Số phận khách sạn nổi Sài Gòn lênh đênh qua Triều Tiên

Khách sạn nổi là một công trình không xa lạ với người Sài Gòn trong những năm đầu mở cửa. Nhưng ít ai biết số phận chìm nổi của nó sau khi ra đi mười bảy năm về trước.

Một thời vang bóng

Khi đất nước bắt đầu mở cửa với thế giới vào cuối thập niên 1980, Sài Gòn chưa có nhiều khách sạn cao cấp để đáp ứng nhu cầu của làn sóng du khách và doanh nhân bắt đầu đổ vào; những khách sạn cũ, có từ trước năm 1975, còn phải mất thời gian nâng cấp, sửa chữa.

Các nhà đầu tư nước ngoài nhạy bén trong kinh doanh, đã ngay lập tức “lấp chỗ trống” bằng cách đưa từ nước ngoài vào một khách sạn nổi, neo đậu ngay trên mặt sông Sài Gòn, bên đường Tôn Đức Thắng, trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới, dài 89 mét, nổi trên mặt nước như một con tàu, khách sạn sang trọng này được “đóng” tại Singapore và hoàn thành năm 1988. Trước khi đến Sài Gòn, khách sạn mang tên The John Brewer Reef Floating Hotel, hoạt động ở Úc nhưng không hiệu quả. Năm 1989, tập đoàn Nhật Bản EIC Development Company đã mua lại khách sạn nổi, đưa nó về Sài Gòn hoạt động dưới sự quản lý và vận hành của công ty Australia’s Southern Hotels.

khách-sạn-nổi, Triều-Tiên, Sài-Gòn, Hàn-Quốc

Khách sạn nổi Sài Gòn những năm đầu thập niên 1990. Đây là tụ điểm vui chơi ưa thích của khách nước ngoài ở Sài Gòn

Khách sạn có 201 phòng tiêu chuẩn 5 sao, nhà hàng, phòng tập thể dục, hồ bơi, sân tennis nổi... Khi đến Sài Gòn, khách sạn được bổ sung hai quán bar nổi tiếng, Q Bar và Downunder Disco, và trở thành tụ điểm vui chơi giải trí ưa thích của khách nước ngoài ở Sài Gòn vào buổi tối.

Tên chính thức là Khách sạn Sài Gòn, nhưng với người dân thành phố, nó chỉ đơn giản là “Khách sạn nổi”, khách sạn sang trọng nhất khi ấy, giá phòng có lúc lên tới 335 đô la Mỹ/phòng/đêm. Có thể nói, khách sạn nổi đã thêm một nét hấp dẫn cho Sài Gòn, và Sài Gòn cũng tạo ra cơ hội kinh doanh, mang lại lợi nhuận cho khách sạn nổi.

Nhưng đến năm 1997, sau khi hàng loạt khách sạn cao cấp ở trung tâm thành phố, hoặc mới xây như New World, hoặc hoàn thành nâng cấp như Continental, Majestic, Rex… bắt đầu cạnh tranh thu hút khách quốc tế thì Khách sạn nổi Sài Gòn không còn hiệu quả nữa. Sau hai năm ế ẩm, chủ đầu tư đã bán nó cho tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) với giá 12,7 tỉ won, tương đương 18 triệu đô la Mỹ.

Và kết cục buồn

Công ty Hyundai Asan - công ty con chuyên về du lịch của tập đoàn Hyundai - đã cho kéo khách sạn nổi về Singapore để tu sửa và đặt tên mới là Hotel Haekumgang, sau đó đưa nó vượt 5.000 cây số đường biển, đến Bắc Triều Tiên, neo đậu tại cảng Changjon, gần khu nghỉ mát núi Kumgang nổi tiếng.

Ở thời điểm ấy, năm 2000, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang suôn sẻ, tập đoàn Hyundai được đầu tư một số dự án lớn ở Bắc Triều Tiên, trong đó có dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng núi Kumgang, chủ yếu phục vụ du khách Hàn Quốc.

khách-sạn-nổi, Triều-Tiên, Sài-Gòn, Hàn-Quốc

Khách sạn nổi nằm in trên bến cảng tại Bắc Triều Tiên. Ảnh Google Maps

“Sở dĩ chúng tôi mua lại khách sạn nổi là vì đây là phương án thay thế tốt nhất cho việc đầu tư một công trình xây dựng lớn trên đất Triều Tiên”, phát ngôn viên của Hyundai Asan, ông Park Seong Wook nói với báo NKNews.

Soomin Seo, một nhà báo Hàn Quốc thường lui tới khu du lịch này nói rằng, anh và nhiều người Hàn Quốc khác thích ở Khách sạn nổi Haekumgang hơn là ở các khách sạn trên đất liền do Bắc Triều Tiên xây dựng vì khách sạn nổi có tiện nghi tốt hơn, nước sạch hơn và điện không bị chập chờn.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra vào năm 2008 khi một nữ du khách Hàn Quốc 53 tuổi bị lính biên phòng Bắc Triều Tiên bắn chết gần khu du lịch Kumgang. Quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trở nên căng thẳng, khu du lịch và khách sạn nổi bị đóng cửa.

Đã 6 năm qua, khách sạn nằm im trên bến cảng, không hoạt động mà cũng không thể đưa đi nơi khác. Các chuyến viếng thăm gần đây của nhân viên công ty Hyundai Asan là chỉ nhằm kiểm tra tình trạng của khách sạn, và xác nhận nó vẫn còn “nguyên vẹn” dù bên ngoài nước sơn đã bong tróc nhiều chỗ.

Một công trình khách sạn độc đáo như vậy lẽ ra phải có được một số phận tốt hơn. Nhưng người phát ngôn của Hyundai Asan cho biết công ty không có kế hoạch kéo khách sạn di động này đi nơi khác mà đang chờ đợi một ngày nào đó hoạt động du lịch đến Kumgang sẽ được nối lại; khi ấy họ sẽ tu bổ khách sạn và mở cửa trở lại.

Ngày đó chưa biết bao giờ sẽ đến nhưng hiện thời có vẻ như khách sạn nổi đầu tiên của thế giới vẫn là “con tin” trong trò chơi chính trị giữa hai miền nam bắc Triều Tiên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại