>>> Đại gia Việt và những scandal đáng chú ý trong năm 2014
>>> Vận hạn của đại gia “máu mặt” tuổi Nhâm Tý Hà Văn Thắm
Năm 2014 có thể coi là một năm nhiều sóng gió với đại gia Dũng lò vôi (tên thật là Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty CP Đại Nam).
Việc ông Dũng vác đơn kiện để tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc liên quan đến quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Sóng Thần đã khiến dư luận cả nước quan tâm.
Điều đặc biệt, vụ kiện này đã kéo lê, dai dẳng suốt một thời gian dài từ thời điểm gần cuối tháng 10/2013 cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Thêm vào đó, việc liên tục thay đổi lịch đóng cửa khu du lịch Đại Nam – nơi ông Dũng đã đặt bao tâm huyết, tiền của để xây dựng, khiến cái tên Dũng lò vôi được nhắc đến nhiều trên hầu hết các mặt báo.
Khi đại gia bị truyền thông… nghi ngờ
Ông Dũng lò vôi từng được gán biệt danh “ngông” vì những quyết định “hâm, khùng” khi treo thưởng 100 tỷ đồng cho bất cứ ai chứng minh được vợ ông đem tài sản đi thế chấp hay trao khối tài sản nghìn tỷ cho con trai 1 tuổi.
Mới đây, việc tuyên bố đóng cửa Đại Nam - khu du lịch hoành tráng bậc nhất Việt Nam với số vốn đầu tư khổng lồ lên đến 6000 tỷ đồng thêm một lần nữa chứng minh độ “ngông” của vị đại gia có biệt danh “hâm, khùng” này.
Bởi theo số liệu ghi nhận, mỗi năm khu du lịch Đại Nam đón khoảng 2 triệu lượt khách.
Những ngày bình thường, giá vé vào cổng, vé tại các khu biển, vườn thú 80.000-100.000 đồng/người mỗi khu, còn vé các trò chơi cũng từ 20.000 đến 50.000 đồng, cá biệt có những trò chơi với giá vé 80.000 - 115.000 đồng...
Tính tổng cộng giá vé “trọn gói” để vào cổng và chơi hết các trò không dưới 400.000 đồng một khách tham quan.
Nhiều người đã không khỏi băn khoăn: Đóng cửa một nơi hút khách du lịch và đem lại lợi nhuận “khủng” cho ông Dũng lò vôi như vậy liệu có phải là một quyết định dại dột của vị đại gia tỉnh Bình Dương này?
Tuy nhiên, việc 3 lần liên tục thay đổi kế hoạch về thời gian đóng cửa Đại Nam (từ ngày 10/11 chuyển sang ngày 20/11 và cuối cùng là 28/11) đã khiến nhiều người hồ nghi rằng: Đây có thể chỉ là một chiêu trò PR của ông Huỳnh Uy Dũng?
Bởi lẽ, cứ sau mỗi lần Đại Nam tuyên bố sắp hết hạn mở cửa miễn phí cho du khách thì lượng người kéo đến vui chơi, thăm quan, giải trí tại khu du lịch này càng đông.
Thậm chí, cảnh chen lấn, xô đẩy, xếp hàng dài chờ tới lượt chơi diễn ra thường xuyên. Tại khu vực để xe máy của khách tham quan, số lượng xe tăng đột biến.
Trước đó, thông báo được đăng tải 4/11 cho biết, Đại Nam sẽ đóng cửa từ ngày 10/11 đến hết năm 2014, tuy nhiên đến ngày 10/11 thời gian đóng cửa được lùi lại đến ngày 20/11 đến 31/12/2014.
Cuối cùng, thông báo mới nhất cho biết, trong thời gian đóng cửa từ 20/11 – 31/12/2014, thay vì việc ngừng hoạt động liên tục, Đại Nam vẫn mở cửa miễn phí cho khách vé thăm quan, riêng trò chơi sẽ tính phí bình thường.
Trong khi dư luận không ngớt đặt dấu chấm hỏi về chiêu làm thương hiệu của ông Huỳnh Uy Dũng thì Công ty Cổ phần Đại Nam lý giải:
Việc lùi thời gian đóng cửa khu du lịch Đại Nam cũng như việc mở cửa miễn phí các ngày 6,7 và chủ nhật các tuần từ 20/11 đến 31/12/2014 nhằm giảm bớt lượng khách tập chung, đảm bảo vấn đề sức khỏe người dân và du khách.
Kiện tụng liên miên, đại gia Dũng chịu thiệt
TS.Lê Đăng Doanh chia sẻ trên Dân Việt: Việc ông Dũng đóng cửa khu du lịch Đại Nam sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cả tỉnh Bình Dương, dẫn đến những “va chạm” giữa hai bên kéo dài ngày càng căng thẳng, thiệt hại sẽ là cả hai phía.
Việc ông Dũng đóng cửa khu du lịch Đại Nam sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cả tỉnh Bình Dương.
Trên Đời sống – Pháp luật, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng bày tỏ: Chưa bàn về chuyện đúng sai, nhưng rõ ràng việc ông Dũng đóng cửa Đại Nam trước tiên gây thiệt hại kinh tế cho cá nhân ông ấy.
Từ khúc mắc chưa được giải quyết với chính quyền địa phương, quyết định đóng cửa không hoạt động kinh doanh sản xuất là quyền của ông Dũng. Nhưng điều này theo ông Thuận sẽ tạo tiền lệ không tốt cho địa phương và các doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, theo như lý giải của đại gia Dũng lò vôi: ông đóng cửa Đại Nam vì bị chính quyền Bình Dương o ép.
Mấu chốt của toàn bộ vụ việc xuất phát từ việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Cung không phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3. Trong khi đó công ty Đại Nam của Dũng lò vôi đã vội kêu gọi… góp vốn đầu tư.
Ông Dũng khẳng định, việc chậm trễ trong việc phê duyệt quy hoạch suốt 7 năm qua khiến dự án ngưng trệ, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, ông Lê Thanh Cung phải chịu trách nhiệm chứ không thể không liên quan.
Liên quan tới vụ kiện này, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận rằng: tố cáo của ông Dũng là có cơ sở nhưng không liên quan đến cá nhân ông Lê Thanh Cung.
Đồng thời, ông Dũng bị thu hồi quyết định sử dụng đất.
Bởi lẽ, diện tích đất ở được công ty của ông Huỳnh Uy Dũng quy hoạch trong KCN Sóng Thần 3 sẽ chỉ có thời hạn sử dụng 50 năm, thay vì "lâu dài" như các tuyên bố trước đó.
Không đồng tình với quyết định này, ông Huỳnh Uy Dũng “đòi” UBND tỉnh Bình Dương bồi thường nếu như muốn thu hồi đất. Số tiền Bình Dương cần thanh toán lên tới 1.800 tỷ đồng (theo giá 3 triệu đồng mỗi m2).
Thêm vào đó, vụ ông Dũng lò vôi tố cáo đích danh ông Lê Thanh Cung đến nay vẫn còn căng thẳng khi đại gia này lại mới có đơn gửi đến Thủ tướng đề nghị phúc tra lại kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Có thể nói, với các hành động “ngông” của mình, ông Huỳnh Uy Dũng không chỉ gây rúng động dư luận, mà từ nay về sau, ai nhắm đầu tư lớn vào Bình Dương cũng sẽ nghĩ về câu chuyện của ông Dũng lò vôi .