay đổi không thể trong một sớm một chiều, tôi chỉ còn cách kiên trì, bền bỉ, lựa chọn giải pháp mưa dầm thấm đất, kết hợp khen thưởng với động viên, cổ vũ” – ông Bùi Quang Ngọc – người được coi là “cánh tay đắc lực” của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh.

>>> Xem thêm clip: Video "cáo phó" bổ nhiệm lãnh đạo của FPT

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại