Xe nhỏ sôi động nhờ giảm thuế
Thị trường ô tô sẽ trở nên sôi động, với phân khúc xe cỡ nhỏ , có dung tích xi lanh dưới 2.0L nếu thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được điều chỉnh giảm và áp dụng ổn định, lâu dài.
Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi bổ sung được Chính phủ trình Quốc hội, tại kỳ họp thứ 11 lần này.
Theo dự thảo, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chở người dưới 10 chỗ, dung tích xi-lanh từ 1.5L trở xuống sẽ giảm thuế TTĐB từ 45% hiện nay xuống 40% từ 1/7/2016 và tiếp tục giảm xuống còn 35% từ ngày 1/1/2018.
Xe có dung tích trên 1.5L đến 2.0L giữ nguyên mức 45% đến hết ngày 31/12/2017, sau đó được hạ xuống còn 40%.
Xe có dung tích xi-lanh trên 2.0L - 2.5L giữ nguyên mức 50% như hiện hành.
Xe dung tích xi-lanh từ 2.5L- 3.0L, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng từ mức 50% hiện hành lên 55% từ 1/7/2016, sau đó lên mức 60% từ 1/1/2018, còn xe có dung tích trên 3.0L sẽ tăng mạnh.
Dự kiến Luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 6/4 tới. Đến nay, các mức thuế trên khi đem ra lấy ý kiến, được cho là đã có sự đồng thuận cao.
Về nguyên tắc, khi thuế giảm thì giá xe sẽ giảm theo. Vì vậy từ 1/7/2016, những mẫu xe nhỏ đang bán trên thị trường như Toyota Vios, Yaris; Honda City; Ford Fiesta Ecoboot; Hyundai i10, i 20; Kia Moring; Chevrlet Spark... có dung tích xi lanh dưới 1.5L sẽ có điều kiện giảm giá.
Theo tính toán, với mức giảm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt, giá những mẫu xe này có thể giảm từ 500 - 1.000 USD/xe tùy loại.
Với việc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe có dung tích xi-lanh nhỏ, thời gian tới phân khúc này sẽ rất sôi động.
Ngoài việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, vào thời điểm 1/1/2017, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Asean về Việt Nam lại được giảm thuế suất thuế nhập khẩu về mức 30%.
Đặc biệt từ 1/1/2018, mức thuế này giảm còn 0%, thì giá xe sẽ giảm rất nhiều. Các tính toán cho thấy, giá ô tô dung tích xi lanh dưới 2.0L nhập khẩu từ Asean về Việt Nam sẽ giảm từ 25% - 40% tùy loại.
Chuẩn bị thị trường bùng nổ
Với diễn biến này, các DN cho biết, sẽ tập trung nhiều vào phân khúc này. Từ xe bình dân đến xe sang, hãng nào cũng chuẩn bị những "con bài chiến lược" để tung ra trong thời gian tới.
Ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Công ty Liên Á chuyên xe Audi tại Việt Nam cho biết, với quyết định về thuế TTĐB của Quốc hội, chúng tôi sẽ tăng việc giới thiệu những mẫu xe có phiên bản động cơ nhỏ gọn và tiết kiệm hơn.
Doanh số của dòng xe dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ còn tiến xa, khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới được thông qua và áp dụng ổn định lâu dài.
Dự báo phân khúc này sắp tới sẽ xuất hiện nhiều mẫu xe mới, với những sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thương hiệu.
Khi tập trung mạnh vào phân khúc này, các DN phải đổi mới không ngừng, để đáp ứng nhu cầu tốt hơn của khách hàng và giữ vững thị phần.
Điều này sẽ làm cho thị trường ô tô sôi động và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Nhiều người tiêu dùng đang chờ đợi xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực Asean sẽ tràn vào Việt Nam do thuế giảm.
Chỉ cần tới đầu năm 2017, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean về Việt Nam giảm còn 30%, thì xe lắp ráp trong nước không còn lợi thế cạnh tranh.
Khi đó, giá xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước sẽ ngang bằng nhau và lợi thế chắc chắn sẽ thuộc về xe nhập khẩu.
Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean chủ yếu là xe bán tải, với những dòng xe khác, hiện nay rất ít. Lý do là các DN ô tô FDI tại Việt Nam vừa lắp ráp xe lại vừa được độc quyền nhập khẩu các thương hiệu của chính mình.
Lắp ráp trong nước hiện đem lại lợi nhuận cao, vì vậy, việc không nhập khẩu xe giá rẻ về phân phối là điều dễ hiểu.
Chỉ có một số ít dòng xe hiện có doanh số bán thấp, ít người sử dụng, các DN ô tô mới quyết định nhập khẩu, ví dụ Toyota Yaris.
Một số DN ô tô FDI Nhật Bản đã chuyển dần từ lắp ráp sang nhập khẩu xe về phân phối, chẳng hạn như Mitsubishi, nhưng các sản phẩm nhập khẩu thời gian qua cũng rất ít và cấu hình chỉ ở mức trung bình, nên không gây được ấn tượng với khách hàng, dù giá rẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, những mẫu xe ăn khách, có doanh số lớn, chắc chắn các DN sẽ vẫn duy trì lắp ráp trong nước.
Vì vậy sẽ khó cho những mẫu xe được người tiêu dùng ưa chuộng, từ Asean có cơ hội tràn vào Việt Nam.
Đấy là chưa kể xe nhập có thể bị siết chặt bằng các hàng rào phi thuế quan. Hiện các DN ô tô vẫn đề xuất các cơ quan chức năng tạo ra các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế sự cạnh tranh của xe nhập khẩu.
Cụ thể như quy định tiểu chuẩn ngặt nghèo đối với các đại lý nhập khẩu về năng lực tài chính, kho bãi... hay phải có hệ thống bảo hành, bảo trì; thủ tục đăng kiểm khắt khe hơn; chỉ cho 2-4 cảng biển được phép nhập xe...
Cùng với đó là có thể nâng giá tính thuế các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Khi giá tính thuế nâng lên, sẽ khiến cho chi phí tăng, giá bán xe phải tăng theo và Nhà nước cũng có thêm nguồn thu.