Sự thật “sốc” về khuyến mại “khủng”

Minh Dũng |

Lễ hội mua sắm Black Friday (Thứ sáu đen) ở Mỹ vào ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ ơn, thường từ ngày 23 đến 29-11 hằng năm trở thành “ngày vàng” mua sắm với hàng chục nghìn mặt hàng được giảm giá từ 30 đến 70%.

Ngày này đang được nhiều nước áp dụng, ở Trung Quốc là ngày lễ độc thân (Singles' Day), Hàn Quốc là Beufle và Nga là Cyber Monday (Thứ hai điện tử).

Ở nước ta, từ năm 2014, cũng hưởng ứng ngày "Thứ sáu đen" với tên gọi Online Friday (Ngày mua sắm trực tuyến mùa thu).

Đây là sự kiện hằng năm dành riêng cho ngành thương mại điện tử được Bộ Công thương tổ chức vào thứ sáu đầu tiên của tháng 12, năm nay diễn ra vào ngày 4-12.

Giống với Black Friday ở Mỹ, ngày Online Friday tại Việt Nam đem đến hàng nghìn sản phẩm với mức giá khuyến mại hấp dẫn, giảm giá đến 70% từ các đơn vị tham gia sự kiện.

Tuy nhiên, ngay lần đầu tổ chức vào năm 2014, sự kiện này đã vấp phải những hiện tượng đáng buồn như một số đơn vị bán hàng theo kiểu “tăng giá thật, giảm giá ảo”, sản phẩm có khi được “thổi giá” lên gấp đôi, sau đó đơn vị có giảm giá tới 70% thì người tiêu dùng vẫn bị thiệt tới 30%.

Chưa kể thông tin về sản phẩm thiếu chính xác, sản phẩm khách hàng nhận được không giống với quảng cáo, số lượng sản phẩm không nhiều, chỉ sau vài phút đã báo hết hàng,...

Tất cả những vấn đề kể trên đã khiến sự kiện Online Friday mất niềm tin từ người tiêu dùng (NTD) và không đạt được mục tiêu chính của Bộ Công thương là biến Online Friday thành sự kiện hằng năm có quy mô, uy tín, giúp NTD hiểu hơn về ngành thương mại điện tử.

Sở dĩ ở các nước có ngày lễ mua sắm vào dịp cuối năm này do các nhà bán lẻ trong năm bị tồn kho hàng hóa, buộc phải giảm giá đối với những mặt hàng kém hút khách, khiến lợi nhuận bị sụt giảm, NTD sẽ mua được những mặt hàng được giảm giá lớn.

Nhưng thực chất ở Việt Nam, có hiện tượng những nhà bán lẻ lớn bắt tay với nhà sản xuất để đưa ra mức giá cho dù có hạ giá đến đâu vẫn đem lại lợi nhuận, thậm chí ở mức cao.

Hiện nay, ở nước ta, cơ quan quản lý chưa tính toán được chi phí, giá thành để có một khung giá chuẩn cho sản phẩm, nhằm giúp người tiêu dùng so sánh, cho nên rất khó xác định mức giảm giá thật là bao nhiêu.

Dù quảng cáo “khuyến mại khủng” nhưng phần lớn hàng hóa giảm giá không nhiều, hú họa một số dòng sản phẩm có thể giảm 50 đến 70% nhưng đều là mẫu mã cũ, hàng tồn quá lâu hoặc ngoại cỡ.

Vì vậy, thực chất việc giảm giá “sốc” tới 70% ở nhiều nhãn hàng chỉ là chiêu lừa khách hàng.

Do không có khung giá chuẩn, NTD không thể biết trị giá thật của sản phẩm, họ chỉ có cảm giác mình đã mua được một món hời.

Có thể thấy, cơ chế quản lý giá sản phẩm, các chương trình khuyến mại ở Việt Nam của các cơ quan chức năng chưa thật sự bài bản, có tính chuyên nghiệp, người bán cũng thiếu trung thực, không tạo được niềm tin cho khách hàng trong các chương trình khuyến mại.

Ở các nước trên thế giới, giá cả đều được cơ quan kiểm tra, thẩm định giá rất khắt khe, cho nên việc bán hàng giảm giá thu hút nhiều người, đơn giản vì nó thật sự rẻ rất nhiều so giá gốc.

Còn ở nước ta, giá cả do người bán quyết định, muốn bán giá nào cũng được, không có cơ quan nào can thiệp, vì vậy đôi khi rẻ biến thành đắt.

Cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quản lý chặt chẽ giá các mặt hàng.

Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp muốn tổ chức khuyến mại giảm giá phải đăng ký, báo cáo với cơ quan chức năng để kiểm soát, tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại