“Phù phép” bì lợn thối thành món ăn khoái khẩu !

Theo Dân tin |

Bì lợn đã bốc mùi thối được chất thành đống nhớp nháp, được các ông chủ cơ sở sản xuất bóng bì nhanh chóng phù phép thành những món ăn khoái khẩu.

Bì thối được “hô biến”

Đóng vai một đại lý cung cấp đồ giá rẻ cho những quán nhậu ở Hà Nội. Phóng viên được ông chủ một cơ sở tên Lê Văn M. chuyên sản xuất bóng bì, mỡ lợn tại thôn Bình Lương (xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) hào hứng đón tiếp. Trước khi dẫn đi xem hàng, ông ta cẩn thận dặn: “Hàng của tôi giá cực rẻ, đảm bảo anh có lãi to. Nhưng phải biết im lặng, bị phát hiện là sập tiệm ngay”.

Trong nhà xưởng diện tích chưa đầy 40 m2 nhớp nháp, cáu bẩn ngổn ngang những chiếc nồi luộc bì lớn sùng sục sôi. Những đống bì lớn đã bốc mùi hôi nồng nặc. “Bì lợn mới có được 5 ngày. Đem từ tủ đá ra đấy. Có khi bọn này gom hàng tấn để sẵn nguồn hàng phòng khi cạn kiệt”- ông chủ M. hào hứng kể.

Cũng trong nhà xưởng này, một cảnh khác đập vào mắt chúng tôi “ghê răng” không kém. Váng mỡ lếnh láng, bì lợn lèo nhèo chất thành từng bãi lớn nhỏ trên nền nhà ẩm ướt, đầy phân gà và bụi than, một chiếc chảo rán mỡ  to đùng đang nghi ngút khói sôi lục bục, 2 người đàn ông cởi trần trùng trục, người bóng loáng vì mỡ, hì hục vớt từng mớ bì lớn chất đống gần với đống mỡ sống.

Không chú ý đến khách, hơn chục người làm của ông chủ M. chân tay nhem nhuốc, nhanh nhẹn phân loại mỡ vụn bèo nhèo còn lẫn nguyên bì đầy lông. Sau đó, những nguyên liệu này được đổ vào chiếc chảo lớn, đảo qua nước sôi có màu đen kịt. Mỡ chưa kịp nguội, chúng đã được rót vào những chiếc can xanh 50– 100 lít.

“Trông vậy thôi nhưng không bao giờ hàng của tôi ế đâu. Có hàng là các lái buôn cho xe về lấy sạch đổ tới các chợ lớn nhỏ trên cả nước. Một phần khác bọn tớ đổ cho các lò rán hành, rán quẩy và các quán ăn nhỏ, bình dân, khu công nhân” – ông chủ M. khoe vẻ tự hào.

 

Vẫn theo ông chủ M, lượng tóp mỡ khổng lồ sau đó được tích trong những chiếc thùng rỗng còn dán nguyên tem mác - Corrosive (chất gặm mòn) để…bán dần. Giá bán loại tóp mỡ này từ 1.000 đồng đến 2.000đồng/kg để làm thức ăn cho cá.

Đến một cơ sở khác, là bà Nga cũng ở thôn Bình Lương chúng tôi thấy tình trạng cũng tương tự. Những đống bì lớn nhỏ được những người thợ lực lưỡng dùng xẻng xúc đổ trần qua nước nóng, sau đó cho vào các bể lớn ngâm tẩy trắng. Chừng vài ngày, chúng được vớt ra, để ráo nước, sau đó sấy khô thành bóng bì cung cấp cho các hàng lẩu và cửa hàng bán đồ khô.

Một lượng lớn bì lợn này được cơ sở giữ lại, sau khi được băm nhỏ, chúng sẽ được đưa vào các máy nghiền tạo sợi. Ủ kín vài ngày lên men, chúng được trộn lẫn thính, gói vào lá chuối, thế là thành các quả nem chua cung cấp đi khắp cả nước.

“Bì lợn được gia đình tôi thu mua ở khắp nơi, nhiều khi phải thuê người đi thu chuyển về đây rồi gửi qua xe khách nhưng nguồn hàng không phải lúc nào cũng sẵn nên nhiều khi người thu mua phải đợi, gom được số lượng kha khá mới gửi xe về. Thế nên, bì lợn đã có mùi ôi thối là không tránh khỏi”- bà chủ Nga biện minh.

Tuy nhiên, theo như bà chủ Nga, nhà chị còn làm cẩn thận, chứ nhiều nhà trong làng, người ta dùng chất tẩy trắng loại mười mấy nghìn đồng 1kg, một muỗng nhỏ thuốc tẩy ngâm với 200 lít nước có thể tẩy trắng hàng tạ bì. Tại hầu hết các lò chế bì lợn, mùi mỡ rán, mỡ tươi trộn vào nhau, tạo mùi đặc trưng của làng nghề làm bì lợn – mùi tanh lờm lợm.

 

Chính quyền quá thờ ơ?

Ông Nguyễn Huy Lập, Chủ tịch UBND xã Tân Quang nói: thôn Bình Lương có nghề làm bóng, bì, mỡ nước đã vài chục năm nay. Cứ 10 nhà thì có tới 8 gia đình sản xuất bì, mỡ nước. Người dân sống được với nghề, thậm chí có gia đình còn khá giả và phất lên nhờ xuất khẩu bì, bán bóng, mỡ nước và tóp mỡ.

Ông Lập thừa nhận 100% các hộ gia đình sản xuất bóng bì, mỡ lợn ở thôn Bình Lương đều không được cấp giấy phép sản xuất vì không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất cũng chưa xây dựng được hệ thống xử lí nước thải nên nước bẩn được thải trực tiếp ra môi trường.

Tuy biết việc này, nhưng cũng theo ông Lập thì việc quản lý là vô cùng khó khăn. Cũng đã nhiều lần có đoàn kiểm tra về, nhưng không bắt được hộ nào vi phạm để xử phạt (?!)

“Việc kiểm soát phải thực hiện từ nơi bán, chứ người dân đã đi thu mua và đưa về đến thôn thì chắc đều là những sản phẩm không bị mắc dịch. Hơn nữa nếu cơ sở buôn bán chui thì xã cũng chịu, vì làm sao mà phân biệt được lợn bệnh và không bệnh để mà bắt giữ” – ông Lập phân bua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại