TP HCM là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước; hàng loạt các yếu tố liên quan đến cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư và các định chế tài chính cũng phần lớn nằm ở TP HCM, vậy tại sao không chọn làm nơi đặt trụ sở?
Hàng loạt câu hỏi được các chuyên gia, nhà đầu tư đặt ra khi biết Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng đề án sáp nhập Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) làm một, đặt trụ sở chính ở Hà Nội và lấy tên là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
“Cái nôi” của chứng khoán
Trong mắt nhiều nhà đầu tư cũng như giới tài chính, TP HCM là “cái nôi” của chứng khoán.
Khi nói “Phố Wall của Việt Nam”, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghĩ ngay đến khu vực sầm uất ở đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) và những tuyến đường lân cận.
Còn nhớ năm 2006, Tổng thống Mỹ Geogre W. Bush lần đầu tiên đến Việt Nam đã đến HoSE để gõ cồng và tham dự cuộc gặp bàn tròn giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Mỹ.
Sau cuộc viếng thăm đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bay lên” và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
Về nội lực, tòa nhà văn phòng của HoSE hiện có tổng diện tích trên 32.000 m2, có thể đáp ứng nhu cầu làm việc cho 800 nhân sự; đồng thời thỏa mãn các tiêu chí kỹ thuật chuẩn bị cho việc lắp đặt một hệ thống công nghệ thông tin mới, hiện đại cho toàn thị trường.
“Có thể xem đây là nền tảng vững chắc để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển sánh tầm quốc tế”- một chuyên gia am tường về công nghệ trong ngành tài chính nhận định.
Ngoài ra, HoSE cũng đã được UBND TP HCM cấp 5.000 m2 đất tại Công viên Phần mềm Quang Trung để xây Trung tâm dữ liệu dự phòng, hiện đang trong giai đoạn hoàn tất.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng nếu đề án sáp nhập chú ý đến yếu tố thuận lợi cho các công ty chứng khoán, nhà đầu tư, các tổ chức trung gian khác tham gia thị trường thì nên đặt tại TP HCM, bởi hầu hết công ty chứng khoán lớn, nhà đầu tư từ cá nhân đến tổ chức trong và ngoài nước trụ sở đều đặt ở TP HCM.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TP HCM, cho rằng nếu ai đó có suy nghĩ đặt sở giao dịch chứng khoán ở cạnh cơ quan quản lý để thuận lợi cho các hoạt động hành chính là suy nghĩ lạc hậu.
Vì thực tế, hoạt động của sở giao dịch không phải mang tính hành chính mà là tính giao dịch, thương mại.
“TP HCM đã là 'cái nôi', là nơi phát triển sôi động của thị trường chứng khoán, lại là trung tâm kinh tế, nơi thu hút tốt nhà đầu tư nước ngoài thì tại sao không chọn để đặt trụ sở giao dịch chứng khoán”, TS Thắng đặt vấn đề.
Đừng đi ngược thế giới
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Tiến Lên (mã chứng khoán TLH), cho biết trước đây ông có 2 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, sau đó ông sáp nhập lại và vẫn chọn niêm yết tại HoSE, bởi HoSE là nơi có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi quan tâm đến DN của ông cũng như đến thị trường chứng khoán.
“Đặt trụ sở tại TP HCM là hợp lý và thuận lợi nhất cho các DN khi niêm yết trên sàn chứng khoán”, ông Hà kiến nghị.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhiều năm sống và làm việc ở các nước tiên tiến, cho rằng ở các nước có thị trường tài chính phát triển, hầu hết trụ sở chính của các sở giao dịch chứng khoán đều đặt tại trung tâm tài chính, nơi có thị trường chứng khoán, tài chính phát triển mạnh nhất.
Ông dẫn chứng: Trụ sở chính của Sở Giao dịch chứng khoán Mỹ đặt ở trung tâm tài chính là TP New York chứ không phải ở thủ đô Washington; Trung Quốc đặt trụ sở sở giao dịch chứng khoán tại Thượng Hải chứ không phải thủ đô Bắc Kinh; ở Đức thì đặt ở Frankfurt, không phải thủ đô Berlin…
“Nguyên tắc của thế giới là ở đâu giao dịch mạnh, sầm uất thì ở đó đặt trụ sở chính nhằm tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần tham gia thị trường”, TS Hiếu nói.
Chưa có quyết định cuối cùng
Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ.
Đề án này đề cập 4 nội dung tái cấu trúc quan trọng của thị trường chứng khoán, bao gồm tái cấu trúc cơ sở hạ tầng, hàng hóa; tái cấu trúc các định chế trung gian; tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư và tái cấu trúc sở giao dịch chứng khoán.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết đây mới chỉ là đề án Bộ Tài chính trình Thủ tướng, chưa có quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, TP HCM cũng đã chuẩn bị văn bản gửi Thủ tướng để trình bày những vấn đề liên quan.
Hơn 300 doanh nghiệp niêm yết
Thành lập từ tháng 7/2000, ban đầu chỉ 1-2 DN tham gia niêm yết, đến nay HoSE đã thu hút hơn 300 DN niêm yết với giá trị vốn hóa đến cuối năm 2014 chiếm 88% giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, tương đương 25,5% GDP.
Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lớn, đại diện cho các ngành nghề then chốt trong nền kinh tế đều tập trung niêm yết tại HoSE.
Hiện tại, giá trị vốn hóa bình quân của một DN niêm yết đạt 3.230 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch bình quân một phiên tại HoSE trước đây chỉ vài trăm triệu đồng, nay đã đạt 2.171 tỷ đồng (năm 2014), chiếm đến 73% thanh khoản toàn thị trường.
Đặc biệt, tại sàn HoSE hiện nay, chỉ số VN-30 đang được các nhà đầu tư quốc tế kỳ vọng rất lớn nhằm hướng đến các sản phẩm phái sinh, đầu tư tài chính hấp dẫn.
Từ năm 2007, HoSE đã tham gia hội nghị tổng giám đốc các sở giao dịch ASEAN, là thành viên sáng lập của Sáng kiến Liên kết ASEAN, thành viên các sở giao dịch chứng khoán châu Á, châu Đại Dương.
Năm 2013, HoSE trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn các sở giao dịch thế giới WFE. Quan trọng hơn, hiện HoSE đã ký biên bản hợp tác ghi nhớ với 18 sở giao dịch chứng khoán các nước...