Có vẻ như mục đích thật sự trong việc đề xuất “nghiên cứu” tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lần này là tìm kiếm nguồn thu mới trong điều kiện ngân sách eo hẹp, các nguồn thu khác bị sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cần hiểu thuế môi trường được gọi là thuế điều chỉnh. Việc đánh thuế môi trường nhằm điều chỉnh các hành vi gây ra ngoại tác tiêu cực (như thuế bia rượu, thuế thuốc lá...), trong trường hợp này là tác hại môi trường.
Cụ thể hơn, do giá xăng dầu thấp, giả thiết là người dùng có động cơ sử dụng nhiều hơn, và có thiên hướng lãng phí hơn xăng dầu, do đó tác động lên môi trường sẽ lớn hơn.
Chính vì vậy, việc tăng thuế có cơ sở là để điều chỉnh hành vi này, nhưng Bộ Tài chính hoàn toàn không dựa trên lập luận này mà lại đi ước lượng nguồn thu.
Tức là mục đích của Bộ Tài chính là tìm kiếm nguồn thu, chứ không phải điều chỉnh hành vi, đó là ngộ nhận về công cụ thuế, là sai lầm về mặt chính sách.
Nếu giả sử sắp tới Bộ Tài chính lập luận việc lựa chọn thời điểm hiện nay để tăng thuế khi giá dầu thấp cũng không ổn, vì gánh nặng thu nhập và chi tiêu của người dân hiện nay vẫn chưa hề được cải thiện do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo tôi, giải pháp tổng thể là phải cắt giảm chi tiêu chứ không phải tăng thu để tái cân đối ngân sách, phải cắt giảm nhu cầu chi tiêu xuống chứ không phải tìm cách tăng thu để tài trợ cho nhu cầu chi tiêu vô hạn độ đó.
Còn nếu muốn cải thiện nguồn thu phải tăng cường tích lũy tiền của các sắc thuế hiện nay.
Trong thực tế, nhiều chính sách thuế bất cập hiện nay cần phải được cải cách, nhằm cải thiện tính công bằng dọc nhưng lại không được thực hiện, trong khi lại tìm cách đánh vào số đông người dân.
Tỷ trọng thu nhập mà người nghèo dành cho chi phí xăng dầu đi lại cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng thu nhập mà người giàu dành cho chi phí xăng dầu đi lại.
Do đó, với mỗi lít xăng cùng phải chịu một mức thuế như nhau từ 3.000 đồng/lít rồi lên 4.000 đồng/lít như bảng dự tính, có nghĩa là người nghèo đang nộp thuế môi trường tính trên thu nhập của họ cao hơn so với người giàu.
Với cách đánh thuế môi trường tuyệt đối trên mỗi lít xăng, việc giá xăng giảm không hề làm giảm số thuế phải nộp cho Nhà nước, khác với loại thuế tỷ lệ đánh trên giá xăng, thậm chí còn làm tăng số thuế phải nộp do lượng tiêu thụ xăng có thể tăng hơn trước đây khi giá xăng cao.
Ở phương diện người nộp thuế, việc giá xăng giảm nhưng thuế môi trường trên mỗi lít xăng không giảm tức đã làm cho thuế suất trung bình tăng lên.
Vậy không có lý do gì để Bộ Tài chính lại đề xuất sử dụng tăng mức thuế lên đạt trần 4.000 đồng/lít xăng cả.
ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Giảng viên Trường kinh tế Fulbright)