Đi gặt lúa hộ để… dỡ một nóc nhà!
“Tôi không mua gỗ chưa thành phẩm, tức là gỗ còn nguyên cây. Chỉ thích dỡ nóc nhà, lấy kèo lấy cột sưa thôi…”, K. cười. Thấy tôi không hiểu, K. bảo, thực ra người Trung Quốc có nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gỗ sưa thực sự. Vì thế, đối với các loại bàn ghế, giường tủ… bằng gỗ sưa được đóng từ ngày xưa thì càng có giá. Vì gỗ sưa dùng để đóng các sản phẩm này đều là gỗ đạt chất lượng cao nhất, tức là tuổi gỗ cao nhất, vanh tốt nhất… Đó là câu chuyện tôi vừa được ông trùm gỗ sưa nổi tiếng vùng Kinh Bắc tên là K. chia sẻ.
K. là dân buôn gỗ quý thứ thiệt, nhắc đến tên K., dân gỗ ít người thấy lạ. Nhất là khoảng chục năm trở lại đây, khi thị trường gỗ sưa sôi động thì cái tên K. càng trở nên “lừng lẫy”. Đưa tôi đi vòng các khu tập kết gỗ quanh khu vực thị xã Từ Sơn, K. kể: “Minh “Sâm” và Hưng “sóc” là hai trùm gỗ quý ở khu vực này. Nhưng các “bố” ấy chỉ thao túng được một phần thị trường trong nước thôi, chứ để làm giá với dân buôn gỗ Trung Quốc thì hai ông trùm này cũng chưa phải là cao thủ”.
Cứ theo cách kể của K. và qua quan sát, tôi tin rằng, chính K. và nhóm buôn gỗ của K. mới là “cao thủ” trong giới gỗ quý, nhất là gỗ sưa.
K. cho biết thêm, gỗ sưa trong dân gian càng ngày càng ít, những cây sưa cổ thụ hiếm hoi còn lại ở các đình, các chùa… cũng mất dần. Nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật trộm gỗ sưa, gây ra dư luận không tốt. Cũng vì thế, việc đi lùng, mua gỗ sưa càng thêm khó khăn. Đó là lý do K. tung “độc chiêu” đi săn lùng gỗ sưa thành phẩm ở khắp các vùng quê.
Theo khảo sát của K., ngày trước, các cụ có thói quen dựng nhà, dựng cửa thường sử dụng những cây gỗ do mình trồng được, hoặc mua lại của các nhà dân trong làng, trong xã. Vì thế, phần lớn, nhà dân ở khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc bộ hoặc các vùng trung du, chủ yếu là nhà lợp ngói. Những ngôi nhà có tuổi từ 30 năm trở lên, chủ yếu được làm từ những nguyên liệu tự có như thế.
Thời đó khó khăn, lại bị ngăn sông cấm chợ, không có thông thương buôn bán nên các cụ thường phải loay hoay, nhặt nhạnh gỗ lạt để đủ nguyên liệu. Và, cũng nhờ cái sự ấy nên rất nhiều nhà đã vô tình “nhặt nhạnh” cả gỗ sưa làm rui mè, khung cột cất nóc”, K. kể.
Khi thị trường gỗ sưa sôi động, K. trực tiếp cùng đội quân hàng chục người trong nhóm đi lang thang tìm đến những ngôi nhà lợp ngói, phần khung cột bằng gỗ sau ngần ấy thời gian đều đã xuống cấp, “hết tuổi”. Rất nhiều lần, anh đã tìm thấy những “cục” gỗ sưa được các cụ “chắp vá” làm “con lăn” hoặc làm “con kê” trên những cột gỗ ở vị trí bắt chéo hình tam giác.
Những cục gỗ sưa ấy, chủ yếu là phần gỗ lõi, rất “nạc” nên rất có giá, lại chủ yếu là sưa đỏ. Một “vai” sưa như vậy, có trọng lượng từ chục kg đến vài chục kg, có những nhà, K. mua được cả đoạn xà ngang nguyên là một thân cây gỗ sưa nguyên khối.
“Cái khó là thuyết phục người dân đồng ý để họ sẵn sàng… dỡ nhà cho mình mua cục gỗ sưa đấy. Những gia đình khó khăn hoặc chưa có nhu cầu làm nhà mới, sẽ càng khó thuyết phục hơn. Cho nên, để mua được cục sưa ấy, giá tiền mình trả phải tương xứng làm sao cho họ có thể cất lại một nóc nhà mới, và đảo lại toàn bộ phần mái ngói mới họ mới đồng ý”, K. nói.
Những lần may mắn, K. mua được cả tạ gỗ sưa từ một gia đình vùng trung du. Kể như thế là “trúng đậm”. Vì người dân chưa biết đích xác việc người mua về làm gì, nên phải đưa ra các lý do thuyết phục. Trả cho bà con số tiền chừng một, hai trăm triệu – đó là cả một gia tài lớn đối với người nông dân cả đời họ chưa bao giờ dám mơ, nhưng khi về bán lại cho tư thương Trung Quốc, K. “ẵm” được cả tỷ đồng. Tuy nhiên, gặp những gia đình “rắn”, K. phải chầu chực nhiều năm trời, đợi đến khi gia đình họ “có việc đại sự” cần đến tiền bạc, anh ta mới mua được.
Gặp K., tôi mới tình cờ biết, chính K. là người đã mua mấy cây cột nhà bạn tôi ở An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội). Bạn tôi tên là Tuyến, đang ở cùng bố mẹ trong căn nhà năm gian truyền thống Bắc bộ. Một lần, K. lang thang ở khu vực này và biết được nhà Tuyến có sáu cây cột bằng gỗ sưa. Sáu cây cột cái này có đường kính trung bình từ 16 đến 22cm, dài trên 2m. Tuy nhiên, đây là gia đình nghèo nhưng có truyền thống Nho học nên việc thuyết phục được gia chủ bán là điều quá khó. K. đã ăn chực nằm chờ cả tháng trời để thuyết phục nhưng bố mẹ của Tuyến vẫn không đồng ý.
Hồi đó, đúng vụ mùa, cả gia đình Tuyến tất bật gặt hái. Dù không phải là “tay nông dân chính hiệu” nhưng nắm được tâm lý sống trọng tình của bố mẹ Tuyến, K. đã xắn quần lội ruộng vác lúa, rồi về nhà đập lúa… như một thành viên trong gia đình. Suốt một tuần như thế, K. không hề kêu ca phàn nàn, dù công việc khá vất vả và không phải là công việc quen thuộc. Cũng trong một tuần đó, K. không đả động gì đến việc mua gỗ mà chỉ làm việc như các thành viên trong gia đình Tuyến. Lúc đầu cũng thấy ngại, không muốn cho K. làm, nhưng thấy K. chân thành, lại chăm chỉ nên bố mẹ Tuyến dần có cảm tình.
Sau vụ gặt, K. xin chào tạm biệt gia đình Tuyến rồi quay về Từ Sơn. “Thú thật, lúc đó mình cũng quý gia đình bác ấy. Thậm chí có lúc, mình quên cả nhiệm vụ chính là đi săn lùng gỗ sưa…”, K. chia sẻ. Cũng theo K., mấy ngày sau, bố mẹ Tuyến gọi cho K. đến nhà chơi, rồi làm bữa cơm liên hoan hết vụ. Trong bữa cơm, K. được bố mẹ Tuyến nhận làm con nuôi, đồng thời đồng ý bán mấy cây cột gỗ sưa cho K.
“Nhưng chính lúc ấy, mình lại không muốn mua, vì mình thấy kính trọng cách cư xử của gia đình bác”, K. tâm sự. Tuy nhiên, sau nhiều lần “bị” bố mẹ Tuyến thuyết phục, K. đành lòng mua nhưng chính K. đã đưa ra điều kiện: K. sẽ xây lại cho bố mẹ Tuyến một căn nhà khác! Hồi đó, khi dỡ sáu cây cột, cân được 300kg, K. bán được gần 6 tỷ đồng. K. đã xây cho gia đình Tuyến một căn nhà, hết gần 3 tỷ…
Chết cũng không mua của… chùa
“Có một hộ dân ở miền Trung, tôi “theo” họ gần chục năm trời mới ngã ngũ. Khi vào quan sát, phát hiện cái kèo nhà bằng gỗ sưa đỏ, mình đã hoa cả mắt vì sung sướng, nhưng gặp ông chủ nhà khái tính, nhất mực không cho vợ con dỡ nóc nhà để bán cục gỗ ấy, dù mình đã thương lượng sẽ đền toàn bộ phần khung cột bằng gỗ mới. Cho đến ngày, có cơn bão đi qua vùng ấy, ngôi nhà ấy bị sập vì bão cuốn, mình mới mua được cái kèo nhà ấy”, K. hào hứng kể.
Kinh nghiệm của K., những vùng anh hay đến là những vùng còn nhiều nhà ngói, thậm chí là nhà tranh vách đất, những vùng quê thuần nông lam lũ nghèo khó. Các vùng như vậy, ngày trước các cụ hay trồng xoan, trồng mít lấy nguyên liệu làm nhà. Lẫn vào trong số đó có cả các cây trắc thối – loại cây dân gian hay gọi về cây sưa.
Bắt đầu theo nghiệp gỗ từ năm 14 tuổi, K. là một trong những cái tên mà khi nhắc đến, giới đồ cổ và giới gỗ sưa đều biết. Anh cũng có thể kể vanh vách những cái tên trong giới chuyên đi lùng gỗ sưa. “Việc tìm đúng nơi, mua đúng chỗ, chỉ thuần túy là việc mua bán, chứ nhất định chúng tôi không mua đồ của đình, của chùa”, K. thẳng thắn.
Thời điểm đầu năm 2014 vừa qua, khi có vụ việc ban quản lý một ngôi đình ở vùng Hà Tây cũ “dám” dỡ cả mái đình để lấy gỗ sưa đem bán, K. cười, bảo: “Vụ đó, người ta có liên hệ với tôi, nhưng tôi nói của đình, của chùa không mua. Y rằng, “đồng nghiệp” của K. đi mua lại, hiện vẫn đang liên đới để phục vụ cơ quan điều tra.
K. kể tiếp: “Vài năm trước, cũng ở ngay vùng ấy, tôi cũng “mua hụt” gần 360kg gỗ sưa. Mình trả giá hơn bốn tỷ nhưng người ta đòi cao, tôi không mua nữa. Về sau mới biết, đó là gỗ dỡ từ chùa, liền kề với ngôi đình mà báo chí vừa đưa tin rầm rộ. Thế mới biết, số mình vẫn đỏ…”.
>>> Xem thêm clip: Bộ bàn ghế gỗ mun ngàn tuổi
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA