Doanh nghiệp "treo đầu dê bán thịt chó"
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có trên 130 sản phẩm nước khoáng đóng chai. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất chui làm giả sản phẩm của các thương hiệu lớn xuất ra thị trường khiến việc quản lý, phân biệt thật – giả ngày càng phức tạp.
Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nước uống đóng chai như Tân Hiệp Phát, Pepsico Việt Nam, URC Việt Nam... bị người tiêu dùng “tố” có dị vật hoặc bị nhiễm khuẩn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Nắm được tâm lý đó, Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Hiểu đúng, dùng đúng sản phẩm nước uống đóng chai”. Tham gia hội thảo có gần 300 người tiêu dùng tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) cho biết, cũng có một số doanh nghiệp bị “tuýt còi”, rút giấy phép sau khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Các doanh nghiệp này sản xuất nước đóng chai từ nguồn nước giếng khoan nhưng xử lý hết sức sơ sài.
Cơ quan chức năng đã từng phát hiện nước đóng chai nhiễm khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy của các nhãn hiệu Aquavenus, Bonwater, WaterHaru, Aqua Myanh, Sukura.
Hay Chi cục QLTT Yên Bái phát hiện lô hàng 6.000 lon nước uống tăng lực đóng chai, trị giá trên 40 triệu đồng, nhãn hiệu Anh Đô, sử dụng đường Saccarin (không được phép sử dụng trong sản xuất nước ngọt).
Ông Hùng cho biết thêm, một doanh nghiệp của một tỉnh biên giới phía Bắc cũng từng bị ông “vạch trần” hành vi “treo đầu dê bán thịt chó” khi sản xuất nước uống đóng chai.
Ông Hùng kể: “Cơ sở sản xuất đó xuất trình hồ sơ chất lượng nước có hàng chục dấu đỏ đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra chúng tôi thấy nguồn nước lấy từ giếng không có khóa, đường ống dẫn lơ lửng đóng thẳng vào chai”.
Qua những câu chuyện của ông Hùng, có thể thấy vấn đề về chất lượng nước đóng chai và cách phân biệt sản phẩm nước đóng chai thật – giả vẫn là câu hỏi, nỗi băn khoăn của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Trang (70 tuổi, Trung Tự - Hà Nội) – thành viên CLB Người tiêu dùng Thăng Long, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách nhận biết đâu là nước uống thật – giả vì trên thị trường có hàng trăm nhãn hàng nước đóng chai.
Muốn giảm bớt hàng rởm, kém chất lượng thì nhà sản xuất có thể bố trí một loại máy móc kiểm tra chất lượng sản phẩm hoặc cử nhân viên thường trực tại siêu thị, cửa hàng để người tiêu dùng có thể phản ánh ngay những dấu hiệu bất thường của sản phẩm”.
Tân Hiệp Phát cam kết với người tiêu dùng
Có mặt trong buổi hội thảo, ông Châu Hoàng Mẫn (Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH MTV Tân Hiệp Phát) khẳng định: “Vừa qua, có một số thông tin phản ánh việc phát hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát có dị vật hoặc hỏng.
Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát là dây chuyền hiện đại, khép kín hoàn toàn. Sản phẩm chỉ cần bị vênh nắp một chút hoặc có vấn đề gì là được camera giám sát phát hiện và loại ra khỏi băng chuyền.
Đặc biệt với tốc độ đóng chai lên đến 800 chai/phút thì không thể có con côn trùng nào lọt vào chai được. Nếu có thì cũng sẽ bị cường lực dòng nước xé nát chứ không thể còn nguyên vẹn như người tiêu dùng phản ánh”.
Ông Mẫn cam kết rằng, Tân Hiệp Phát sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn tốt nhất, minh bạch dây chuyền sản xuất để khẳng định hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.
Ông cũng đưa ra lời khuyên, tất cả các công ty đều có số điện thoại in ở nhãn mác dưới chai. Người dân có nghi ngờ, thắc mắc thì gọi đến bộ phận chăm sóc khách hàng của đơn vị sản xuất hoặc Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh để phản ánh các sản phẩm lỗi.