Ông Huỳnh Uy Dũng vừa có thêm một tuyên bố gây "sốc" khi quyết định rời bỏ tỉnh Bình Dương để chuyển hộ khẩu về TP.HCM sinh sống, không muốn vướng bận gì với mảnh đất mà hàng chục năm nay ông đã làm việc, cống hiến.
Gần đây, dư luận xôn xao rất nhiều về việc ông chuyển hộ khẩu đi TP.HCM và dự định chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Khu du lịch Đại Nam, vì sao? Theo chúng tôi được biết ông có quá trình gắn bó hơn 30 năm ở Bình Dương.
Nếu chúng tôi nói không quá lời thì ông là người xây dựng, là “tác giả” của Khu công nghiệp Sóng Thần và xây dựng Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến - khu du lịch lớn nhất Việt Nam hiện nay. Hơn nửa phần đời của ông gắn bó với Bình Dương, không phải riêng gì tôi mà có lẽ tất cả mọi người hẳn sẽ rất ngạc nhiên trước quyết định gây sốc dư luận của ông.
Ông có thể cho biết vì sao đã quyết định như vậy và động cơ nào khiến ông rời khỏi Bình Dương, điều mà chưa ai nghĩ đến?
Tôi, Huỳnh Uy Dũng, quê ở Bình Định vào Bình Dương lập nghiệp với biết bao kỷ niệm vui buồn, khổ cực, nhọc nhằn và cay đắng. Để có được Đại Nam hôm nay, một Dũng Lò Vôi hôm nay, tôi cũng nói lời cảm ơn với nhân dân tỉnh Bình Dương đã ủng hộ tôi, thương yêu tôi và với sự nỗ lực quyết tâm của tôi mới có một khu du lịch để hãnh diện với bạn bè 5 châu 4 biển là nước Việt Nam này có một người như tôi, luôn luôn phấn đấu nỗ lực hết sức mình để cống hiến cho cộng đồng xã hội một nơi thờ tự tâm linh, thờ tự ông bà tổ tiên, một khu du lịch hoành tráng. Đó là hoài bão, tâm huyết của tôi.
May thay, lành thay nó cũng đã được hình thành trong đắng cay tủi nhục, trong bao nỗi đoạn trường, để hôm nay vợ chồng tôi có thể ngẩng mặt không hổ thẹn với trời với đất, không phụ những người đã ủng hộ tôi.
Tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay nó thật sự được đền bù nhưng nó không phải là mục tiêu. Sự thành công đó là phương tiện để tôi đi đến mục tiêu. Tôi đang có một gia đình hạnh phúc và công ty tôi là một doanh nghiệp có tầm cỡ, không thiếu nợ ai.
Thật ra trong lòng tôi không có gì là vương vấn sau 30 năm nếm trải thương trường tôi mới ngẫm ra một điều, mọi thứ trên đời là vô thường- Được - Mất - Có - Còn- nó được bão hòa với cái tuổi đời của tôi, tôi không bao giờ muốn lao vào thương trường nữa để tiếp tục nếm trải những phũ phàng oan nghiệt để đánh đổi có ngày hôm nay.
Trong trái tim tôi, Bình Dương là quê hương thứ hai của tôi, nó đã ăn sâu vào tâm thức, vào trái tim tôi, có lẽ tôi chọn con đường ra đi để còn là mãi mãi một Huỳnh Uy Dũng, một Dũng Lò Vôi của những người đã thương yêu và ủng hộ tôi. Mục tiêu của tôi là gì? Trong khi tôi đang ở đỉnh cao một Uy Dũng thành công hay thất bại, chỉ có trời biết hay đất biết.
Tôi muốn đi xa hơn nữa, đi tới cõi thánh thiện. Vợ chồng tôi muốn đem những thứ mình đang có để cống hiến cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam, cho cộng đồng xã hội, để lại cho thế hệ này đến thế hệ sau bằng những ngôi đền cổ kính nhất, thiêng liêng nhất ở khắp các tỉnh thành, đó là điều vợ chồng tôi mơ ước.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Tôi cảm thấy rằng tôi không còn ham muốn bon chen ở thương trường mà muốn lui về với gia đình nhỏ của tôi, cùng vợ tôi để thực hiện những ước mơ chung là dùng đồng tiền có được xây dựng đền thờ, vì hình như nó chiếm hết cả tâm hồn tôi, tôi khát khao và nó thôi thúc tôi như ngày đầu tôi đã xây dựng ngôi đền ở Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến. Biết rằng sẽ gian nan vất vả, biết là sức lực không còn nhiều nhưng vợ chồng tôi sẽ làm với tất cả một trái tim yêu quê hương, yêu đồng bào, để lại những công trình cho thế hệ mai sau.
Ông có nghĩ là ông suy nghĩ táo bạo quá không? Vì như những gì ông nói, nó như là huyền thoại, liệu ông có quá lời không và để thực hiện được ước mơ đó giữa lúc kinh tế đang khó khăn, cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, ông lại nảy sinh ra những ý tưởng hơi khác người, vì sao vậy, thưa ông?
Trong mọi thời cuộc, người ta hay nói là tôi điên, họ còn dùng những lời lẽ xúc phạm tôi là ngông cuồng, là điên rồ, có lẽ tôi cũng là người điên thật đấy. "Điên" để có nhiều khu công nghiệp (KCN Sóng Thần I…) và khu du lịch hoành tráng tầm cỡ như hiện nay và có lẽ tôi sẽ tiếp tục "điên" để thực hiện được những ngôi đền ở các tỉnh thành, những công trình để đời cho thế hệ này đến thế hệ khác mà những “người điên” như tôi mới dám thực hiện. Nếu thực sự tôi là người điên thì tôi cũng hạnh phúc với những gì mà tôi đã làm ra để cống hiến cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam này.
Ông có những ý tưởng đó từ đâu? Biết là gian khổ, biết là sự thách đố nhưng sao ông lại dấn thân vào một lần nữa? Vợ ông vừa sinh cho ông một đứa con trai 4 tháng tuổi, sao ông không hưởng cái hạnh phúc mà ông đang có mà ông lại tiếp tục phiêu lưu trong thế giới riêng của mình - đó là cõi tâm linh như ông thường nói. Vậy thì vợ ông có ủng hộ ông không?
Tôi may mắn có được người vợ luôn ủng hộ tôi trong mọi hoàn cảnh. Cô ấy là vợ tôi cũng là tri kỷ của tôi, cô ấy là người thông minh, mạnh mẽ, can đảm và kiên cường. Cô ấy đóng góp cho tôi rất nhiều, hy sinh cho tôi rất nhiều và đóng góp với tôi những điều mà chưa ai dám nói với tôi. Có lẽ tôi đã yêu cô ấy vì cô ấy rất thông minh, hiểu tôi muốn gì và tôi chuẩn bị làm gì, vợ tôi đều ủng hộ hết mình.
Ngược lại, có những việc cô ấy đã ngăn cản tôi, van xin tôi và khóc với tôi bằng cả trái tim yêu thương của một người vợ dành cho chồng. Nếu không có cô ấy thì hôm nay đã không có Khu du lịch Đại Nam. Có lẽ tôi cũng không có cơ hội ra đi thanh thản như hôm nay và trong bối cảnh kinh tế khó khăn như bây giờ thì tôi cũng là một doanh nghiệp nợ nần không kém.
Tôi tôn trọng vợ tôi vì vợ tôi là người phụ nữ có lòng tự trọng, có đạo đức hơn người và biết sống cho lẽ phải. Không phải tôi ca ngợi vợ tôi mà đó là sự thật. Những điều cô ấy làm cho tôi dù ai thương hay ghét cũng không thể phủ nhận được. Chúng tôi đã gặp nhau ở một điểm rất lớn, chỉ những người có tầm mới thấy tâm người khác.
Sống trên đời này nếu cho đi là hạnh phúc thì vợ chồng tôi có một quan điểm giống nhau, đó là điều mà tôi mà tôi hạnh phúc nhất để thực hiện những hoài bão còn lại. Chúng tôi chỉ cầu mong được sức khỏe, trí tuệ để lo cho con cái và để thực hiện ước mơ còn lại.
Thưa ông Dũng, ông thành công khi tuổi đời còn rất trẻ và nổi tiếng rất sớm nhưng chúng tôi được biết, theo thống kê chung thì ông là người vô cùng đặc biệt, ông không chọn lối sống xa hoa hưởng thụ mà ông lại nổi tiếng về lối sống bình dân, có những lúc vào công ty của ông, đến những công trình mà ông đang xây dựng, họ không phân biệt được đâu là chủ, đâu là người làm, vì sao vậy, thưa ông?
Tôi sinh ra và lớn lên ở một nơi rất nghèo khó, đó là Bình Định - quê hương của tôi. Gia đình rất nghèo nên tôi không có cơ hội được học hành tử tế như mọi người. Sau đó, tôi đi bộ đội, lập gia đình và ra thương trường rất sớm.
Bản thân tôi từ nhỏ đã chơi vơi lẻ loi nên tôi đã thấm thía cái sự khó khăn nghèo hèn. Vì thế, tôi luôn nỗ lực trong cuộc sống bằng ý chí quyết tâm và do may mắn của trời nên tôi có những thành công rất sớm.
Cho dù tôi là một người giàu có hay đã từng nghèo như tuổi thơ của tôi đã đi qua, thì tôi vẫn là tôi, một Huỳnh Uy Dũng không hoang phí, trác táng, đùa cợt trên đồng tiền vì tôi hiểu đồng tiền nó gây cho chúng ta rất nhiều cảm xúc - vui mừng, hân hoan, cay đắng, tủi nhục lẫn xót xa.
Nên khi có tiền, tôi luôn nghĩ đến những điều thánh thiện để giúp đỡ cho xã hội, cho cộng đồng. Thú thật, những gì tôi làm thì không thể kể hết và cũng không muốn ai biết đến mình, vì nó xuất phát từ con tim yêu thương đồng bào nhân loại; thương cảm cái nghèo, cái hèn, cái đói rách của bao nhiêu người kém may mắn hơn mình.
Nhưng tôi cũng là một con người bình thường, cũng suy nghĩ trăn trở và cống hiến hết những gì cho đồng bào, cho cộng đồng xã hội, đó là niềm mơ ước ấp ủ của tôi.